07/05/2014 - 21:11

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Tổ chức lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường

 

Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm khoảng 20% thị phần gạo toàn cầu nhưng người trồng lúa vẫn nghèo và thường xuyên lâm vào tình cảnh “trúng mùa, rớt giá”. Để người nông dân trồng lúa giàu lên, bám đồng ruộng, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: cần tổ chức lại sản xuất, có quy hoạch bài bản, có thị trường ổn định; liên kết chuỗi ngành hàng lúa gạo, xây dựng thương hiệu lúa gạo...

Nông dân còn thụ động trong sản xuất

Xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn đứng trong tốp 3 thế giới và ĐBSCL chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Trong suy thoái kinh tế toàn cầu, từ năm 2008 đến nay, sản xuất nông nghiệp luôn tăng trưởng ổn định và là bệ đỡ cho nền kinh tế vĩ mô. Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam vươn lên trở thành một cường quốc về xuất khẩu gạo, sản lượng và chất lượng gạo của Việt Nam năm sau cao hơn năm trước, gạo cùng cấp của Việt Nam so với Thái Lan và Ấn Độ thì chất lượng ngang nhau. Hiện lượng gạo mậu dịch toàn thế giới khoảng 30-40 triệu tấn/năm, Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Lúa gạo Việt Nam không chỉ giữ vai trò an ninh lương thực quốc gia mà cho cả thế giới. Lợi nhuận của người trồng lúa ĐBSCL bình quân hiện nay khoảng 37 triệu đồng/ha/năm (3 vụ lúa) nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào canh tác.

* Vậy, tại sao nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thu nhập vẫn thấp, thưa Tiến sĩ?

-Nông dân trồng lúa ĐBSCL đang sản xuất theo nông hộ nhỏ, làm theo cái của mình, không ai đặt hàng và đến mùa thu hoạch thì chờ thương lái, doanh nghiệp đến mua sản phẩm. Đầu ra của lúa gạo rất bấp bênh, nông dân thường lâm vào tình cảnh “trúng mùa, rớt giá” vì bản thân họ trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng không quyết định được giá bán. Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp (DN) sản xuất chíp điện tử, khi họ định giá bán 1USD/một con chíp, chúng ta không thể mua con chíp dưới giá niêm yết này, vì có trả giá họ cũng không bán. Còn mặt hàng lúa gạo, đầu vụ có thể giá trên 5.000 đồng/kg, nhưng khi DN đi bỏ thầu xuất khẩu, giá DN trúng thầu thấp hơn giá này thì giá lúa sẽ giảm. Nếu DN đã bỏ tiền cọc cho nông dân trên giá mà họ trúng thầu thì nhiều DN sẵn sàng bỏ cọc để không bị thua lỗ.

Thu hoạch lúa ở Cần Thơ. Ảnh: THU HÀ 

Trong kinh doanh thương mại của các nước, các sản phẩm họ muốn bán ra thị trường đều có đơn đặt hàng. Nghĩa là DN sẽ khảo sát thị trường nội địa, xuất khẩu để xác định nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, chất lượng, quy trình kỹ thuật mà khách hàng của họ cần. Sau đó, DN đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu giống lúa, quy trình kỹ thuật, chất lượng hạt lúa gạo… phải thỏa mãn tiêu chuẩn mà DN đặt ra. Khi có sản phẩm tốt, các DN sẽ đàm phán thương thảo hợp đồng với đối tác và mở sàn đấu giá, bán sản phẩm. Còn hiện nay, các nước xuất khẩu gạo đều bán theo kiểu thời vụ, khi các nước nhập khẩu cần gạo, họ đưa ra số lượng cần và các nước xuất khẩu gạo tham gia đấu thầu. Trong quá trình bỏ thầu này, gạo cùng cấp, giá thấp nhất sẽ được chọn. Lẽ đó, có trường hợp DN Việt Nam muốn bán gạo thì phải bỏ giá thấp! Mà đã bỏ thầu giá thấp thì không thể mua giá cao cho nông dân.

* Từ năm 2009 đến nay, Chính phủ có chủ trương mua tạm trữ lúa gạo, đảm bảo nông dân có lợi nhuận trên 30%. Thưa Tiến sĩ, trên thực tế nông dân có được thụ hưởng chính sách này không?

-Nông dân là chủ thể chính trong sản xuất lúa gạo, nhưng luôn bị động trong sản xuất. Chính phủ có chủ trương mua tạm trữ lúa gạo để rút bớt lượng lúa hàng hóa trong dân, đẩy giá lúa lên để đảm bảo cho nông dân có lợi nhuận 30%. Tuy nhiên, để đạt lợi nhuận này không dễ dàng. Giải pháp tạm trữ lúa gạo của Chính phủ chỉ là giải pháp tình thế. Giá lúa gạo hiện do thương lái, DN quyết định, nông dân đứng ngoài cuộc định giá này.

* Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định 580/QĐ-TTg ngày 22-4-2014 về Chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển một phần đất lúa sang trồng đậu, bắp, rau màu… tại ĐBSCL. Theo Tiến sĩ, điều này có thể xoay chuyển tình thế cho nông dân không?

-Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoàn toàn đúng. Nhưng để chuyển đổi hiệu quả thì đây là câu chuyện dài, cần suy xét kỹ lưỡng trên nhiều yếu tố. Muốn làm được điều này thì phải có quy hoạch chung, quy hoạch cho từng tiểu vùng sinh thái, phải nghiên cứu để hiểu rõ đặc thù từng tiểu vùng, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên có phù hợp với cây trồng mà mình muốn trồng. Khi xác định chắc chắn vùng đất thích hợp cho từng loại cây trồng thì phải đặt hàng cho nhà khoa học để nghiên cứu giống, hệ thống canh tác. Tiếp đến là phải trả lời được câu hỏi: “Trồng ai mua?”. Tất cả quy trình này là một thể thống nhất, không thể tách rời.

Theo thống kê của ngành chức năng, Việt Nam hiện nhập 3,7-3,8 tỉ USD/năm bắp, đậu nành… để làm thức ăn gia súc, thủy sản… Lẽ đó, chúng ta cũng muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hạn chế nhập khẩu những nguyên liệu trên. Song, trồng bắp biến đổi gen ở một số quốc gia trên thế giới năng suất 10-15 tấn/ha, còn nếu đem bắp trồng ở ĐBSCL năng suất 5-7 tấn/ha là thua ngay. Năng suất kém, giá thành sản xuất cao, nếu giá bán cao hơn giá nhập khẩu thì DN sẽ nhập khẩu. Khi đó, nông dân lại khó. Chúng ta có rất nhiều cuộc hội thảo bàn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khuyến cáo nông dân trồng nhưng khi nông dân hỏi bán cho ai thì “tắt tị” không trả lời được. Thị trường không thể định hướng được mà phải cụ thể là trồng thì DN nào mua, giá cả ra sao. Và khi trồng thì phải có máy thu hoạch, quy trình bảo quản sau thu hoạch. Trồng rau màu, đậu, bắp mà không bảo quản được, chất lượng kém thì bán cho ai.

Cần cụ thể đầu ra của sản phẩm

Chính vì chưa trả lời được câu hỏi: Ai là người mua sản phẩm khi nông dân trồng? Nên nhiều nông dân vẫn bám chặt cây lúa, ngại chuyển đổi cây trồng; có người bỏ đất trống, cho thuê, đi tìm kế sinh nhai khác.

* Thưa Tiến sĩ, Nghị định 109 về kinh doanh lúa gạo của Chính phủ nhằm mục tiêu là lập lại trật tự trong kinh doanh lúa gạo. Nhưng con đường xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam vẫn khó, theo Tiến sĩ đâu là nguyên nhân?

-Tôi thử tính bài toán: Cả nước hiện có 150 thương nhân được cấp phép xuất khẩu gạo. Như vậy, nếu thêm vào điều kiện thương nhân xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu thì thị trường lúa gạo sẽ khác. Nghị định 109 của Chính phủ quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định thương nhân, DN xuất khẩu gạo phải có kho tàng, nhà máy chế biến cần nhưng chưa đủ, cần phải thêm điều kiện DN phải có vùng nguyên liệu. Có như vậy, mới áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Một DN chỉ cần có 5.000ha vùng nguyên liệu thì một vụ lúa, DN sẽ bao tiêu 750.000ha. Nếu tính năng suất trung bình từ 6 tấn/ha, thì một vụ lúa sẽ có 4,5 triệu tấn đến 5 triệu tấn lúa được bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Đến lúc đó, chúng ta không cần thực hiện tạm trữ lúa gạo nữa. Khi đó, hạt gạo Việt Nam không bị chặt khúc trong tiêu thụ và tiến đến xây dựng thương hiệu vững chắc hơn.

* Cánh đồng lớn là mô hình liên kết “4 nhà” và cũng là mô hình sản xuất tiên tiến, giải quyết căn cơ bất cập trong việc nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, xây dựng thương hiệu. Song, mô hình này vẫn chưa thể nhân rộng. Vì sao thưa Tiến sĩ?

-Khi xây dựng “cánh đồng lớn”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã nói: Nông hộ nhỏ trên cánh đồng lớn là quy trình tất yếu để đưa quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất. Cánh đồng lớn, DN cung ứng vật tư đầu vào, quy trình canh tác và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Khép kín quy trình sản xuất, nông dân mua vật tư nông nghiệp giá gốc, áp dụng quy trình canh tác tốt, DN bao tiêu lúa hàng hóa, giá cao hơn thị trường. Các nước sản xuất nông nghiệp tiên tiến đều thực hiện mô hình này. Song, mô hình mẫu này không thể nhân rộng vì trên thực tế, DN không tích cực tham gia mô hình, hoặc ít DN tham gia mô hình. Có nhiều nguyên nhân: DN không tích cực vì nhiều DN yếu, năng lực tài chính hạn chế, phần lớn DN đều vay vốn ngân hàng để hoạt động kinh doanh, nên cũng ngại đầu tư cho nông dân. Hoặc DN không có kho tàng, nhà máy xử lý, bảo quản sau thu hoạch.

Trên thực tế, nhiều mô hình “cánh đồng lớn” rất có hiệu quả, nhưng nhiều DN vẫn không mặn mà vì “cánh đồng lớn” không có tư cách pháp nhân, DN không thể ký hợp đồng với ông chủ tịch xã (vai trò nhà nước trong cánh đồng lớn) mà phải ký hợp đồng với từng nông hộ trong “cánh đồng lớn”. Nếu mô hình này có 5.000ha thì DN phải ký hợp đồng với ít nhất 5.000 nông hộ, họ không đủ nhân lực để thực hiện chuyện này và khi thanh toán hợp đồng cũng rất nhiêu khê, không phải nông hộ nào cũng đồng tình với giá mua mà DN đưa ra. Thương lượng giá không đạt ý chí thống nhất sẽ dẫn đến trường hợp DN và nông dân bẻ kèo hợp đồng.

* Như vậy, phải “định danh” cho cánh đồng lớn này như thế nào, thưa Tiến sĩ?

-Như tôi đã nói, chỉ cần một DN xuất khẩu gạo thực hiện bao tiêu 5.000ha “cánh đồng lớn” thì đường đi của hạt gạo sẽ khác. Trên “cánh đồng lớn” này cần thành lập hợp tác xã (HTX) để có tư cách pháp nhân, chủ nhiệm HTX đại diện xã viên ký hợp đồng bao tiêu với DN. Trong hợp đồng phải đáp ứng điều kiện “cần và lợi”: Nông dân cần DN đầu tư, bao tiêu sản phẩm, DN cần sản phẩm chất lượng để bán. Và trong chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo phải có sự phân công thực hiện nhiệm vụ rõ ràng. DN và nông dân phải cùng ngồi chung một chiếc thuyền để tránh chuyện bẻ kèo hợp đồng. Từ đó, DN sẽ đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu giống lúa để thực hiện cánh đồng một giống, tiến đến xây dựng thương hiệu.

Tổ chức lại sản xuất rất cấp thiết hiện nay và phải dựa trên liên kết vùng. Quy hoạch trục sản xuất và có phân công rõ ràng, vùng nào thích hợp cho trồng lúa thì khuyến khích nông dân phát huy, vùng thích hợp rau màu,… tất cả phải dựa trên lợi thế về đất đai và môi trường sinh thái ở đó. Từ đó, xây dựng hệ thống canh tác tốt cho từng tiểu vùng sinh thái. Cuối cùng là làm thị trường cho sản phẩm. Nếu không có thị trường thì tất cả những cố gắng tổ chức lại sản xuất cũng không có ý nghĩa, dù sản phẩm làm theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP. Chúng ta làm tốt thị trường, công tác xúc tiến thương mại tốt, trên cơ sở này thành lập sàn giao dịch để đấu giá, sản phẩm tốt sẽ có giá tốt nhất. Nhưng tất cả vấn đề này phải làm liên hoàn, không thể phát triển theo ý chí của lãnh đạo địa phương, địa giới hành chính mà phải phát triển dựa trên vùng, quy hoạch vùng.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

GIA BẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết