28/11/2021 - 12:02

Tính mới trong văn hóa Tây Nam Bộ 

Trần Phỏng Diều

Nói đến Tây Nam Bộ, người ta nghĩ ngay đến cái mới, bởi vùng đất này chỉ khai phá được hơn ba trăm năm. Cho nên, về lịch sử hình thành vùng đất, môi trường tự nhiên, cũng như môi trường xã hội, văn hóa đều có những khác biệt nhất định, tạo nên nét mới so với các vùng đất khác của nước ta.

Nhiều lễ hội ở Nam Bộ bắt nguồn từ việc tôn vinh tiền nhân có công khai cơ, lập nghiệp. Trong ảnh: Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường - tức Câu Lãnh, được đặt tên cho địa danh Cao Lãnh (Đồng Tháp ngày nay) - gắn liền với Lễ hội Ông Bà Chủ Chợ. Ảnh: DUY KHÔI

Đặc điểm tự nhiên góp phần định hình tính cách đặc trưng

“Những kết quả của khảo cổ học cho thấy cách ngày nay khoảng từ 4000 năm đến 2500 năm, con người đã có mặt trên vùng đất Nam Bộ và phạm vi cư trú cùng hoạt động của lớp cư dân đầu tiên ấy bao quát một địa bàn rộng lớn, với những mật độ cư trú khác nhau. Vùng cư trú đông nhất lúc bấy giờ không phải là châu thổ sông Cửu Long (vùng phù sa mới) mà lại là vùng cao (vùng phù sa cổ), tức vùng Ðông Nam Bộ. Trong khi ở vùng cao - vùng Ðông Nam Bộ - dân cư thời ấy có mật độ cư trú khá dày đặc thì ở vùng châu thổ sông Cửu Long cho đến nay khảo cổ học chưa tìm thấy những di tích cư trú đích thực của lớp cư dân đầu tiên ấy”(1). Mãi đến những thế kỷ đầu công nguyên, vùng đất Tây Nam Bộ dần dần được xây dựng nên vùng đô thị cảng Óc Eo - Ba Thê rực rỡ. Sau đó, do chịu nhiều tác động của các hiện tượng tự nhiên như biển tiến, biển lui; các vấn đề xã hội, chiến tranh, dẫn đến trong một thời gian dài vùng đất này trở nên hoang vu. Trong hoàn cảnh đó, từ thế kỷ XVII, người Việt vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ mới lần lượt lội suối băng rừng để vào đây khai khẩn theo chủ trương của nhà nước phong kiến, hoặc tự di cư...

Ở Tây Nam Bộ vào các thế kỷ XVII, XVIII, người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm - trong đó, thành phần chủ thể là người Việt với kinh nghiệm hàng ngàn năm trồng lúa nước, đã tương trợ nhau đẩy mạnh công cuộc khai khẩn quy mô vùng ÐBSCL. Từ đây, cảnh quan vùng này từng bước thay đổi: xóm làng trù mật, đồng ruộng phì nhiêu, nhiều thị tứ, trung tâm dân cư được thiết lập(2).

Những người vào khai phá vùng đất này chủ yếu là nông dân vì hoàn cảnh buộc phải rời quê hương, làng mạc. Cho nên về bản chất họ vẫn mang tính cách Việt Nam đã được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nhưng vùng đất mới có những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên và quan hệ xã hội; vì vậy, tính cách, nếp sống, tập quán của họ có những đặc thù nảy sinh trong quá trình di cư và kiếm sống, được truyền tập lại cho các thế hệ con cháu(3). Ðó là sự can đảm, gan dạ, mang trong mình sự phản kháng, nổi dậy, ít thần phục quyền uy phong kiến, có tư tưởng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Ðó còn là những con người có óc mạo hiểm, dám chấp nhận hiểm nguy, là những con người bắt buộc phải liều cho nên họ coi tính mạng nhẹ tựa lông hồng, ưa sống ngang tàng, luôn luôn tỏ ra dũng cảm, không sợ nguy hiểm khó khăn, có tinh thần đoàn kết cao, chuộng nghĩa khí, quý trọng tình bạn bè, tình huynh đệ, giang hồ nghĩa hiệp, coi khinh tiền tài, sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Do cũng thấu hiểu được cái cực, cái nhục, cái đói rét là thế nào cho nên họ còn có một đức tính đáng quý nữa là rất mến khách, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo hào phóng; nói năng thì thẳng thắn, bộc trực, không thích văn chương rào đón. Ðây cũng là một nếp sống, một tập quán đã có từ lâu của người xứ này(4).

Đến tính mới trong văn hóa vật chất, tinh thần

Tính mới tác động đến hầu hết các khía cạnh ăn mặc ở của người dân nơi đây. Lúc đầu khi đặt chân đến vùng đất này, bởi nguyên liệu dùng chế biến món ăn không mấy quen thuộc, buộc lòng họ phải gặp gì ăn nấy, sau đó thích nghi dần và định hình dần các món ăn. Ðó là cơ sở cho việc hình thành món ăn mới, như: canh chua bông điên điển cá linh, ba khía muối, cá lóc nướng trui... Rồi canh sim lo, mắm bò hóc... do giao lưu với cộng đồng người Khmer. Hay những món ăn có nguồn gốc từ quê nhà được chế biến lại cho phù hợp với hoàn cảnh mới: bánh xèo, bánh tét...

Về nhà ở, vùng đất mới khai phá tuy còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu, muỗi mòng, rắn rết nhưng rõ ràng nơi đây ít gặp những hiện tượng thiên nhiên cực đoan như các vùng miền khác trên cả nước. Tây Nam Bộ ngày trước còn được xem là nơi đất rộng người thưa, do đó nhà cửa ở đây thường rộng hơn và thoáng hơn các nơi khác. Các ngôi nhà cổ còn sót lại ngày nay ở Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, Ðồng Tháp... là những minh chứng cho điều này.

Quá trình phát triển, người Nam Bộ lại phát sinh thêm nhiều lễ hội mới để đáp ứng nhu cầu văn hóa, giải trí. Trong ảnh: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ tại TP Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Về trang phục, ngay từ khi chúa Nguyễn kiểm soát được vùng đất này thì nhiều chính sách cải cách trang phục được đưa ra; nhằm tạo sự khác biệt về trang phục giữa đàng ngoài và đàng trong. Dần dần, càng tiến về phương Nam, do đặc điểm của khí hậu, thời tiết mà người ta cần những loại trang phục bền và tiện dụng, cùng với sự giao lưu văn hóa với các dân tộc cùng cộng cư đã làm xuất hiện nhiều loại trang phục mới. Áo bà ba và chiếc khăn rằn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa đó. Ðồng thời, đây cũng là loại trang phục thích ứng tốt với thời tiết, khí hậu vùng này.

Do là vùng đất mới nên nơi đây gần như không có những trầm tích văn hóa. Phần lớn, các phong tục ở đây đều được các lưu dân mang từ miền ngoài vào và cải biến lại cho phù hợp với vùng đất mới. Lễ hội dân gian của người Việt vùng này là một ví dụ điển hình, thể hiện rõ nét mới ở lịch sử hình thành, mật độ lễ hội và cả ở nghi thức tế lễ.

Nếu như lễ hội cổ truyền của người Việt ở miền Bắc phần lớn đều có cội rễ từ lịch sử xa xưa của dân tộc như hội Ðền Hùng, hội Phù Ðổng, hội Ðền Kiếp Bạc...; thì ở Nam Bộ hầu hết các lễ hội đang còn tồn tại đến ngày nay đều ra đời ở giai đoạn muộn hơn rất nhiều. Có lễ hội với tuổi trên dưới một thế kỷ, cũng có lễ hội tồn tại vài thế kỷ, nhưng nhìn chung không vượt quá 300 năm, tương ứng với lịch sử những người Việt đến khai phá, trồng trọt, lập làng, xây đình, dựng chợ... Lễ hội vừa kế thừa những di sản tinh thần và văn hóa lâu đời của quê hương cội nguồn, vừa phát huy và tiếp nhận những nhân tố mới từ thực tiễn đời sống, sáng tạo nên những nếp sinh hoạt văn hóa mới đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư ở nơi vùng đất khai phá. Có khi trên con đường di chuyển, lưu dân đã tiếp nhận thêm những tín ngưỡng mới, tập tục mới.

Mật độ lễ hội dân gian vùng này cũng thưa hơn so với phía Bắc. Lại thêm do đây là vùng đất mới nên văn hóa bồi tụ và lắng đọng ở đây cũng không được dày dặn, không nhiều tầng, nhiều lớp như ở đồng bằng Bắc Bộ. Do đó, nội dung lễ hội ở Nam Bộ thường có phần đơn giản hơn ở miền Bắc. Bên cạnh đó, do điều kiện cộng cư giữa người Việt, người Hoa, người Khmer, người Chăm trên cùng một địa bàn cư trú trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ, không tránh khỏi hiện tượng thâm nhập, đan xen, pha trộn giữa các nền văn hóa với nhau. Ðiều này có thể dễ nhận biết qua việc thờ cúng, qua các tín ngưỡng dân gian, cũng như trong nghi thức của nhiều lễ hội(5).

Ðặc biệt, trong lĩnh vực ngữ văn dân gian, phản ánh rõ rét về tính mới của vùng đất này là những truyện kể dân gian về công cuộc khẩn hoang ở vùng đất mới. Ðó là những truyện kể về cọp, cá sấu, hà bá, ma rừng... như truyện: “Ông Cả Cọp”, “Tăng Ân đánh cọp”, “Ông Năm Chèo”, “Quỷ Hổ Giảo”... Những truyện kể như thế ít thấy ở vùng đất cội nguồn; nhưng ngược lại nơi đây cũng không xuất hiện những thần thoại, truyền thuyết hay truyện kể về thời khai thiên lập địa, quá trình hình thành dân tộc.

Như vậy, có thể nói, tính mới là một trong những đặc tính nổi bật của vùng văn hóa Tây Nam Bộ. Ðặc tính này xuất hiện ở hầu hết các thành tố văn hóa ở khu vực này, giúp văn hóa vùng có được đặc trưng riêng.

-------------------

(1) Huỳnh Lứa (Chủ biên) - Lê Quang Minh - Lê Văn Năm - Đỗ Hữu Nghiêm (2017), “Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ”, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.214.

(2) Huỳnh Lứa (Chủ biên), Sđd, tr.218-219.

(3) Huỳnh Lứa (Chủ biên), Sđd, tr.283.

(4) Huỳnh Lứa (Chủ biên), Sđd, tr.283-290.

(5) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh (1992), “Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ”, NXB KHXH, Hà Nội, tr.73-75.

Chia sẻ bài viết