Iraq: Nổ lớn gần Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad
Truyền thông Iraq đưa tin sáng 8-12, người dân đã nghe thấy các tiếng nổ gần Đại sứ quán Mỹ tại Vùng Xanh ở trung tâm thủ đô Baghdad.
Còi báo động đã vang lên trong tòa nhà Đại sứ quán Mỹ. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ vẫn chưa bình luận về vụ việc. Hiện chưa rõ liệu hệ thống phòng không của Đại sứ quán đã được kích hoạt hay có bất kỳ thiệt hại nào sau vụ nổ hay không.
Kể từ giữa tháng 10, các lực lượng Mỹ đồn trú tại Iraq và Syria đã hứng chịu hơn 70 vụ tấn công. Hiện chưa có nhóm nào nhận là thủ phạm đứng sau các vụ việc này.

WHO cảnh báo phát hiện thêm siro ho nhiễm độc tại những khu vực mới
Ngày 7-12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã phát hiện một số siro ho và hỗn dịch nhiễm độc ở châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
WHO nêu rõ các sản phẩm ảnh hưởng đều do Pharmix Laboratories (Pakistan) sản xuất và được phát hiện đầu tiên tại Maldives và Pakistan. Một số sản phẩm nhiễm độc cũng xuất hiện tại Belize, Fiji và Lào. Theo WHO, một số loại thuốc, siro có thành phần hoạt tính để điều trị một số tình trạng bệnh lý, lại chứa lượng ethylene glycol vượt quá mức cho phép. Hiện WHO chưa ghi nhận trường hợp nào bị tác dụng phụ do các loại thuốc này. Tổ chức này hối thúc các nước tăng cường cảnh giác và kiểm tra sản phẩm do Pharmix Laboratories sản xuất trong giai đoạn từ tháng 12/2021-12/2022.
WHO cho biết tổng cộng có 23 lô sản phẩm của siro Alergo, hỗn dịch Emidone, siro Mucorid, hỗn dịch Ulcofin và siro Zincell bị ảnh hưởng. Hiện siro Alergo là thuốc duy nhất được phát hiện bên ngoài Pakistan. Theo cảnh báo, nồng độ ethylene glycol trong thuốc dao động từ 0,62-0,82%, cao hơn so với mức cho phép 0,1%. Các thuốc này được dùng để điều trị ho, dị ứng và các vấn đề sức khỏe khác. WHO cảnh báo những sản phẩm không đạt chuẩn này là không an toàn và việc sử dụng các sản phẩm, đặc biệt là ở trẻ em, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong.
Thời gian qua, WHO đã đưa ra loạt cảnh báo về các vụ thuốc nhiễm độc tương tự được sản xuất ở Ấn Độ và Indonesia, có liên quan đến 300 ca tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa: Shutterstock
Canada tăng gấp đôi yêu cầu chứng minh tài chính đối với sinh viên quốc tế
Ngày 7-12, Chính phủ Canada thông báo kể từ ngày 1-1-2024, nước này sẽ tăng hơn gấp đôi yêu cầu chi phí sinh hoạt đối với sinh viên quốc tế.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Di trú, Tị nạn và Quốc tịch Canada Marc Miller cho biết người nộp đơn xin du học tại Canada sẽ cần chứng minh tài chính có 20.635 CAD (15.181 USD) bên cạnh học phí và chi phí đi lại trong năm đầu tiên. Yêu cầu chi phí sinh hoạt này sẽ được điều chỉnh hằng năm khi Cơ quan Thống kê Canada cập nhật ngưỡng thu nhập thấp (LICO) - mức thu nhập tối thiểu cần thiết để đảm bảo một cá nhân đủ chi cho các nhu cầu thiết yếu.
Yêu cầu chi phí sinh hoạt đối với người xin đi du học tại Canada đã không thay đổi trong khoảng 2 thập niên qua là 10.000 CAD, nhưng mức tài chính này được cho là không theo kịp chi phí sinh hoạt hiện nay ở nước này.
Theo thống kê, mỗi năm sinh viên quốc tế đóng góp khoảng 22 tỉ CAD và hỗ trợ 200.000 việc làm cho nền kinh tế Canada. Số lượng sinh viên quốc tế được cấp giấy phép du học tại nước này đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua, từ hơn 300.000 người vào năm 2013 lên gần 1 triệu người trong năm nay. Năm 2020, Canada thất thu khoảng 7 tỉ CAD do lượng sinh viên nước ngoài sụt giảm vì đại dịch COVID-19.

Sinh viên nước ngoài tại Cadana. Ảnh: The Sun
PV (TTXVN)