Bài, ảnh: KIM PHÚC
Với tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh, vấn đề thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt là một trong những thách thức đối với các đô thị lớn, trong đó có TP Cần Thơ. Vì vậy, TP Cần Thơ đang tích cực tìm kiếm giải pháp, nhà đầu tư triển khai xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xử lý nước thải sinh hoạt...

Cải tạo hệ thống thoát nước trên địa bàn quận Ninh Kiều.
Nhu cầu đầu tư lớn
Hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ có Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, công suất 30.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, công suất xử lý nước thải của nhà máy hiện chỉ đáp ứng được khoảng 25% tổng nhu cầu xử lý nước thải đô thị của toàn thành phố. Ðịa bàn thu gom và xử lý nước thải tại 7/11 phường trung tâm của quận Ninh Kiều. Còn lại 4 quận và 5 thị trấn thuộc huyện chưa được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Hiện nay, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu UBND thành phố xây dựng thêm modul công suất 30.000 m3/ngày đêm mới tại Nhà máy xử lý nước thải thành phố, qua đó tăng công suất từ 30.000m3 lên 60.000 m3/ngày đêm nhằm thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị được phát sinh từ khu đô thị trung tâm quận Ninh Kiều, Cái Răng.
Thời gian qua, TP Cần Thơ rất quan tâm đến lĩnh vực thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt để nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường và xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố, hướng tới phát triển thành phố xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai. Năm 2016, TP Cần Thơ đã phê duyệt Ðồ án quy hoạch thoát nước TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổng lượng nước thải sinh hoạt dự báo đến năm 2025 khoảng 155.500 m3/ngày đêm. Số lượng nhà máy xử lý nước thải dự kiến xây dựng mới là 10 nhà máy với tổng công suất 125.500 m3/ngày đêm, vị trí xây dựng tại các quận và thị trấn thuộc huyện. Cùng đó, nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải thành phố công suất từ 30.000m3 lên 60.000 m3/ngày đêm. Ðến năm 2030, tổng lượng nước thải sinh hoạt dự báo khoảng 286.500 m3/ngày đêm. Số lượng nhà máy xử lý nước thải dự kiến nâng cấp, mở rộng so với năm 2025 là 10 nhà máy với công suất 131.000 m3/ngày đêm. Kinh phí dự kiến đầu tư cho các dự án thu gom và xử lý nước thải ước tính đến năm 2025 khoảng 5.436 tỉ đồng và đến năm 2030 khoảng 5.143 tỉ đồng.
Theo ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, thành phố có địa hình trũng, dưới tác động của biến đổi khí hậu, khi triều cường kết hợp mưa lớn tiêu thoát nước chậm dẫn đến hiện tượng ngập nghẹt cục bộ. Ðiều này gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nhu cầu đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố là rất lớn. Song, nguồn kinh phí của thành phố chưa thể đáp ứng nhu cầu đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, các cơ quan chuyên môn của thành phố chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý về đầu tư, đấu nối, thu gom, quản lý tài sản hệ thống thoát nước và vận hành nhà máy xử lý nước thải hiện hữu…
Tìm hướng giải quyết
Trong khuôn khổ hợp tác giữa TP Cần Thơ và Tổ chức JICA - Nhật Bản, tháng 2-2022, UBND TP Cần Thơ đã có công văn đề nghị Tổ chức JICA hỗ trợ thành phố trong việc thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án về môi trường, chống biến đổi khí hậu; cụ thể là về lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải trong thời gian tới. Tháng 2-2023, Ðoàn công tác chuyên gia JICA và đại diện thành phố FuKuoka - Nhật Bản đã đến làm việc với TP Cần Thơ tìm hiểu về nhu cầu và thực trạng về hệ thống thoát nước, xử lý nước thải của TP Cần Thơ. Ðể tiếp nối chương trình hợp tác, sau khi nghiên cứu các tài liệu, nhóm nghiên cứu về hệ thống nước thải do Bộ Ðất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tài trợ tiếp tục thực hiện chương trình khảo sát thực địa hệ thống xử lý nước thải và hệ thống thu gom xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
Ông Yashima Hironori, TP Fukuoka - Nhật Bản, chia sẻ: Từ kinh nghiệm thực tế tại địa phương, thành phố đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Ðồng thời, hợp tác, hỗ trợ một số quốc gia châu Á về lĩnh vực này. Qua khảo sát, TP Cần Thơ là thành phố năng động, đang phát triển. Tuy nhiên, hiện thành phố chỉ có 1 nhà máy xử lý nước thải, cần đầu tư nhiều về lĩnh vực này. TP Fukuoka sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ TP Cần Thơ trong lĩnh vực này…
Ông Wada Tetsuo, Công ty Nihon Suido Consultans - Nhật Bản, chủ trì dự án chia sẻ: Mục tiêu của nghiên cứu lần này tại TP Cần Thơ là điều tra hiện trạng và những thách thức mà hệ thống thoát nước của TP Cần Thơ phải đối mặt và xác định các khu vực có thể cải thiện những tình trạng này. Từ đó, đề xuất hướng cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng thoát nước phù hợp. Ðồng thời, xác nhận các công nghệ liên quan đến hệ thống thoát nước có thể áp dụng cho những cải tiến và việc phát triển này. Khi bản quy hoạch tổng thể về thoát nước đã được lập, xác định các dự án ưu tiên dựa trên việc phân tích các phương án phát triển cơ sở hạ tầng thoát nước khả thi theo 3 yếu tố gồm: mức độ cần thiết dựa trên nhu cầu địa phương; nhất quán với chính sách quốc gia; hiệu quả của dự án. Có 4 cột mốc quan trọng, cụ thể: tháng 7 khảo sát hiện trường; tháng 10 xác nhận những nội dung của quy hoạch tổng thể theo các điều kiện hiện trạng; tháng 12 xác định các khu vực ưu tiên trong TP Cần Thơ cần phải cải thiện và phát triển hệ thống thoát nước; tháng 1-2024 tổ chức họp trực tuyến với TP Cần Thơ giải trình các kết quả nghiên cứu.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: TP Cần Thơ rất quan tâm vấn đề thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Thành phố đã quy hoạch hệ thống xử lý nước thải tại các quận, huyện và trước mắt tập trung cho quận Ninh Kiều và Cái Răng. Thành phố mong muốn hợp tác và nhận được sự chia sẻ, đầu tư của TP Fukuoka trong lĩnh vực xử lý nước thải sinh hoạt, nhằm nâng cao công suất xử lý nước thải sinh hoạt cho quận Ninh Kiều, Cái Răng và tiếp tục cho các quận, huyện khác theo quy hoạch trong thời gian tới… Thành phố hy vọng đến tháng 1-2024 sẽ có hội thảo chính thức về kết quả nghiên cứu, từ đó có thể tiến tới các bước thực hiện đầu tư dự án…