06/10/2016 - 10:19

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống người dân

Ngày 16-8-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu tổng quát được đề ra là xây dựng nông thôn mới (NTM) để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đồng thời, xây dựng các vùng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phù hợp, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc…

NHIỀU NỖ LỰC

Giai đoạn 2011-2015, cả nước huy động được 851.380 tỉ đồng thực hiện Chương trình MTQGXDNTM, trong đó ngân sách Nhà nước bố trí 98.664 tỉ đồng (chiếm 11,6%), còn lại huy động từ các nguồn lực khác như: người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng… Riêng năm 2016, theo báo cáo của các địa phương, cả nước huy động được 332.475 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước chiếm 9,2%. Tính đến giữa tháng 9-2016, cả nước có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và có 2.045 xã được công nhân đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 23% trên tổng cả nước, tăng 515 xã so với cuối năm 2015. Số tiêu chí NTM đạt bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã. Hiện nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thêm 3 huyện và dự kiến đến hết năm 2016, cả nước có khoảng 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. 

Chương trình MTQGXDNTM trong giai đoạn vừa qua đã giữ vai trò tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và tạo các điều kiện thuận lợi để cải thiện điều kiện vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết: "Đến nay, cả tỉnh có 1 huyện và 117 xã đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh xây dựng được hơn 4.500 mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao thu nhập của người dân từ ở mức 14,4 triệu đồng/người/năm lên 22,6 triệu đồng/người/năm". Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có hơn 1,7 triệu dân và phần lớn sống dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các địa bàn nông thôn. Với mục tiêu cuối cùng trong xây dựng NTM nâng cao thu nhập, đời sống người dân và phát triển nông thôn toàn diện, thời gian qua tỉnh phát động toàn dân xây dựng NTM gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Kết quả, tỉnh đã có 28 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM. Thu nhập của người dân tại nhiều địa bàn nông thôn được cải thiện rõ nét và hiện đạt trên 29 triệu đồng/người/năm. Tỉnh xây dựng được nhiều mô hình liên hợp tác sản xuất hiệu quả và bước đầu thu hút được 35 doanh nghiệp liên kết với nông dân để đầu tư phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm…Hơn 83.000ha lúa tham gia các mô hình "cánh đồng liên kết" được đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp giảm giá thành sản xuất lúa từ 300-600 đồng/kg, lợi nhuận của nhiều hộ nông dân tăng thêm từ 3-4 triệu đồng/ha.

Theo Văn Phòng điều phối xây dựng NTM, UBND TP Cần Thơ,Chương trình MTQGXDNTM đã và đang được thực hiện trên địa bàn TP Cần Thơ cũng đã thể hiện vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện các vùng nông thôn. Đến nay, TP Cần Thơ đã có 16/36 xã (chiếm tỷ lệ 44,44%) và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện không còn xã nào trên địa bàn thành phố đạt dưới 12 tiêu chí NTM.

TIẾP TỤC NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN NÔNG THÔN

Chương trình MTQGXDNTM giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là số xã đạt tiêu chuẩn NTM của cả nước khoảng 50%. Trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng miền gồm: Đồng bằng sông Cửu Long 51%, Đông Nam bộ 80%,Tây Nguyên 43%, Duyên hải Nam Trung bộ 60%, Bắc Trung bộ 59%, Đồng bằng sông Hồng 80%, miền núi phía Bắc 28%. Khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM. Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã và cả nước không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí (trong đó ĐBSCL 16,6 tiêu chí/xã). Song song đó, phải cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 tối thiểu là 193.155,6 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 63.155,6 tỉ đồng, vốn địa phương 130.000 tỉ đồng.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân đã tích cực chủ động sáng tạo thực hiện đạt được nhiều kết quả trong xây dựng NTM thời gian qua. Với nhiều mô hình mới trong sản xuất, xây dựng NTM được triển khai đã giúp bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, phát triển, số hộ nghèo được kéo giảm nhanh, đời sống vật chất tinh thần của người dân tốt hơn… Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số hạn chế tồn tại cần khắc phục như: xây dựng NTM tại một số nơi còn tập trung nhiều vào phát triển hạ tầng, chạy theo thành tích, chưa quan tâm đúng mức trong hỗ trợ người dân tổ chức, phát triển sản xuất; đời sống người dân tại một số nơi chưa tốt cả về vật chất và tinh thần; môi trường tự nhiên và xã hội còn nhiều bất cập; khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân và cho quê hương còn hạn chế; một số nơi sau khi phấn đấu đạt chuẩn NTM đã có dấu hiệu chững lại…

Phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng NTM. Tất cả mọi người chung sức, chung lòng để xây dựng NTM thành công,  nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…

Nhiệm vụ rất nặng nề, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước có hạn.Tới đây, bên cạnh phấn đấu có thêm nhiều xã, huyện đạt chuẩn NTM, đòi hỏi các địa phương phải củng cố, "nâng chất" các tiêu chí tại các xã, huyện đã đạt chuẩn. Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường- Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM cần lựa chọn nội dung phù hợp với kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiếp tục phân đấu xây dựng NTM kiểu mẫu.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng: "Việc thực hiện Chương trình MTQGXDNTM trong giai đoạn tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn so với trước do phần lớn các xã, huyện các điều kiện và nguồn lực tương đối khá đã đạt chuẩn NTM, còn lại là các xã khó thực hiện, trong nguồn lực đầu tư từ Nhà Nước có phần hạn chế so với trước. Do vậy, rất cần phải có giải pháp để phát huy tốt các nguồn lực xã hội, nhất là tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn". Theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), để thực hiện tốt Chương trình MTQGXDNTM giai đoạn 2016-2020 và nâng cao đời sống người dân, rất cần phải quan tâm hỗ trợ nông dân phát triển các hoạt động sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề. Hiện nay, nông dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, giá thành lại cao và chưa có thương hiệu nên kém sức cạnh trên thị trường và chưa có đầu ra ổn định. Cần phải kịp thời hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, có chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng, nhất là vốn vay không cần tài sản thế chấp.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết