27/04/2009 - 06:54

Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 18,63 tỉ USD

* 6/23 nhóm hàng xuất khẩu vẫn giữ mức tăng trưởng

* Cần Thơ: Xuất khẩu gạo tăng 80,4% so cùng kỳ

Bộ Công Thương cho biết: tháng 4, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỉ USD, sụt giảm tới 16% so với tháng trước đó và là tháng xuất khẩu có mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Cũng trong tháng 4, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 5,2 tỉ USD, tăng 3% và đã nâng mức nhập siêu tăng trở lại lên đến 700 triệu USD. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tổng mức kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 17,835 tỉ USD, giảm tới 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung cả 4 tháng qua, Việt Nam vẫn ở vị thế xuất siêu tới 801 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 18,63 tỉ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2008. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giảm sút hơn năm ngoái và chỉ có 6/23 nhóm hàng vẫn giữ mức tăng trưởng như: sắn 55,8%, gạo 43,9%, chè 14,8%, hạt tiêu 1,9%, dệt may 1,8%. Đứng số 1 vẫn là nhóm kim loại quý, đá quý xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt tới 2,542 tỉ USD, gấp 40 lần so với cùng kỳ năm trước. Còn lại, tất cả các ngành hàng đều suy giảm xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2008, trong đó, suy giảm mạnh nhất là dầu thô giảm tới 44,7%, cao su giảm tới 45,5%, dây điện và cáp điện giảm tới 43,3%, gốm sứ giảm 22,8%, gỗ giảm tới 18,1%, hạt điều giảm 15%, cà phê giảm tới 12,6%....

Các chuyên gia thương mại nhận định: Đến thời điểm này, tình hình nhập khẩu vẫn chưa có chuyển biến mới bởi 4 tháng qua chỉ có duy nhất 2 nhóm hàng tăng kim ngạch nhập khẩu là lúa mì và xe máy nguyên chiếc. Còn lại hầu hết các ngành hàng đều giảm như: bông, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị phụ tùng... Nguyên nhân có lẽ do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong thời gian tới nếu hoạt động sản xuất vẫn không có bước đột phá, hoạt động nhập khẩu cũng chưa thể tăng cao. Bởi theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ lãi suất... nhằm kích cầu tiêu dùng, sản xuất và xuất khẩu, nhưng tất cả mới ở giai đoạn ban đầu. Để các giải pháp đó phát huy hiệu quả thì phải có một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, một số ngành như dệt may, giày dép, đồ gỗ, nhựa... do thị trường xuất khẩu thu hẹp, không có nhiều đơn hàng nên chưa mặn mà với khoản vay hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.

* Thành phố Cần Thơ vừa xuất 120.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo đã xuất từ đầu năm đến nay lên 297.000 tấn, tăng 80,4% so cùng kỳ năm 2008; đạt tổng giá trị 112,9 triệu USD, tăng 55,8% so cùng kỳ, chiếm 41,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố.

4 tháng đầu năm nay, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: thủy sản, giày dép, da thuộc, thủ công mỹ nghệ giảm từ 3,8% – 41,4% số lượng trong khi giá gạo xuất tăng từ 30 – 60 USD/ tấn. Tranh thủ cơ hội này, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chuyên doanh gạo xuất khẩu đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị, tìm kiếm thêm thị trường mới tại châu Á, Phi và đã ký thêm được nhiều hợp đồng với khách hàng nước ngoài đặt mua thêm trên 80.000 tấn. Thành phố tăng cường cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp; đầu tư thêm 16 tỉ đồng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong các khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm. Các doanh nghiệp đầu tư 150 tỉ đồng lắp mới các dây chuyền xay xát, đánh bóng, vô bao, đóng gói gạo nhằm nâng cao chất lượng, hạ thấp tỷ lệ tấm trong thành phẩm; mua và xay xát 800.000 tấn lúa nguyên liệu; hạn chế quan hệ với đối tác trung gian mà giao dịch trực tiếp với khách hàng, với người tiêu dùng nước ngoài và tăng qui mô sản xuất để giảm thêm được chi phí; đáp ứng đơn đặt hàng khối lượng lớn, giao hàng trọn gói. Nổi bật là Công ty lương thực Thốt Nốt (Gentraco) và Công ty lương thực sông Hậu là hai đơn vị làm tốt nhất công tác tiếp thị, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo; đã ký hợp đồng bao tiêu hàng chục ngàn tấn lúa của nông dân địa phương đồng thời ký hợp đồng mua gạo chế biến của các nhà máy với số lượng hàng chục ngàn tấn.

UYÊN HƯƠNG - THẾ ĐẠT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết