27/12/2014 - 17:18

Tìm hiểu nguồn gốc người Chăm An Giang

Người Chăm tại Việt Nam sống rải rác khắp các tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước và An Giang... Nguồn gốc của đồng bào Chăm An Giang thường được cho rằng xuất phát từ nam Trung Bộ. Trước thế kỷ 17, người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận di cư qua Campuchia. Năm 1699, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đem quân sang Campuchia, giúp vua Nặc Ông Thu giải quyết việc anh em họ tranh giành ngôi vị. Xong nhiệm vụ, Nguyễn Hữu Cảnh rút quân về Nam Bộ, một số người Chăm theo về cư trú tại Tây Ninh.

Khoảng năm 1822-1823, đầu triều Minh Mạng, vị vua cuối cùng của Chiêm Thành là Pô Chơn đóng đô ở Phan Rang (Ninh Thuận hiện nay), rời bỏ ngai vàng, cùng một số binh, tướng thân tín đem theo gia đình vượt Trường Sơn sang Campuchia lánh nạn. Năm 1840, khi Khâm sai đại thần Lê Văn Đức, Phó khâm sai Doãn Uẩn cùng Trương Minh Giảng từ Campuchia (trấn Tây Thành) rút về Châu Đốc, một số đông người Chăm theo làm binh lính, thân binh, cận vệ. Họ theo đoàn quân Lê Văn Đức cư trú dọc đầu nguồn sông Hậu thuộc tỉnh An Giang từ đó đến bây giờ. Họ là đoàn quân thiện chiến nổi tiếng của nhà Nguyễn.

Thánh đường Chăm Nhơn Hội trong đêm lễ Royal Phitrok. 

Ông Hakêm (85 tuổi), ở Châu Giang (Phú Châu, An Giang) kể ông tổ 6 đời của ông là cụ Hadji Ahmed từ đảo Tranganu (Malaysia) di cư sang Thái Lan, Campuchia rồi định cư ở mảnh đất này của Việt Nam. Ban đầu cụ sống ở Koh Koi (cồn Quan Thuế), xã Nhơn Hội (An Phú, An Giang). Về sau cụ chuyển về Châu Giang sinh sống. Các thế hệ sau cụ là: em ruột Zaynala Bidin, con là Abdul Karim, cháu nội là Hadji Ysamael, chắt tên Hadji Soleymal, chít tên Hadji-Hakêm Idareh… Đây là dòng họ Chăm Chavaku có đặc điểm là đàn ông người Chăm nhưng vợ có dòng máu sắc tộc khác.

Riêng cụ Du Số (đến nay 102 tuổi), ở Châu Giang, kể: những người Chăm định cư sớm nhất tại địa phương này gồm bốn gia đình. Trong đó có ông tổ của cụ tên Ad Doromal (đời thứ 1), Ad Doloh (đời thứ 2), Du Số (đời ông, đời thứ 5), Sam Su Mariam (đời thứ 6), Halimah (đời thứ 7). Cụ cho biết, đi cùng cụ tổ nhà cụ còn có cụ Hadji Abmed cùng 3 gia đình khác. Cả bốn cùng xây dựng Thánh đường Mubarak vào năm 1170 Hồi lịch, nhằm năm 1750 Dương lịch. Họ làm đúng luật tục Hồi giáo là chỉ được xây thánh đường khi địa phương có từ 3 gia đình chung sống trở lên.

Người Chăm An Giang có xuất xứ từ Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhưng người Chăm hai địa phương nầy xuất xứ từ đâu? Có thuyết khẳng định: Người Chăm, theo các nhà khảo cổ, vốn thuộc dòng Mã Lai- Đa Đảo, một vùng văn minh hải đảo nhận ảnh hưởng văn hóa Ấn- Hồi mà hiện nay vẫn còn theo chế độ mẫu hệ. Họ di cư sang miền nam Trung Bộ và Nam Bộ nhiều thế kỷ trước công nguyên, mang theo và gìn giữ mọi phong tục tập quán cùng chế độ gia đình mẫu hệ của họ. Căn cứ vào một số thư tịch cổ, tư liệu dân tộc học, một số bài hát dân gian Chăm trong đồng bào còn nhớ được, một vài hiện vật còn lưu giữ và văn tự cổ, so sánh về dân tộc học và lịch sử di cư, nhất là quyết định xác minh cộng đồng dân tộc của Tổng cục thống kê Việt Nam ngày 2-3-1979, cho phép kết luận: Người Chăm An Giang và người Chăm miền nam Trung Bộ đều cùng chung một nguồn gốc lịch sử từ lâu đời, kể cả người Chăm TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Campuchia.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có khoảng 30.000 người Chăm, tụ cư tại các xã đầu nguồn ven sông Hậu thuộc các huyện: An Phú, Tân Châu, Phú Tân và Châu Phú. Họ có cùng ngữ hệ với đồng bào Chăm miền nam Trung Bộ, Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vì sống chung cộng đồng người Khmer nên người Chăm An Giang nói và nghe được ngôn ngữ bạn. Người Chăm nơi đây ngày trước sống bằng nghề dệt thủ công. Hàng thổ cẩm sản xuất ra, họ mang đi bán dạo khắp các nơi trong khu vực ĐBSCL. Hàng bán được, ngoài lấy tiền mặt, họ còn bán chịu, hẹn đến lần sau trở lại mới lấy tiền. Bên cạnh đó, họ làm nông, nhưng không bằng nghề chính là chài lưới. Họ là tín đồ thuần thành của đạo Hồi (Islam), trong khi đó người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận theo Hồi giáo Bani hay đạo Bà Ni (đây là tôn giáo đặc thù bởi sự kết hợp giao hòa giữa đạo Islam (đạo Hồi) với đạo Bà La Môn mà người Chăm đã theo trước đó cùng với các tín ngưỡng dân gian khác của họ).

Theo ghi chép của “Tống sử”, từ thế kỷ 10, đạo Hồi đã được truyền vào Chămpa. Tuy nhiên từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15, đạo Hồi vẫn chưa phải là tôn giáo chính thống. Từ sau khi Chămpa suy vong, nhiều người Chăm bỏ tôn giáo truyền thống là đạo Bà La Môn để theo Hồi giáo. Và chính từ thời điểm này, sự giao thoa giữa đạo Hồi và đạo Bà La Môn đã hình thành ra một tôn giáo mới của người Chăm, đó là đạo Bani. Tên gọi Bani được chuyển từ tiếng Ả Rập Beni, có nghĩa là con trai của đấng tiên tri Mohammed. Hồi giáo Chăm Bani là tôn giáo độc đáo chỉ có ở Việt Nam, gắn chặt với người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, là một phần bản sắc văn hóa của họ. Mặt khác, chính bản sắc văn hóa người Chăm này cũng làm mềm hóa tính chất của Hồi giáo.

Tại mỗi xã, người Chăm An Giang đều có thánh đường riêng. Họ chỉ tôn thờ thánh Alah, cầu nguyện mỗi ngày 5 lần. Tín đồ là nam đều tắm rửa sạch sẽ, y phục chỉnh tề đến thánh đường làm lễ trưa thứ sáu hàng tuần. Tín đồ nữ được hành lễ tại nhà. Họ thực hiện nghiêm túc giáo lý, giáo luật của Hồi giáo, thực hiện các bổn phận của tín đồ như nhịn ăn tháng Ramadam. Các tín đồ hành hương đến thánh địa Mecca được mang tước hiệu Hadji và được tín đồ khác kính trọng. Đặc biệt, họ không nuôi heo và ăn thịt con vật này. Họ cũng tuyệt đối không uống rượu, kể cả bia, tuân thủ nghiêm ngặt giáo luật.

Bài, ảnh: CÁT LỘC


Tư liệu tham khảo:

- Nguyễn Khắc Ngữ, “Mẫu hệ Chàm”, NXB Trình Bày, SG, 1967.

- Lâm Tâm, “Một số tập tục người Chăm An Giang”, Chi hội Văn nghệ dân gian An Giang, 1994; có trích dẫn tư liệu: Dohamide, “Người Châu Giang”, Bách Khoa giai phẩm, số Q36, SG, 1973; Trần Trọng Kim, “Việt Nam sử lược”, NXB Tân Việt, 1954; A. Buissere, Rapport sur les Chams et les Malais de L’arrodissement de Chaudoc. E et B No-6 – 1880.

- Wikipedia tiếng Việt.

Chia sẻ bài viết