19/07/2010 - 09:55

Tô thắm truyền thống uống nước nhớ nguồn

Chiến tranh đã đi qua, nỗi đau mất mát người thân vẫn còn âm ỉ trong mỗi gia đình đang tận hưởng cuộc sống thanh bình hôm nay. Gần 25 năm qua, nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với Tổ quốc luôn được thể hiện bằng nhiều nghĩa cử cao đẹp... Truyền thống uống nước nhớ nguồn ấy ngày càng thêm nồng đượm với phong trào xây dựng bia ghi tên liệt sĩ ở khắp xã của huyện Thới Lai TP Cần Thơ

Cũng như nhiều địa phương khác của TP Cần Thơ, lãnh đạo địa phương huyện Thới Lai luôn tri ân những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc bằng những việc làm thiết thực. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác chăm lo các gia đình chính sách, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chỉnh trang lại nghĩa trang, xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng để họ có cuộc sống ổn định theo đà phát triển của xã hội.

Những ngày đầu tháng 7-2010 vừa qua, người dân ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, từ bà con ở các kinh, ấp đến người dân ở tại thị trấn đều trong tâm trạng phấn khởi khi công trình đền thờ liệt sĩ xây cất tại thị trấn Thới Lai được khánh thành. Niềm mong mỏi được đền ơn, tưởng nhớ những người mẹ, anh hùng liệt sĩ của người dân nơi đây đã được toại nguyện. Chúng tôi đến thị trấn Thới Lai khi lãnh đạo địa phương và bà con nơi đây đã tổ chức lễ khánh thành đền thờ liệt sĩ của thị trấn trước đó vài ngày. Những lẵng hoa tươi và những nén hương được thắp mới còn nghi ngút khói. Sau gần 3 tháng khởi công, đền thờ liệt sĩ của thị trấn Thới Lai được hoàn thành. Anh Tuấn, một người dân địa phương, phấn khởi nói: “Buổi lễ khánh thành diễn ra thật trang nghiêm và xúc động, không chỉ có mặt đầy đủ cán bộ ở địa phương và các gia đình có công với cách mạng mà còn có sự tham dự của đông đảo người dân địa phương. Mặc dù gia đình tôi không có ai là người có công với cách mạng, nhưng hôm đó tôi đã dẫn con trai đến để được dự lễ khánh thành và chiêm ngưỡng đền thờ liệt sĩ của địa phương. Tôi muốn cháu biết được truyền thống hào hùng và những hy sinh cao cả của cha, anh của địa phương để có được sự yên bình như ngày hôm nay”. Còn chị Thắm ở xã Trường Xuân A, có anh trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cho biết: “Hôm đó, thấy bà con nô nức đến thắp hương dự lễ khánh thành đền thờ liệt sĩ của thị trấn, tôi cảm động lắm! Tôi và gia đình rất tự hào khi tên của người thân mình được ghi trên bia tưởng niệm tại quê nhà”.

Đền thờ liệt sĩ của thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai.

Đền thờ liệt sĩ của thị trấn Thới Lai nằm trang trọng trong khuôn viên của UBND thị trấn. Đền thờ là công trình nhà trệt, có kết cấu khung bê tông, cốt thép, mái lượn uốn cong đặt trên bệ cao. Khoảng giữa đền thờ là tấm bảng cao to, uy nghiêm ghi tên mẹ Việt Nam Anh hùng, các liệt sĩ của thị trấn Thới Lai. Quần thể kiến trúc tạo nên một không gian vừa trang nghiêm vừa ấm cúng. Địa phương còn cử hẳn một cán bộ hằng ngày trông giữ đền thờ và thắp hương. Hầu như khói hương trong đền thờ liệt sĩ luôn ấm áp, bà con đi qua, lại đều ghé vô đây thắp nhang. Liệt sĩ nằm ở nghĩa trang được chăm sóc chu đáo, còn tên liệt sĩ thì về giữa xóm làng, trở nên gần gũi và là niềm tự hào cho nhiều gia đình có công với cách mạng. Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thới Lai, cho biết: “Khi có quyết định xây đền tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ của địa phương, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn rất phấn khởi. Vì đây không những là việc làm ghi nhớ công lao của những người đã khuất, mà còn có ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở thế hệ trẻ ở địa phương về lịch sử hào hùng của các anh, các chú”.

Huyện Thới Lai là địa phương đầu tiên thực hiện việc xây đền tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở các xã, phường, thị trấn của TP Cần Thơ. Tính đến nay, đã có 4 xã và thị trấn của huyện Thới Lai hoàn thành việc xây đền thờ liệt sĩ. Công tác đền ơn đáp nghĩa bằng việc xây đền thờ liệt sĩ ở các xã trên địa bàn huyện Thới Lai được thực hiện vào tháng 8-2009. Như được khơi nguồn, chính quyền địa phương và người dân của huyện Thới Lai vui mừng phấn khởi, náo nức chờ đợi ngày khánh thành đền tưởng niệm. Xã Trường Xuân A là địa phương đầu tiên đưa tên các anh hùng liệt sĩ về lại quê hương. Đền thờ xây xong, bàn giao cho các đoàn thể, cán bộ văn hóa xã quản lý, nên được chăm sóc và bảo vệ chu đáo. Việc xây đền phải chọn phong cảnh đẹp, kiểu dáng hài hòa, không chỉ để bà con, người thân của những liệt sĩ ở địa phương đến thắp nhang tưởng nhớ vào những ngày lễ, tết, mà còn là nơi để sinh hoạt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tham quan của khách từ địa phương khác đến. Ở mỗi đền, trên các bia đều ghi tên các Anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng (đã từ trần), Anh hùng lực lượng Vũ trang (từ trần), trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của Tổ quốc. Kinh phí xây dựng đền thờ liệt sĩ từ 600 triệu đến 700 triệu đồng, được trích từ nguồn ngân sách địa phương.

Việc xây dựng đền thờ liệt sĩ quả là niềm an ủi lớn lao đối với những người từng trải qua cuộc kháng chiến đau thương, từng chịu mất mát người thân, đồng đội. Bà Phạm Thị Hồng Nhung, ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, xúc động nói: “Hôm được mấy chú ở thị trấn mời lên dự lễ khánh thành đền thờ liệt sĩ, tôi đã không cầm được nước mắt khi thấy tên của mẹ, của chồng, của đồng đội được khắc trên tấm bia tưởng niệm trong đền thờ. Cảm ơn Đảng, cảm ơn chính quyền địa phương. Có được đền thờ và sự thăm viếng đã giúp làm vơi đi phần nào nỗi đau mất mát người thân trong gia đình chúng tôi....”. Chồng bà Nhung đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mẹ chồng của bà là mẹ Việt Nam Anh hùng; bản thân bà Nhung và gia đình cũng tham gia hoạt động cách mạng.

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội huyện Thới Lai, cho biết: “Công tác xây dựng đền thờ liệt sĩ ở khắp các xã ở huyện Thới Lai, lãnh đạo huyện, các ban ngành đoàn thể và người dân địa phương rất phấn khởi, đặc biệt là các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Các ban ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ về quy trình xây dựng đền thờ liệt sĩ đều khẩn trương, gấp rút thực hiện. Việc làm này không chỉ là tấm lòng của người đang được hưởng cuộc sống thanh bình thể hiện lòng biết ơn đến những vị anh hùng của địa phương đã ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà mà còn là dấu tích nhắc nhở thế hệ trẻ của địa phương ghi nhớ, tự hào về truyền thống vẻ vang của cha ông trên quê hương, làng xóm mình”.

Những ngày giữa tháng 7 này, người dân ở các xã Thới Thạnh, Trường Thành cũng đang chuẩn bị khánh thành đền thờ liệt sĩ đang được xây dựng ở địa phương. Tên của các mẹ, các chú, các anh sẽ được mang về với xóm làng, với người thân, để những người đang sống trong sự thanh bình có cơ hội thể hiện tấm lòng tri ân.

Bài, ảnh: THÙY TRANG

Chia sẻ bài viết