30/06/2010 - 09:31

KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY SINH CỐ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (1/7/1915-1/7/2010):

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người cộng sản mẫu mực, sáng tạo

I. Khái lược về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 01 tháng 7 năm 1915 tại Hà Nội (quê gốc làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Xuất thân trong một gia đình yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, thấu hiểu cảnh đau khổ của đất nước lầm than, nô lệ, năm 1929, đồng chí tham gia phong trào Học sinh đoàn của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng.

Tại căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Từ trái sang các đ/c: Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Phạm Văn Xô (Hai Xô), Phạm Thái Bường (Ba Bường), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Ảnh: TL 

Năm 1930, đồng chí bị địch bắt. Mặc dù chưa đến tuổi thành niên, đồng chí vẫn bị chính quyền thực dân đưa ra xét xử, kết án tù chung thân, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, đồng chí được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay sau khi ra tù đồng chí tiếp tục hoạt động, tích cực tham gia khôi phục phong trào cách mạng, lập lại Thành ủy Hải Phòng và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Năm 1939, đồng chí được Trung ương Đảng cử vào tham gia Thành ủy Sài Gòn. Đầu năm 1941, đồng chí được Trung ương điều động ra Trung kỳ chắp nối lại phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại xứ ủy, đến Vinh (Nghệ An) đồng chí bị địch bắt, kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Trung ương Đảng phân công tham gia chiến đấu ở Nam Bộ và từ đó gắn bó cuộc đời hoạt động cách mạng của mình với đồng bào miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí lần lượt được Đảng giao các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1946 - 1947), Bí thư đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1957 - 1960). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1976, đồng chí là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Đại hội Đảng khóa IV, khóa V đồng chí được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.

Tháng 12-1981, đồng chí được Trung ương Đảng phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3-1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6-1985, tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6-1986, đồng chí được phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng và giữ cương vị Thường trực Ban Bí thư.

Tháng 12-1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VIII của Đảng đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27-4-1998 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh thật oanh liệt và phong phú, trải rộng trên cả ba miền của đất nước, trong đó phần lớn thời gian gắn bó máu thịt với miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc đời cách mạng của đồng chí gắn liền với những chặng đường cam go, gian khổ, hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Dù ở trong hoàn cảnh nào, với nhiệm vụ gì, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và nhiều nước trên thế giới.

II. Những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc

1. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, một người cộng sản kiên cường, bất khuất; một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo

Đồng chí Nguyễn Văn Linh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Mới 15 tuổi đồng chí đã bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, hai lần bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Hơn 10 năm bị địch giam cầm tại địa ngục trần gian - Côn Đảo, kẻ thù đã dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn, nhưng đồng chí vẫn nêu cao khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng, cùng các đồng chí trong chi bộ đảng nhà tù tổ chức các lớp học tập chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cộng sản. Ngay sau khi được ra tù, đồng chí lại lao vào hoạt động cách mạng, không sợ hy sinh, gian khổ, được Đảng tin cậy cử đến hoạt động ở những nơi phong trào cách mạng gặp khó khăn. Đồng chí là một trong những người đề xuất thực hiện hợp nhất hai tổ chức Việt Minh: Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn, lập ra Thành ủy lâm thời thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trong thời kỳ gay go nhất và cũng oanh liệt nhất của cách mạng miền Nam, kẻ thù dùng luật 10/59 dìm cách mạng miền Nam trong biển máu và thời kỳ hàng triệu quân Mỹ - ngụy càn quét tìm diệt lực lượng cách mạng, đồng chí không lúc nào xa rời quần chúng, luôn luôn gắn bó với phong trào cách mạng của miền Nam để xây dựng Đảng. Với trách nhiệm Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục đồng chí đã chủ trì và cùng các đồng chí Trung ương Cục lãnh đạo và phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng quân giải phóng, đánh bại các chiến lược chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).

Đất nước thống nhất, với cương vị là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã trăn trở, tìm tòi các giải pháp nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng thành phố theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của thành phố đã quen với nền kinh tế thị trường. Đồng chí luôn khuyến khích, cổ vũ, những người dám tìm tòi, dám “xé rào”, cổ vũ các đồng chí của mình dũng cảm, sáng tạo, thay đổi cách nghĩ, cách làm khi cơ chế, chính sách ở cấp vĩ mô chưa thay đổi kịp. Đồng chí nói: “Phải tự cứu lấy mình, trước khi trời cứu”. Trong tìm tòi bước đi đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những lời tâm huyết như: “Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm”; “Đổi mới là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để: đổi mới tư duy, đổi mới chính sách, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ....Người lãnh đạo mà bảo thủ, sai lầm, không chấp nhận đổi mới thật sự thì không thể lãnh đạo được”.

Những tìm tòi thử nghiệm, những mô hình mới ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước đã góp phần quý báu giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã đề xướng và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nghiêm túc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Trong bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp, công cuộc cải tổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu phạm sai lầm về chiến lược; đất nước ta bị chủ nghĩa đế quốc bao vây, cấm vận, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra nghiêm trọng, đời sống của cán bộ và nhân dân gặp nhiều khó khăn, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước bị giảm sút. Với tinh thần kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vững vàng, chủ động, sáng tạo lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, vượt qua thử thách, kiên trì đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với những bước đi và cách làm phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam: Tập trung đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; coi trọng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, công cuộc đổi mới của đất nước ta đã đạt được thành tựu quan trọng: từ một nước thiếu triền miên về lương thực chúng ta đã đảm bảo an ninh về lương thực và có lượng gạo xuất khẩu lớn; từ một nước làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất khẩu không đủ nhập khẩu chúng ta đã phấn đấu ra khỏi nhóm nước chậm phát triển và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống của nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, thuộc về toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có công lao đóng góp quan trọng, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết