28/06/2008 - 20:20

Đạo diễn Việt Linh:

"Tôi muốn mình giống... cây dừa"

Nữ đạo diễn Việt Linh vừa từ Pháp bay về TPHCM để ra mắt tạp bút “Chuyện mình chuyện người” do Nhà xuất bản Trẻ và Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành. Làm đạo diễn thành danh với những phim như “Nơi bình yên chim hót”, “Gánh xiếc rong”, “Dấu ấn của quỷ”, “Chung cư”, “Mê Thảo – Thời vang bóng”… rồi chủ biên “Tủ sách điện ảnh”, nay chị in tạp văn. Và chị đã có một cuộc trao đổi với chúng tôi.

* Xin chúc mừng tạp bút “Chuyện mình chuyện người”. Cái bìa sách khá là... điện ảnh. Dường như chị đã được họa sĩ vẽ bìa chia sẻ ý tưởng?

- Đạo diễn VIỆT LINH: Vâng, khi người phụ trách xuất bản của Công ty Văn hóa Phương Nam hỏi tôi thích bìa sách kiểu gì, hình ảnh, tranh vẽ hay chữ, tôi chỉ thố lộ hai ý: về bố cục tôi muốn có đôi mắt, vì xét cho cùng mỗi quyển sách là một cái nhìn; về màu sắc, tôi thích ba màu đen, trắng, xám - kết quả như bạn thấy hiện nay - do nữ họa sĩ Thiên Thư thực hiện. Bìa “điện ảnh” quá - một người bạn tôi nói - giống con mắt nhìn qua lá sách cửa sổ.

* Hai mươi năm đi về giữa Việt Nam và nhiều nước, làm phim, viết báo, chiêm nghiệm thế gian; và chị đã tuyển chọn, gởi gắm hơn chín mươi câu chuyện trong ấn phẩm này. Thưa chị, “mình” và “người” đã “gặp nhau” nhiều chưa?

- Đâu chỉ gặp nhau, mà là dựa dẫm nhau, ngó nghiêng nhau, đôi khi cứu rỗi cho nhau. Chí ít từ phía tôi - phía mình. Nhờ chuyện người mà mình sáng ra hơn nhiều điều, thức tỉnh hơn nhiều điều, tử tế hơn nhiều điều... Chuyện của người khiến mình suy nghĩ và chuyện của mình, biết đâu, cũng làm ai đó nghĩ suy gì đó.

* Tập sách chia thành hai chương: chuyện đời và chuyện nghề, trong đó chương chuyện nghề nghiêng về phim ảnh, nhưng rốt cuộc hình như cũng là để nói chuyện... đời?

 

- Cảm ơn bạn đã đọc kỹ để kết luận như vậy. Quả đó chỉ là sự phân chia ước lệ thôi. Xét cho cùng, nghệ thuật, đặc biệt là phim ảnh, cũng chỉ là “công cụ” để nói chuyện đời.

* Số phận gia đình, người phụ nữ, trẻ em... của nhiều người Việt xa nhà trong cuốn Tạp bút này dường như bàng bạc một tiếng nói nội tâm của tác giả: cội nguồn là ấm áp?

- Vì hoàn cảnh tôi phải sống xa cha mẹ từ rất bé, rồi lớn lên cứ phiêu bạt nơi này nơi nọ, không ở nơi nào đủ lâu, đủ ký ức để nhận làm quê hương. Điều đó, cộng với một vài éo le trong gia cảnh, khiến tôi cứ thấy mình bơ vơ triền miên, khát khao nguồn cội triền miên. Ấn tượng của bạn, nếu có, cũng là dễ hiểu. Đúng ra, về thời gian, có một nơi mà tôi đang và sẽ còn sống lâu dài nữa, nhưng trớ trêu thay đó lại là xứ sở của thiên hạ - xứ sở mà ngoài cái gia đình nhỏ yêu thương của mình, tôi chưa bao giờ thấy gắn bó thật sự, dù được sống thanh thản. Với nước Pháp tôi mãi mãi là kẻ tạm cư hờ hững, là kẻ vãng lai, là kẻ ngoại tình.

* Những câu chuyện của chị, có phải nó vẫn là những ngọn gió Đông, gió Tây riêng tư trong một thế giới mà bây giờ có người ví là “thế giới phẳng”?

- Hình như khi viết tôi không nghĩ ngợi đến địa lý, hay cái gì đó tương tự. Tôi chỉ nghĩ đến những gì liên quan tới con người, ngay cả khi tôi nói về con cá. Và con người rất chung chung, ngay cả khi họ có tên, có quốc tịch. Tôi nhìn thấy thế giới ngày một “phẳng”, nhưng tôi tin không bao giờ nó “phẳng” đến tận cùng. Nó sẽ vẫn còn những hố, những hang hốc... Để chi? Để con người không trơn tuột, để nghệ sĩ còn có chuyện làm, để nghệ thuật còn ý nghĩa.

* Hầu hết những người bình sách cũng đều nhắc đến ý thức công dân trong tác phẩm của chị. Riêng chị có ý thức điều đó khi sáng tác?

- Tôi thường chỉ viết ra những gì mình nghĩ, mình ray rứt. Tôi chỉ thấy mình khó hờ hững với nhiều điều trong cuộc sống, chứ không nghĩ gì quan trọng, lớn lao. Mỗi khi trong thân nhân, bè bạn có người gặp nạn, tôi thường tự nguyện... ăn chay một thời gian. Có thể những việc làm như thế là vớ vẩn, vô ích, nhưng nó khiến tôi bớt đi cảm giác bất lực, tự an ủi có làm chi đó, có một ước vọng chi đó... Viết báo, nhiều khi với tôi đơn giản là những cuộc ăn chay.

* Nhưng nhiều khi tiếng nói của chị cũng có kết quả xã hội, thí dụ như thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang để phụ kêu oan cho một người xa lạ?

- Đó là một trường hợp mình ray rứt với ý thức công dân. Lúc bài này đăng báo, rất nhiều người chọc tôi làm chuyện “tào lao”, cá với tôi là lá thơ của tôi sẽ “bèo dạt mây trôi”. Vậy rồi tôi được hồi âm, tích cực. Những kết quả này càng khiến tôi tin rằng uy tín, tên tuổi nếu có rốt cuộc cũng nên “xài” cho những việc như vậy. Và tôi tin vào cuộc sống.

* Về văn phong, nhiều người nói chị viết có hình ảnh và có âm thanh. Điện ảnh hẳn có dính líu tới chuyện này? Và chữ nghĩa - trong các bài viết của chị thấy nhiều từ không có trong tự điển. Vậy thì giữa điện ảnh và viết lách, chị nghiêng nặng bên nào?

- Điện ảnh là nghề, viết chắc là... nghiệp. Làm phim phải có tiền, lại không thể nguyên vẹn là mình vì điện ảnh là công trình tập thể. Viết tự do hơn, thể hiện đúng mình hơn. Dù sao tôi vẫn thích làm phim, nên khi viết tôi vẫn “quay phim” bằng chữ. Về từ ngữ tôi chủ trương duy cảm: giữa một từ quen thuộc, chỉn chu với một từ hơi phóng túng nhưng có khả năng mở rộng biên độ xúc cảm, tôi chọn từ thứ hai. Nói cụ thể hơn, cứ từ nào mà thanh âm của nó gần với hình ảnh, với điều tôi muốn nói thì tôi chọn.

* Khi viết chị có đặt cho mình một số nguyên tắc? Và chị có định trở thành cây bút chuyên nghiệp?

- Nguyên tắc viết của tôi là chân thành và chân xác. Còn viết chuyên nghiệp? Tôi không dại đâu. Một cô thôn nữ được người ta khen đẹp bởi tại cô là thôn nữ. Còn vì những lời khen mà xách gói đi thi hoa hậu thì rớt cái bịch liền! Tôi biết mình ở đâu. Tôi muốn mình giống cây... dừa, một thứ cây bình dân, không quý giá nhưng hữu dụng cho đời sống, cái gì cũng xài được hết, xài tận mạng. Quê nội tôi ở Bến Tre, tôi đã từng thấy những cây dừa già cỗi, chết rồi mà thân vẫn được người ta hạ xuống làm cây cầu nho nhỏ cho con trẻ đi qua.

HUỲNH KIM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết