17/09/2017 - 09:44

Tình yêu đất nước của cụ Lý Liễu 

Ít người biết một thanh niên tham gia phong trào Đông Du lúc 14 tuổi: Lý Liễu (1893-1964). Ông từng bị Pháp đày 3 lần và là một trong những nhân vật hiếm hoi của Đông Du sau này tham gia cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo với tên mới Lý Phùng Xuân.

Chân dung ông Lý Phùng Xuân.

Người cha kiên trung

Quận Tam Bình (từ năm 1867 đến năm 1954 thuộc tỉnh Cần Thơ, từ 1955 đến nay thuộc tỉnh Vĩnh Long), là nơi hưởng ứng phong trào Đông Du rất mạnh. Theo “Phan Bội Châu niên biểu” tháng Giêng năm 1903, cụ Phan Bội Châu bí mật đến quận Tam Bình gặp các nhà Nho yêu nước: Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Ngươn Hanh (Xã Trinh), Trần Phước Định, Đặng Văn Nguyên… Sau đó Tam Bình có 12 gia đình cho 19 con du học theo phong trào Đông Du, trong đó có Lý Liễu.

Cụ thân sinh của Lý Liễu- Lý Phùng Xuân là Lý Trung Chánh, tên thường dùng Thợ Chánh, là thợ bạc nổi tiếng Tam Bình, bí danh Nguyễn Văn Quý. Ông sinh năm 1868, tại thôn Tân Xuân, quận Ba Tri, Bến Tre; hành nghề thợ bạc tại Tam Bình và lập gia đình với bà Võ Thị Nhiều, quê làng Mỹ Thạnh Trung (nay là xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Ông đã tích cực đóng tiền vào quỹ mua vũ khí giúp các phong trào yêu nước, cho người con trai lớn là Lý Liễu du học.

Phong trào Đông Du tan rã, cụ Lý Trung Chánh bị thực dân Pháp bắt, kết án 2 năm tù giam, 3 năm biệt xứ. Hết hạn, ông tiếp tục tham gia các phong trào chống Pháp. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản và vận động cả gia đình tham gia cách mạng. Tháng 7-1930, ông Nguyễn Văn Nhung, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Tam Bình, tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại gò Cỏ Ống, gia đình ông Lý Trung Chánh cùng tham gia biểu tình chống sưu cao, thuế nặng, khủng bố trắng... Sau đó ông và con gái út Lý Thị Én bị bắt. Các con trai Lý Văn Hiếu, Lý Văn Thảo, Lý Văn Mẫn, hai con rể là Võ Tuấn Đức, Võ Văn Lư lần lượt bị bắt.

Địch đưa ông ra tòa, kết án 5 năm khổ sai và 5 năm biệt xứ, rồi đày ra Côn Đảo. Năm 1935, hết hạn tù, ông bị địch quản thúc tại Bạc Liêu. Tại đây, ông bắt liên lạc với tổ chức Đảng và năm 1936, ông về lại Tam Bình, cùng gia đình che chở, nuôi dưỡng các cán bộ cách mạng hoạt động bí mật.

Tháng 9-1939, địch lại bắt bớ, do tuổi cao nên chúng thả ông, nhưng con trai ông Lý Văn Thảo và con rể Võ Tuấn Đức bị đày ra Côn Đảo. Năm 1940, tuy đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn tham gia mọi hoạt động chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền theo chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ. Nhà ông lúc đó là điểm tập kết lực lượng và nơi xuất phát của cánh quân thứ nhất, trong đó có con trai và cháu nội của ông là Lý Văn Mẫn và Lý Văn Hòa, đánh chiếm đồn lính và dinh quận Tam Bình.

Khởi nghĩa Nam kỳ ở Tam Bình góp phần đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về hành động cách mạng của quần chúng, về sự lãnh đạo của Đảng, là cuộc diễn tập cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945. Sau Khởi nghĩa Nam kỳ, nhà ông Lý Trung Chánh và nhiều bà con bị địch đốt cháy rụi, đất đai bị chiếm giữ. Ông và hai con trai là Lý Phùng Xuân, Lý Văn Mẫn bị bắt và lưu đày Côn Đảo. Những người còn lại phải lẩn tránh sự truy lùng của địch. Riêng ông hy sinh tại Côn Đảo năm 1942, bia đá mộ ông đặt ở nghĩa trang Hàng Dương.

Ước mơ cứu quốc và cuộc vượt ngục ở Nam Mỹ của Lý Liễu

Cuối năm 1906, cụ Lý Trung Chánh- thân sinh cụ Lý Liễu, hiệp cùng cụ Nguyễn Thần Hiến cổ động học sinh du học theo phong trào Đông Du. Cụ cho Lý Liễu xuất dương ngay trong đợt đầu tiên năm 1907. Lúc ấy Lý Liễu mới 14 tuổi, cùng với Nguyễn Truyện con cụ Nguyễn Ngươn Hanh, được đưa tới Hồng Công học ở Trung Anh học đường. Cuối tháng 5-1913, một phái đoàn từ Nam kỳ do Nguyễn Quang Diêu dẫn đầu sang Hồng Công mua vũ khí và đưa thêm du học sinh qua. Đoàn ở nhà ông Huỳnh Hưng.

Bà Lý Thị Thành, bên mộ cha Lý Phùng Xuân.

Ngày 16-6-1913, nhà ông Huỳnh Hưng bị cảnh sát Anh khám xét. Họ bắt gặp 13 quả tạc đạn, một số tài liệu và bắt hết những người có mặt. Khi ra tòa, chỉ một mình Huỳnh Hưng nhận tội và bị án tù, còn những người còn lại bị giao về Hà Nội cho Pháp xử lý.

Năm 1913, tòa Đại hình Pháp kêu án: Nguyễn Quang Diêu, Nguyễn Thần Hiến, Đinh Hữu Thuật 10 năm khổ sai; Nguyễn Truyện chung thân; Lý Liễu 5 năm khổ sai. Tất cả giam ở nhà lao Hỏa Lò chờ ngày đi đày. Lúc ấy Nguyễn Truyện giả bệnh nằm nhà thương rồi lấy dao mổ bụng tự tử. Nguyễn Thần Hiến nhịn ăn mà chết. Huỳnh Hưng cũng bị chính quyền Hồng Công giao cho người Pháp đày ra Côn Đảo. Còn Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu, Đinh Hữu Thuật và Trần Ngọ đều bị đày sang đảo Guyane (Nam Mỹ), là thuộc địa của Anh, Pháp và Hà Lan.

Đến Guyane, thực dân đưa tù nhân lên rừng đốn củi. Lý Liễu trẻ tuổi nhất, thông thạo tiếng Anh, tiếng Hoa và một ít tiếng Pháp, nên cai ngục xếp ông làm liên lạc từ thị trấn đến chỗ lao động khổ sai trên rừng. Vì thế ông có điều kiện giao du với với kiều dân Trung Hoa, Nhật Bản, giúp những nhà cách mạng trong tù tìm hiểu thông tin trong nước.

Trong lúc đó, chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) nổ ra. Các nhà cách mạng bàn cách vượt ngục. Lý Liễu nhờ một số kiều dân bên ngoài hỗ trợ. Công tác chuẩn bị từ giữa năm 1916 đến đầu năm 1917 mới xong. Ông Nguyễn Quang Diêu và Đinh Hữu Thuật đi trước. Những người vượt ngục lên thuyền đánh cá của thổ dân, sang đảo Trinidad (thuộc địa của Anh) và sống dưới vỏ bọc là người Hoa. Mỗi lần có người vượt ngục, Lý Liễu khéo léo khai với cai ngục. Các đồng chí vượt ngục hết, ông đi cuối cùng.

Tại Trinidad, Lý Liễu có cuộc sống ổn định trong một thương hội của người Hoa, lấy vợ người Anh, có một cửa hiệu. Thế nhưng ông và các đồng chí vẫn tìm đọc báo chí, các tài liệu cách mạng Việt Nam và lập kế hoạch trở về. Giữa năm 1920, các chí sĩ cách mạng gom góp đủ tiền, từ Trinidad đáp tàu đi Washington, từ đó về Hồng Công.

Riêng Lý Liễu, ông chờ lúc vợ dẫn hai con về thăm quê ngoại ở Anh, lặng lẽ đóng cửa hiệu, để lại phong thư và xuống tàu rời Trinidad. Đó là một cuộc đấu tranh giữa cuộc sống ổn định và con đường cứu nước chưa thấy ánh sáng phía trước. Giữa năm 1925, Lý Liễu về Hồng Công, nhờ bạn học cũ chạy giấy tờ hợp pháp định cư ở đây, thường đến Quảng Châu bắt liên lạc với cách mạng. Năm 1929, Lý Liễu tìm được giấy thông hành mang tên thương nhân người Hoa, từ Hồng Công sang Sài Gòn làm ăn.

Ông ghé quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) để hỏi thăm tin tức quê nhà. 22 năm xa quê, gia đình mới có tin tức về ông. Một người em bí mật dẫn ông về quê. Ở Tam Bình không lâu, Lý Liễu tìm các đồng chí cũ nhưng lúc đó phong trào im ắng.

Lý Phùng Xuân với Đảng cộng sản

Năm 1929-1930, các tổ chức An Nam Cộng sản hoạt động mạnh ở Tam Bình, cụ Lý Trung Chánh và các con đều tham gia. Thế nhưng, chính quyền thực dân biết Lý Liễu về thì mời ông cộng tác để xóa đi tội cũ. Ông không nhận lời và lánh đến xã An Phước, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho hoạt động cách mạng. Tại đây ông gặp bà Trương Thị Cưu sinh 1898.

Bà Lý Thị Thành, sinh năm 1935, hiện cư ngụ tại xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, con lớn nhất của bà Trương Thị Cưu và ông Lý Liễu kể: Cha tôi về An Hóa, Mỹ Tho, sống với người quen tên là ông Chín Tàu. Lúc cưới mẹ tôi, ông đã tham gia phong trào cộng sản với tên mới Lý Phùng Xuân. Ông muốn đặt tên các con là “Thành công cách mạng”. Năm 1935 tôi được sinh ra, năm 1936 đến em trai Lý Văn Công, năm 1937 là Lý Văn Cách… thì cha tôi bị bắt đày đi Côn Đảo.

Ông Nguyễn Kích Lịnh, sinh năm 1928, ấp 1, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cán bộ 60 năm tuổi Đảng cho biết: “Ông Lý Phùng Xuân bị Pháp bắt một lượt với chú tôi là Nguyễn Công Chỉnh tại ấp 1, xã An Phước. Pháp kêu án ông 5 năm khổ sai đày đi Côn Đảo, chú tôi 3 năm. Chú tôi đã mất trong tù năm 1933. Năm 1935, ông Lý Phùng Xuân mãn hạn tù về tiếp tục hoạt động. Khởi nghĩa Nam kỳ 23-11-1940, ông Lý Phùng Xuân tổ chức khởi nghĩa, bị Pháp bắt kêu án 20 năm khổ sai và lại đày đi Côn Đảo”.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Tỉnh ủy Mỹ Tho đưa về đất liền và được cử làm Chủ tịch Mặt trận Giao Hòa- An Hóa. Mặt trận này bị quân Pháp tấn công vào ngày 6-1-1946. Năm 1948, ông Lý Phùng Xuân là cán bộ công tác chính trị cho Trung đoàn 99 của ông Đồng Văn Cống. Sau Hiệp Đinh Genève, 1954, ông Lý Phùng Xuân đã 62 tuổi, được phân công về xã An Phước gây dựng phong trào, là vùng giải phóng nổi tiếng của Bến Tre. Ông mất năm 1964, thọ 71 tuổi.

Tôi viết bài này xin tri ân dòng họ Lý- những người đã cống hiến cả gia đình và của cải cho cách mạng, trong đó có cụ Lý Liễu- Lý Phùng Xuân.

NGUYỄN NGỌC

Chia sẻ bài viết