19/11/2013 - 22:46

Tìm chỗ đứng cho rau an toàn

Những năm qua, đầu tư sản xuất ra các loại thực phẩm an toàn, đặc biệt là rau an toàn là mục tiêu của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, do phương thức sản xuất, khâu phân phối, giới thiệu sản phẩm chưa tiến hành đồng bộ, triệt để khiến rau an toàn luôn bị "lép vế" trên thị trường và người tiêu dùng chưa thể nhận biết giá trị thực của loại thực phẩm này.

* Nghịch lý

Tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm đã được thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong đợi. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, năm 2000, chương trình sản xuất rau màu theo hướng an toàn đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều vùng chuyên canh rau màu trên địa bàn tỉnh. Các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hàng loạt dự án, đề tài được triển khai như: "Môi trường sản xuất xanh", "Đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm", "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn"… "Sau một thời gian đi vào hoạt động thì những mô hình sản xuất rau an toàn đều gặp khó khăn do "bí" đầu ra. Điều nghịch lý là trong khi nhu cầu rau an toàn trên thị trường ngày càng tăng thì tại các cơ sở sản xuất rau an toàn đều không thể mở rộng diện tích." - ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và Trang trại, Chi Cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, nêu thực trạng.

Hệ thống siêu thị là một trong những kênh phân phối hiện đại được người tiêu dùng tin tưởng. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua rau quả tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nguồn cung sản phẩm rau an toàn không thiếu, các cơ sở, hợp tác xã trồng rau đủ sức để cung ứng. Tuy nhiên, nút thắt nằm ở chỗ rau an toàn bị rau sản xuất theo quy trình thông thường lấn át về giá cả. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Trồng rau an toàn đòi hỏi một quy trình kỹ thuật khắt khe, thế nhưng, khi bán trên thị trường, rau trồng không theo quy trình, không được kiểm soát lại bán ngang giá, thấp hơn rau an toàn nên người trồng rau an toàn khó cạnh tranh. Trong khi đó, nông hộ trồng rau an toàn lại gặp khó khăn do phí sản xuất tăng cao nhưng lại không thể bán giá cao hơn…". Theo bà Nguyễn Thị Kiều, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã quy hoạch vùng trồng rau an toàn tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Các Hợp tác xã trồng rau tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật và đạt tiêu chuẩn an toàn. Song, chỉ một lượng nhỏ trong số này được giao cho hệ thống siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể… còn phần lớn kênh tiêu thụ vẫn là ở các chợ truyền thống.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, người sản xuất vẫn chưa gắn kết được với đơn vị phân phối để tiêu thụ hàng hóa. Đặc trưng của sản phẩm nông sản nói chung và rau màu nói riêng là thu hoạch theo mùa vụ với sản lượng khá lớn nhưng các đơn vị phân phối lại thu mua với số lượng quá ít. Điển hình như Hợp tác xã Rau an toàn Hòa Phát (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) có thể cung ứng khoảng 3 tấn/ngày nhưng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ tiêu thụ vài trăm kg/ngày. Không chỉ vậy, thủ tục giấy tờ khi vào siêu thị rườm rà, chi phí vận chuyển tăng cao… gây tâm lý chán nản cho nông dân. Trong khi đó, bán cho thương lái, giá cả có thấp hơn nhưng mua bán được thực hiện nhanh, gọn, lẹ và nông dân thu được tiền ngay. Ngoài ra, các loại rau an toàn đã và đang lưu thông trên thị trường vẫn chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng do chưa có cơ sở, tiêu chí (bao bì, nhãn mác) để nhận biết…

* Để cung - cầu gặp nhau

Theo các chuyên gia đầu ngành, để rau an toàn khẳng định vị thế, mỗi địa phương cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại và xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ là điều vô cùng cần thiết. Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, đề nghị: "Các sở, ngành hữu quan cần phối hợp chặt chẽ tổ chức chương trình xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa nông sản; tạo điều kiện để nông dân tham gia hội chợ, triển lãm; chương trình kết nối hàng hóa giữa doanh nghiệp sản xuất - phân phối để đưa sản phẩm vào các siêu thị, chợ đầu mối… Ngoài ra, cần tổ chức đơn vị thu mua nông sản, thực hiện phân phối hàng hóa theo đơn đặt hàng của các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ... Việc thu mua tập trung như vậy sẽ giúp hộ nông dân bán được sản phẩm nhanh chóng với giá cả hợp lý và tiết kiệm chi phí vận chuyển".

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và Trang trại, Chi Cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Kinh tế hộ không đủ điều kiện tiến hành sản xuất nông sản an toàn. Vì vậy, cần khuyến cáo và quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; huy động vốn, đất đai, kinh nghiệm của nông dân để thuê đất và tổ chức sản xuất tập trung với hệ thống tổ chức quản lý điều hành của hợp tác xã, tổ hợp tác… Có như vậy mới tiến tới thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, cung cấp đầy đủ số lượng và chủng loại cho các hệ thống phân phối. Một số ý kiến cho rằng, ngoài việc đầu tư cho khâu sản xuất, phân phối, ngành nông nghiệp các địa phương cần tập trung cho công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Một khi người tiêu dùng thay đổi tập quán sử dụng hàng hóa giá rẻ, không rõ nguồn gốc sang sử dụng hàng hóa chất lượng, hợp vệ sinh sẽ là một hướng mở cho các sản phẩm nông sản an toàn nói chung và rau an toàn nói riêng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), nhu cầu hợp tác không chỉ ở nông dân mà các doanh nghiệp, nhà phân phối cũng có nhu cầu này. "Saigon Co.op sẵn sàng ứng vốn và đầu tư để hình thành vùng nguyên liệu cung ứng nguồn hàng cho hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Tuy nhiên, chúng tôi không thể liên kết với từng nông hộ nhỏ lẻ mà cần có một đơn vị đại diện (hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ...) để thực hiện vịêc đàm phán, giao dịch…" - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói. Như vậy, nhà sản xuất - phân phối đều thể hiện mong muốn liên kết, hợp tác. Và để 2 nhà chủ đạo này tìm được tiếng nói chung thì rất cần sự góp sức từ phía các nhà quản lý, cơ quan chuyên ngành để kết dính và phân chia lợi ích hài hòa cho cả 2 phía…

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết