03/04/2022 - 08:37

Tổn thương di sản! 

DUY KHÔI

Gần đây, nhiều di tích đã được xếp hạng ở các địa phương trên cả nước được trùng tu, sửa chữa với mục đích “bảo tồn và phát huy giá trị di sản”. Vậy nhưng, nhiều di tích đã bị can thiệp một cách thô bạo, làm mất đi giá trị gốc không thể phục hồi.

Di tích Tháp Bánh Ít được trùng tu một cách thô bạo. Ảnh: PLO

Chuyện trùng tu, tôn tạo Di tích Tháp Bánh Ít ở tỉnh Bình Ðịnh xôn xao những ngày gần đây là điển hình. Cụm tháp Chăm ngàn năm tuổi lại bị can thiệp thô bạo bằng cách đưa xe múc vào sát di tích để thi công, đổ đất đá và dùng gạch xây bồn hoa ngay dưới chân tháp. Nếu không có thông tin “kêu cứu” từ báo chí, không biết việc trùng tu này sẽ khiến Tháp Bánh Ít ra sao sau khi hoàn thành. Vậy nhưng, điều đáng nói là thay vì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Ðịnh nhanh chóng vào cuộc, xử lý sai phạm của các cá nhân, đơn vị liên quan thì lại ra công văn “truy tìm” người đã cung cấp thông tin cho báo chí.

Cách đây chỉ hơn 1 tuần, việc trùng tu Di tích quốc gia đặc biệt Ðình Chèm (Hà Nội) cũng khiến dư luận xôn xao. Một cây đa cành lá xum xuê, che phủ, tạo không gian rất đẹp cho đình bị đốn hạ; toàn bộ bậc thềm, nền đá được tháo dỡ để thay mới. UBND TP Hà Nội, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên tiếng, đề nghị xác minh, làm rõ vụ việc này. Ban Khánh tiết đình Chèm giải thích cây đa đó chỉ có tuổi đời khoảng 24 năm, không phải đa cổ thụ hay cây di sản nên đốn hạ.

Trước đó, hàng loạt câu chuyện về việc xâm hại, làm tổn thương di tích trong quá trình trùng tu, bảo quản đã được dư luận phản ánh. Tâm lý của nhiều người là cứ thích hiện đại, mới mẻ, tiện nghi nên “trẻ hóa” di tích đã được xếp hạng. Ðiều đau lòng, nhất là với những người yêu di sản, là những sai lầm trong việc trùng tu di tích là chuyện “sai không thể sửa”. Những kiến trúc, công trình, hiện vật cổ xưa, một khi đã đập bỏ xây mới hay làm biến dạng thì không thể phục hồi lại được. Những sai lầm, hoặc cố tình hoặc vô tình, trong trùng tu di tích đều có tội với tiền nhân và có lỗi với hậu thế bởi đã phá nát di sản ông cha để lại. Cũng bởi “sai không thể sửa” nên dù có xử lý, phạt vạ người làm sai đến đâu thì cũng không thể khắc phục, “được vạ thì má đã sưng”.

Theo quy định, đối với việc trùng tu di tích quốc gia, UBND tỉnh, thành phố phải có Hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, phục hồi di tích gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau khi xem xét, cân nhắc, Bộ sẽ có ý kiến chấp thuận hồ sơ và ra văn bản thỏa thuận trùng tu di tích với các yêu cầu nghiêm ngặt. Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Thông tư quy định rõ tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng chỉ, giấy chứng nhận hành nghề. Quy định là vậy nhưng sao “con voi chui lọt lỗ kim”?

Chia sẻ bài viết