23/01/2008 - 22:55

Vụ án làm tiền rách rồi đem đổi tại các ngân hàng

Tội phạm có "đất sống" vì cán bộ tắc trách

Dự kiến cuối tháng 1-2008, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ sẽ xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn làm tiền rách rồi đem đổi tại các ngân hàng. Trong vụ án này, Phó Giám đốc, Trưởng phòng Quỹ tiền tệ - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Cần Thơ bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án là bài học đắt giá với người làm công tác quản lý khi tắc trách trong quá trình triển khai các văn bản nghiệp vụ.

Tắc trách

Về việc thu hồi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông do Nhà nước phát hành hợp pháp nhưng bị rách nát, hư hỏng hay biến dạng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định số 1722/2004/QĐ-NHNN ngày 31-12-2004 (gọi tắt là Quyết định 1722) kèm theo quy chế thu hồi việc đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Quyết định này thay thế Quyết định số 1344/2001/QĐ -NHNN ngày 29-10-2001 đã ban hành trước đó gởi cho Ngân hành các tỉnh, thành phố để thực hiện.

Ngày 12-1-2005, Giám đốc ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Cần Thơ là ông Lê Đình Trung bút phê chuyển Quyết định 1722 kèm theo quy chế và mẫu giấy đề nghị đổi tiền giấy không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho Ca Thanh Bình, Phó Giám đốc được ủy quyền chỉ đạo điều hành về hoạt động của Phòng Tiền tệ Kho quỹ và Lê Văn Tấn, Phó phòng Tiền tệ Kho quỹ phụ trách quỹ chính. Những người này có trách nhiệm triển khai Quyết định 1722 cho các nhân viên kiểm ngân trong phòng Tiền tệ Kho quỹ là Ca Cẩm Tú - Phó Phòng và Đào Thị Mỹ An, Ngô Lê Anh Duy, Lê Thị Oanh, Nguyễn Duy Nhựt, Lê Thị Thanh Mai và Trần Nguyễn Kim Đình.

Sau khi nhận Quyết định 1722 và ý kiến chỉ đạo của Giám đốc, Bình và Tấn xem qua quyết định và đem cất giữ, không triển khai, phổ biến cho nhân viên Phòng Tiền tệ Kho quỹ để thực hiện. Tấn chỉ thông báo miệng cho nhân viên Phòng Tiền tệ Kho quỹ về mức thu phí 3% theo Quyết định 1722 thay cho mức phí 4% theo Quyết định 1344. Vì vậy, Bình, Tấn và số nhân viên của phòng Tiền tệ Kho quỹ không nắm được những nội dung của Quyết định 1722 quy định trong trường hợp không xác định được tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông có đủ điều kiện được đổi hay không hoặc tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thuộc loại nào theo quy định của quy chế phải đề nghị giám định và phải có sự ký duyệt của lãnh đạo ngân hàng vào giấy đề nghị đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Chính sự quản lý lỏng lẻo và thiếu sự kiểm tra của nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Cần Thơ trong việc đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông đã tạo cơ hội cho bọn tội phạm “ra tay” trục lợi.

Tội phạm “tung hoành”

Khoảng cuối tháng 5-2006, lợi dụng quy định của Nhà nước về việc thu hồi và đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, Trần Văn Tạo - một đối tượng ngụ ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An nảy sinh ý định làm tiền rách rồi đem đổi tại các ngân hàng.

Tạo chỉ đạo Trần Văn Lập (em của Tạo) và Đào Thị Ngọc Dào (bạn gái của Lập) dùng tiền giấy loại polymer đến các cửa hàng mua bán vàng ở TP Hồ Chí Minh đổi tiền cotton mệnh giá 100.000 đồng còn nguyên. Sau đó, Tạo ngâm tiền cotton còn nguyên vào dung dịch nước màu pha loãng, rồi đem phơi khô, sử dụng kéo loại răng cưa cắt lửng và xé rời 5 tờ tiền với những vị trí, hình dáng, kích thước khác nhau thành nhiều mảnh rồi ghép và dán từ 5 tờ tiền nguyên thành 6 tờ tiền rách, mỗi tờ bị cắt mất một phần ở các vị trí khác nhau. Sau đó, họ dùng giấy trắng mỏng dán các phần bị cắt mất để kích thước tờ tiền được cắt dán bằng tờ tiền nguyên vẹn. Khi cắt dán xong số tiền cotton nguyên thành tiền rách, Tạo giao cho Trần Văn Lập, Trần Văn Linh và Đào Thị Ngọc Dào mang đến đổi tại các ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Nai, Vĩnh Long... Trong số các địa phương trên, Cần Thơ là địa bàn Tạo cùng đồng bọn “ăn đậm” nhất. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Cần Thơ là nơi Dào, Linh, Lập chọn làm “mối” đổi tiền rách bởi sự dễ dãi trong thủ tục ở đây.

Tại Ngân hàng này, khi đến đổi tiền Dào, Linh, Lập đã sử dụng tên và địa chỉ giả để làm thủ tục đổi tiền, không ghi đầy đủ thông tin theo mẫu, không xuất trình giấy chứng minh nhân dân mà nói dối là quên mang theo hoặc bị mất đang làm lại giấy. Thế nhưng, nhân viên của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Cần Thơ không hề kiểm tra giấy tờ, bởi vì bản thân họ khi làm thủ tục đổi tiền cho Dào, Linh, Lập do không nắm được những quy định của Quyết định 1722 nên không yêu cầu các đối tượng trên phải điền đầy đủ thông tin vào mẫu giấy đổi tiền. Thậm chí, có trường hợp không sử dụng mẫu giấy đổi tiền, mà chỉ lập bảng kê các loại tiền thu và cũng không yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân để đối chiếu, kiểm tra. Khi nhân viên phát hiện đối tượng đến đổi tiền với số lượng lớn, có cùng mệnh giá 100.000 đồng, dấu vết rách được cắt dán giống nhau và có mùi lạ nên đã đem một số tờ tiền này xin ý kiến của Lê Văn Tấn. Tấn xem xong đồng ý cho đổi. Sau này, đến cuối tháng 8-2006, Tấn mới phô tô Quyết định 1722 gởi cho nhân viên trong phòng nhưng không kèm theo mẫu giấy đề nghị đổi tiền. Vì thế, nhân viên của Phòng cũng không biết là phải trình qua Ca Thanh Bình và Lê Văn Tấn để quyết định cho đổi tiền. Bọn tội phạm nhờ đó tiếp tục “có đất” để thực hiện hành vi phạm tội.

Trên địa bàn TP Cần Thơ, Đào Thị Ngọc Dào 38 lần đổi được tổng cộng 1.978.700.000 đồng. Trong đó 36 lần tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Cần Thơ (tổng cộng 1.951.700.000 đồng) và 2 lần tại Ngân hàng Sài Gòn Thương tín; lần đầu 27.000.000 đồng, lần thứ hai thì bị phát hiện. Trần Văn Linh thực hiện đổi tiền 8 lần tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Cần Thơ với tổng số tiền là 565.100.000 đồng. Trần Văn Lập thực hiện đổi tiền 3 lần tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Cần Thơ với tổng số tiền 117.600.000 đồng. Ngoài ra, Dào, Lập còn thực hiện việc đổi tiền tại Vĩnh Long, TPHCM, Bến Tre, Đồng Nai...

Tham thì thâm

Ngày 4-10-2006, Trần Văn Linh đem 72.500.000 đồng tiền rách do Tạo đưa đem đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Cần Thơ để đổi. Do nghi ngờ số tiền mà Linh đem đến không thuộc trường hợp tiền “không đủ tiêu chuẩn lưu thông” nên ngân hàng trình báo với Công an TP Cần Thơ. Công an đã mời Linh đến làm việc, hỏi rõ nguyên nhân nguồn gốc số tiền bị rách. Khi ra về, Linh điện thoại báo cho Tạo biết và đưa 72.500.000 đồng cho Lập và Dào tại bến phà Cần Thơ. Khoảng 13 giờ cùng ngày, Dào tiếp tục mang số tiền này đến Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín để đổi nhưng nhân hàng này nghi ngờ với số tiền đổi nên đã báo với cơ quan An ninh Kinh tế - Công an TP Cần Thơ đến làm việc với Dào và thu giữ số tiền nói trên. Đến ngày 31-10-2006, Cơ quan An ninh Điều tra - Công an TP Cần Thơ bắt tạm giam Đào Thị Ngọc Dào; còn Trần Văn Lập, Trần Văn Linh, Trần Văn Tạo bỏ trốn. Đến ngày 26-11-2006, Linh bị bắt theo lệnh truy nã.

Cáo trạng của Viện KSND TP Cần Thơ nhận định: Ca Thanh Bình và Lê Văn Tấn là người có chức vụ quyền hạn được giao chỉ đạo điều hành và phụ trách hoạt động của Phòng Tiền tệ Kho quỹ nhưng lại không thực hiện hết chức năng và không thực hiện đầy đủ những quy định về thu hồi và đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Đồng thời không kiểm tra, đôn đốc nhân viên thuộc quyền trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ quản lý của mình, dẫn đến việc bị Đào Thị Ngọc Dào, Trần Văn Linh, Trần Văn Lập lợi dụng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước với số lượng đặc biệt lớn gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hành vi của Ca Thanh Bình, Lê Văn Tấn thực hiện đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, xâm phạm đến lợi ích Nhà nước.

PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết