03/04/2016 - 09:07

Tội phạm quốc tế xem Trung Quốc là “thiên đường rửa tiền”

Trung Quốc đang nổi lên là "trung tâm rửa tiền toàn cầu", không chỉ đối với công dân nước này mà có cả bọn tội phạm trên khắp thế giới, theo cuộc điều tra của hãng tin Mỹ AP.

"Mạng lưới rửa tiền" tại Trung Quốc

Theo quá trình truy tố và các cuộc điều tra gần đây của cảnh sát ở châu Âu và Mỹ, bọn tội phạm nước ngoài có nhiều lựa chọn để rửa tiền ở Trung Quốc, như thông qua các ngân hàng lớn, chương trình xuất nhập khẩu và các hệ thống chuyển tiền không chính thức có niên đại cả ngàn năm.

Gilbert Chikli trả lời phỏng vấn với hãng tin AP hồi tháng 11-2015. Ảnh: AP

Các hệ thống tài chính ngầm phát triển mạnh ở Trung Quốc đã trở thành "công cụ" để bọn tội phạm nước ngoài thực hiện hoạt động phi pháp. Chúng đã rửa hàng tỉ USD ở Hồng Công và Trung Quốc đại lục, bằng cách đưa lượng tiền phạm pháp vào các hoạt động thương mại và tài chính hợp pháp thông qua khu vực trên trước khi bơm trở lại hệ thống tài chính toàn cầu, phần lớn vượt ngoài khả năng kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật phương Tây, theo các quan chức cảnh sát, tài liệu tòa án châu Âu, Mỹ và thông tin tình báo mà AP có được.

Hồi tháng 9-2015, cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy 3 người Colombia tạm trú ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã điều hành một mạng lưới rửa tiền toàn cầu và chuyển hơn 5 tỉ USD cho các băng đảng ma túy ở Mexico và Tây Ban Nha thông qua các tài khoản ngân hàng ở Hồng Công và Trung Quốc. Giới chức tin rằng mạng lưới này cũng đã "vươn vòi" đến Mỹ, Colombia, Tây Ban Nha, Ecuador, Venezuela…

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch, mặc dù có những quy định kiểm soát tiền tệ gắt gao, song hơn 710 tỉ USD đã bị bọn tội phạm hợp thức hóa tại Trung Quốc trong năm qua.

Gặp gỡ "chuyên gia lừa đảo"

Trong quá trình điều tra, phóng viên AP đã tìm gặp Gilbert Chikli, người được cho hiểu rõ "sức quyến rũ" của Trung Quốc. Chuyên gia lừa đảo người Israel gốc Pháp này đã khiến hàng ngàn công ty, bao gồm nhiều công ty Mỹ, mất tổng cộng 1,8 tỉ USD chỉ trong hơn 2 năm, theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Các tài liệu pháp lý của Pháp cho biết Chikli đã bỏ túi hàng triệu USD bằng cách vào vai các giám đốc điều hành, nhân viên tình báo giả mạo và thuyết phục nhân viên của một số công ty lớn trên thế giới chuyển tiền vào tài khoản của y. Tuy nhiên, phương pháp rửa tiền ưa thích của người đàn ông 50 tuổi này là thông qua hoạt động xuất nhập khẩu. Ông chuyển tiền phi pháp cho các công ty bình phong ở Hồng Công, sau đó rút tiền mặt và dùng nó để mua hàng hóa ở Trung Quốc.

Ví dụ, Chikli mua 20 tấn thép, nhưng hối lộ bên bán để có được hóa đơn bán hàng 100 tấn. Tiếp đến, ông bán số thép này và chuyển tiền về Israel, nơi các hóa đơn giả "hô biến" toàn bộ số tiền bẩn giống như khoản lợi nhuận thu về từ hoạt động buôn bán hợp pháp. Trong cuộc phỏng vấn tại tòa nhà 3 tầng ở thành phố Ashdod bên bờ Địa Trung Hải, Chikli tiết lộ rằng ông ta đã rửa 90% số tiền lừa đảo thông qua Hồng Công và Trung Quốc.

Năm ngoái, Chikli đã bị một tòa án Pháp buộc tội lừa đảo chiếm hơn 6,8 triệu USD từ 5 công ty gồm La Banque Postale, ngân hàng LCL, HSBC, Accenture và công ty công nghệ Pháp Thomson. Ngoài ra, Chikli còn bị khép vào tội âm mưu rút 78 triệu USD của ít nhất 33 hãng khác, trong đó có Barclays, American Express và công ty điều hành Disneyland Paris. Chikli bị tuyên án vắng mặt 7 năm tù giam và nộp phạt hơn 1 triệu USD. Song không hiểu vì sao Chikli vẫn sống công khai ở Israel.

Mặc dù Chikli tuyên bố "rửa tay gác kiếm", song chiêu lừa đảo của ông ta đã bị lớp kế cận sao chép lại. Giống như Chikli, chúng xử lý lợi nhuận phi pháp thông qua các tài khoản ngân hàng ở Hồng Công và Trung Quốc, rửa tiền bằng cách mua hàng hóa, thường là hàng giả, rồi chuyên chở và bán ở Colombia và nhiều nước khác, theo Bộ Tư pháp Mỹ. FBI đã theo dõi các vụ chuyển tiền lừa đảo bằng hình thức giả làm giám đốc điều hành tới hơn 70 nước và đứng đầu danh sách này là Hồng Công và Trung Quốc đại lục, theo đặc vụ FBI Jay Bienkowski.

THANH BÌNH (Theo AP)

Chia sẻ bài viết