22/05/2022 - 16:56

Tìm niềm vui trong những nỗi buồn 

Đó là cảm nhận của độc giả khi đọc tập tản văn “Lạc quan gặp niềm vui ở quán nỗi buồn và những điều chưa kể” (NXB Văn học) của bác sĩ Dương Minh Tuấn. Bởi qua từng bài viết, từng câu chuyện, tác giả gửi đến những thông điệp tích cực, lạc quan, lan tỏa tinh thần yêu đời, yêu người dù cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm, tốt đẹp.

Sách có 4 phần: “Chuyện vu vơ vụn vặt”, “Chuyện ở nhà”, “Chuyện bên đời”, “Chuyện trong bệnh viện” với gần 70 bài viết.

Những trang sách đầu tiên mang lại cho người đọc những nụ cười hóm hỉnh, tươi vui bởi những chuyện vu vơ, vụn vặt. Có chuyện đọc xong bật cười vì những tình huống trớ trêu và óc hài hước của người viết. Sang đến chuyện nhà, tác giả cho thấy một tâm hồn giàu tình cảm với những câu chuyện về người thân và những ký ức tươi đẹp. Nơi đó, có một người mẹ tảo tần, hết lòng vì chồng con; một người cha tuyệt vời, nghiêm khắc nhưng luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất; một ông ngoại thâm trầm với tình yêu bao la dành cho con cháu… Từng hồi ức, kỷ niệm được tác giả chắt chiu trải lòng trên trang sách làm người đọc ngưỡng mộ một gia đình tuy nghèo nhưng hạnh phúc. Qua đó thấy rằng: gia đình, cách giáo dục và môi trường sống rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, nhận thức và tư duy của con người. Như chính tác giả, anh đã được nuôi dưỡng một tâm hồn nhân ái, một cách sống lạc quan từ nhỏ và khi trở thành bác sĩ, đối diện với những thời khắc sinh tử, đau buồn của bệnh nhân hay những bất hạnh của cuộc đời, anh đều có nhân sinh quan khác biệt: tìm niềm vui trong những nỗi buồn. Điều đó được thể hiện rõ qua phần “Chuyện bên đời” và “Chuyện trong bệnh viện”.

33 cuộc đời hay nói đúng hơn là 33 lát cắt của xã hội mà tác giả gặp gỡ, chứng kiến hay biết được trong phần 3 của cuốn sách cho thấy cuộc đời vô thường vô cùng. Mọi thứ có thể thay đổi chóng mặt hay biến chuyển không ngờ. Trong đó, có những số phận bất hạnh ra đi theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” hoặc do tai nạn không lường trước được; có những con người tưởng chừng số phận bế tắc với căn bệnh hiểm nghèo, nhưng rồi bằng sự may mắn cộng với nỗ lực của bản thân, họ đã vượt qua được nghịch cảnh, sống tốt và nhiều triển vọng… Quan trọng là bạn đối mặt với nó như thế nào? Như trong câu chuyện thứ mười sáu, thái độ của tác giả khi tiếp nhận những điều không vui của bạn bè, người thân đều rất bình thản và đưa ra những lời khuyên bổ ích, lạc quan. Đến nỗi mọi người đều thốt lên: “Mày khác quá!”. Nhưng với riêng tác giả, anh cho rằng: “Tất cả những gì mình mong muốn là dù có lựa chọn hay quyết định điều gì trong cuộc sống thì mọi người đều cảm thấy thoải mái và sống thật bình yên” (trang 95).

Phần cuối “Chuyện ở bệnh viện” là phần ấn tượng nhất với những câu chuyện nghề đầy tâm huyết. Nơi tác giả gặp gỡ, điều trị những bệnh nhân với muôn vàn hoàn cảnh, tính cách và bệnh lý khác nhau. Bên cạnh những chuyện bi thương về những cái chết, về sự bất lực của bác sĩ lẫn người nhà còn có những câu chuyện đẹp về tình vợ chồng, tình thân trong gia đình. Người bác sĩ hạnh phúc khi lời khuyên của mình có ích, khi những đứa con mải mê công việc mà quên chăm sóc, gần gũi cha mẹ già bệnh tật đã thay đổi. Đặc biệt, chuyện về những sinh viên y đầy hoài bão, về những đồng nghiệp luôn tận tụy, hết mình với công việc dù gia đình đang có biến cố, khiến người đọc càng yêu quý và hiểu hơn về y đức. Đọc “Câu chuyện thứ ba mươi tư”, ai cũng ngậm ngùi và cảm phục những “thiên thần áo trắng” bởi những gì họ đã làm và vượt qua…

Cứ thế, bác sĩ Dương Minh Tuấn đưa người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: vui, buồn, thẫn thờ, bất ngờ, xúc động, suy tư, nghiền ngẫm… cùng những triết lý sống nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Để từ đó, bình tĩnh sống và sống lạc quan hơn!

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết