09/05/2015 - 18:18

Tính cách người Cần Thơ từ truyền thống đến hiện đại

Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị có ghi: "xây dựng người Cần Thơ trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch", theo tôi, đó là đề cập đến yêu cầu hình thành rõ tính cách người Cần Thơ. Nói tính cách người Cần Thơ có nghĩa là những nét đặc trưng về nhân cách, nhân phẩm của đa số người Cần Thơ. Lịch sử chỉ rõ tính cách người Cần Thơ đã từng bước hình thành, phát triển theo hoàn cảnh và điều kiện lịch sử khách quan của quê hương Cần Thơ- từ thời Tổng trấn Mạc Thiên Tích sáng lập thủ sở Trấn Giang tại vị trí trung tâm miền Tây Sông Hậu (1739) đến giai đoạn hiện nay, khi Cần Thơ với vị trí trung tâm miền Tây Sông Hậu, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước hết, xin nói về tính cách trí tuệ của người Cần Thơ. Theo nghĩa thông thường, người trí tuệ là người thông minh, linh hoạt với những tri thức mới. Có thể nói, thời kỳ nào, Cần Thơ cũng có những ngôi sao trí tuệ tỏa sáng. Thời Trấn Giang và sau đó đã có đất học ở Bình Thủy với cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa- một tài năng nổi trội như câu ca:

"Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi".

Cần Thơ lại có tao đàn Bà Đồ theo bước tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên. Cần Thơ còn có đất học Phong Điền với cụ cử nhân Phan Văn Trị lan tỏa khí phách yêu nước và nền nho học vào dân chúng.

Đến thời Pháp thuộc, rồi thời kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, Cần Thơ vẫn là nơi hội tụ dân cư, tập trung nhiều trường học. Đây là cơ hội để người Cần Thơ giai đoạn ấy tiếp xúc, tìm hiểu kiến thức mới về tự nhiên và xã hội.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người Cần Thơ ở nông thôn và thành thị không chỉ có ý chí anh hùng, mà còn có trí tuệ, chiến lược, chiến thuật do Đảng truyền lại. Thế nên, trong kháng chiến chống Pháp, người Cần Thơ mới có trận Tầm Vu lịch sử; trong kháng chiến chống Mỹ, mới có thế trận lòng dân ở lộ Vòng Cung Mậu Thân 1968, mới có năm 1973 Cần Thơ cùng với Quân khu 9 đánh thắng 75 lượt tiểu đoàn địch tập trung càn quét lấn chiếm Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ. Rồi đến ngày 30-4-1975, mưu lược Quân Dân đồng tiến công và nổi dậy, kết hợp sức mạnh quân sự, chính trị, binh vận giáp công, vận dụng chính sách mang tính cách trí tuệ cao là "Hòa hợp dân tộc" khiến cho ngụy quân, ngụy quyền ở vùng 4 chiến thuật buông súng đầu hàng. Quân Dân ta giải phóng Cần Thơ còn nguyên vẹn.

Ngày nay, thành phố Cần Thơ tiếp tục phát triển nhiều mặt, trong đó có ngành giáo dục đào tạo. Hiện, thành phố có 5 trường đại học, 1 phân hiệu đại học kiến trúc, Học viện Chính trị hành chính khu vực IV, 5 trường cao đẳng và 1 phân hiệu trường cao đẳng kinh tế đối ngoại thành phố Hồ Chí Minh, 12 trường trung cấp chuyên nghiệp, 73 cơ sở dạy nghề. Hằng năm, Cần Thơ có 14.000 sinh viên tốt nghiệp với trình độ kinh tế kỹ thuật cao. Trong các cơ sở kinh tế kỹ thuật ở thành phố Cần Thơ có 600 ngàn người được đào tạo. Đã có hơn 200 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi ở tiểu học là 100%, trung học cơ sở đạt 88%, trung học phổ thông là 65%. Phong trào xã hội học tập, học tập suốt đời đang phát triển. Đó là những điều kiện để một bộ phận quan trọng của dân số thành phố Cần Thơ được nâng cao kiến thức mới về tự nhiên và xã hội, góp phần phát triển trí tuệ.

Tiếp theo, xin nói về tính cách năng động của người Cần Thơ. Theo nghĩa thông thường, người có tính cách năng động là người có tài sáng tạo. Thường những lưu dân từ miền ngoài vào Cần Thơ xưa gặp mọi việc, mọi thứ đều thấy lạ.

"Ở đây xứ sở lạ lùng.
Chim kêu em cũng sợ, con cá vùng em cũng kinh".

Thế nên, người mới đến xứ lạ phải tìm tòi phương kế sinh sống thích hợp với môi trường sông nước. Không cất nhà được như ở miền Trung, miền Bắc, họ tìm cây, lá mọc tại chỗ cất nhà lá, nhà sàn, nhà ghe đủ kiểu.

"Ơi, bớ anh Hai chèo sau chèo mau tôi đợi
Kẻo con sông dài cá lội biệt tăm
Bởi thấy anh Hai là người ngay thẳng
Tôi đây cũng chẳng đòi hỏi điều chi
Anh về anh đốn cành cây, chặt nhành lá làm nhà rước em"

Làm ruộng, đóng ghe đều phải thích hợp vùng Cần Thơ sông nước, mà hằng năm có một mùa nước nổi, hằng tháng có hai con nước triều lên, hằng ngày có nước lớn nước ròng nên có câu:

"Làm ruộng ăn theo mùa
Làm ghe ăn theo mẹo"
"Ghe hầu nội hạt thiếu chi
Khôn lanh kiểu vở nhứt thì Cần Thơ"

Ngày nay, người Cần Thơ luôn năng động về mọi mặt trong đời sống. Làm ruộng thì làm được nhiều mùa, làm lúa kháng rầy, lúa chịu phèn, chịu mặn. Làm vườn thì biết điều tiết cho cây ra trái nghịch mùa, v.v… Nói chung là người Cần Thơ ngày nay có tính năng động cao, có tài sáng tạo nhiều kỹ thuật mới để phát triển kinh tế, văn hóa.

Kế tiếp, về tính cách nhân ái của người Cần Thơ. Theo nghĩa thông thường, có tính cách nhân ái là người có tình thương người rất cao. Người Cần Thơ xưa, dù ở miền ngoài vào, dù ở Hà Tiên qua, đều mang sẵn trong lòng truyền thống nhân ái của dân tộc: "Thương người như thể thương thân", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng". Xưa nay, người Cần Thơ gặp cảnh nguy khốn, nghèo khổ, bịnh hoạn đều nhiệt tình giúp đỡ. Tính cách nhân ái còn thể hiện sâu sắc qua tình thương gia đình, lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tình chung thủy vợ chồng, tình yêu trai gái…Cho nên khách đến Cần Thơ đều lưu luyến, không muốn rời xa:

"Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về"

Ngày nay, trong thời kỳ mới, tính cách nhân ái của người Cần Thơ bộc lộ đậm nét qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo, phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với Tổ quốc và nhân dân, hoạt động quyên góp cứu trợ bão, lụt, v.v…

Xin nói tiếp về tính cách hào hiệp của người Cần Thơ. Theo nghĩa thông thường, có tính cách hào hiệp là người có nghĩa khí và dũng cảm. Người đã đến khai cơ lập nghiệp ở Trấn Giang đều có lòng thương yêu cứu giúp người mới đến, hoặc người gặp nạn, nguy khốn.

"Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây"

Ở Cần Thơ xưa, thường có cá sấu vào sông Cần Thơ, trườn lên ghe xuồng ăn thịt người. Nhiều lão nông và thanh niên đầy lòng hào hiệp, không kể hiểm nguy, ngày đêm đi tìm giết cá sấu để cứu dân. Sự tích rạch Đầu Sấu, rạch Cái Da, rạch Cái Răng là nơi người ta xẻ thịt cá sấu. Đầu cá sấu thì chôn lấp ở vàm rạch Đầu Sấu; da cá sấu, răng cá sấu trôi dạt vào vàm Cái Da, Cái Răng.

Trong tình yêu trai gái ngày xưa còn thể hiện tính hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài. Ngày nay, tính cách hào hiệp của người Cần Thơ được nhân lên gấp bội khi có nhiều người dân không sợ hiểm nguy, bảo vệ bình an cho xóm làng. Tính cách hào hiệp của người Cần Thơ còn thể hiện hành động rộng lòng, bao dung đối với những người phạm tội hoàn lương.

Sau cùng là tính cách thanh lịch của người Cần Thơ. Theo nghĩa thông thường, có tính cách thanh lịch là người thanh cao, nhã nhặn, lịch sự. Những câu ca dao ở Cần Thơ xưa thường nói về tình yêu trai gái, nhưng luôn luôn là tình yêu thanh lịch, theo lễ giáo gia phong. Như câu hò:

"Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo, xóm giềng họ hay"

Cô gái chưa muốn xóm giềng biết sớm mối tình thầm kín của cô và bạn trai. Cũng có câu thanh cao và lịch sự hơn:

"Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh thương em thì đừng cho bạc cho tiền
Mà cho nhơn nghĩa mới thỏa nguyền ý em"

Ngày nay, người Cần Thơ đang tích cực hưởng ứng và thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị, xây dựng gia đình văn hóa, đường phố văn minh, chợ văn minh. Quan hệ ứng xử của người Cần Thơ ngày càng hòa nhã, lịch sự hơn. Ai cũng muốn quê hương Cần Thơ càng phát triển và người Cần Thơ càng trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch.

HUỲNH THƯƠNG

Chia sẻ bài viết