24/08/2017 - 21:16

Tiếp sức để hợp tác xã phát triển bền vững 

Qua 2 năm (từ năm 2015-2017) thực hiện phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) điển hình tiên tiến, TP Cần Thơ xuất hiện nhiều HTX Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) thực hiện các dịch vụ hỗ trợ, góp phần gia tăng thu nhập cho thành viên. Song, để nâng chất hoạt động, các ngành chức năng cần trợ lực cho các HTX CN-TTCN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư đổi mới thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất… góp phần thúc đẩy các HTX phát triển bền vững.

Hoạt động may mặc tại HTX Phú Thọ ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai.

Nhiều điển hình tiên tiến

Theo Liên Minh HTX TP Cần Thơ, hiện toàn thành phố có 25 HTX CN-TTCN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, đan tre, lục bình, cơ khí…   thực hiện đa dạng các dịch vụ hỗ trợ đầu vào, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên, góp phần gia tăng thu nhập cho xã viên tham gia vào HTX. Qua 2 năm (từ năm 2015-2017) thực hiện phong trào xây dựng, nhân rộng HTX tiên tiến, đa phần các HTX CN-TTCN trên địa bàn thành phố có nhiều bước phát triển. Trong đó, có nhiều điển hình, như: HTX Quốc Noản và HTX Phú Thọ (huyện Thới Lai), HTX Kim Hưng (quận Cái Răng)… thực hiện tốt các dịch vụ hỗ trợ thành viên, tăng cường sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng theo nhu cầu thị trường, góp phần tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm CN-TTCN và thu nhập của thành viên. 

Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noản, cho biết: HTX Quốc Noản được thành lập từ năm 2013, có 22 thành viên, chuyên sản xuất các loại rổ, thúng, nia, cần xé, lồng bàn,… với đa dạng chủng loại, mẫu mã chất lượng, phục vụ đời sống và sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, HTX còn tăng cường sản xuất các loại giỏ hoa kiểng, cải tiến nhiều sản phẩm thủ công, nhất là các mặt hàng làm quà lưu niệm, đáp ứng thị hiếu của khách du lịch. Để nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra, HTX đã đầu tư mua 3 máy vót nan tre, 1 máy chẻ nan tre và 1 bồn xử lý nguyên liệu… Nhờ thực hiện cơ giới hóa một số công đoạn vừa giúp HTX giảm giá thành sản xuất, vừa đảm bảo độ chính xác và tính thẩm mỹ cho các sản phẩm làm ra, nhất là các mặt hàng lưu niệm ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện HTX Quốc Noản đã ký kết hợp đồng làm ăn lâu dài và ổn định với nhiều khách hàng ở các tỉnh Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Kết quả sản xuất kinh doanh trong 2 năm 2015 và 2016, HTX Quốc Noản đạt trên 1,58 tỉ đồng và là một điển hình trong phong trào xây dựng, nhân rộng HTX tiên tiến trên địa bàn thành phố.

Dựa vào nguồn lao động vốn có tại địa phương, HTX Phú Thọ (huyện Thới Lai) tích cực đẩy mạnh sản xuất, ký kết hợp đồng may gia công giày thể thao học sinh, đồ bộ và một số mặt hàng thủ công làm từ lục bình, dây chuối… theo hợp đồng với đối tác và doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Theo bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc HTX Phú Thọ, huyện Thới Lai, ước tính bình quân, mỗi tháng HTX Phú Thọ nhận đơn hàng may gia công trên 5.000 sản phẩm các loại; doanh thu đạt trên 1,5 tỉ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,5 triệu đồng/tháng. Hiện HTX Phú Thọ có một nhà xưởng diện tích hơn 80m2  hoạt động ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai với hơn 50 máy may. Bà Nguyễn Thị Đậm, chia sẻ: Trong cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, cán bộ HTX Phú Thọ không chỉ năng động tìm kiếm hàng mới mà còn đặc biệt coi trọng việc giữ chân khách hàng cũ. Theo đó, mỗi khi ký kết hợp đồng may gia công với khách hàng, HTX luôn cam kết gia công đúng mẫu mã, đảm bảo chất lượng và nhất là giao hàng đúng hẹn… Nhờ đó, HTX không chỉ ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ mới mà còn giữ được mối làm ăn lâu dài với nhiều khách hàng và đối tác có uy tín ở các tỉnh và TP Hồ Chí Minh.

Trợ lực cho HTX CN-TTCN

Dù có bước phát triển tốt, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của các HTX CN-TTCN còn thấp; quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, thiết bị máy móc thô sơ và cũ kỹ, mẫu mã thiếu sự đa dạng nên chưa đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu thị trường. Cái khó của các HTX CN-TTCN là lợi nhuận thấp nên chưa tạo được sức hấp dẫn thu hút xã viên và lực lượng cán bộ trẻ có năng lực về làm việc và gắn bó lâu dài với HTX. Đây là thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và lâu dài của các HTX CN-TTCN. Bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc HTX Phú Thọ, cho biết: Do thiếu vốn đầu tư mở rộng nhà xưởng, đổi mới máy móc sản xuất nên khả năng cạnh tranh thị trường của HTX so với các cơ sở hoạt động cùng ngành còn hạn chế. Chính vì vậy, dù có nhiều khách hàng đặt yêu cầu cho HTX Phú Thọ gia công hàng may mặc cao cấp, nhưng HTX vẫn chưa thể thực hiện được mà chỉ dừng lại ở việc may gia công dòng sản phẩm phổ thông là chủ yếu. Vì vậy, HTX rất cần sự trợ lực từ các cấp chính quyền trong kết nối thị trường tiêu thụ, giúp HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để HTX mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp may có uy tín, góp phần duy trì và phát triển HTX bền vững.

Để nâng chất hoạt động cho các HTX CN-TTCN, đòi hỏi các ngành, các cấp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao năng lực quản lý và điều hành cho cán bộ HTX; hỗ trợ các HTX chủ động xây dựng những phương án sản xuất kinh doanh tối ưu; triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ vốn vay cho các HTX CN-TTCN; xây dựng thương hiệu và tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ triển lãm, tiếp thị hình ảnh đến với khách hàng để có cơ hội mở rộng thị trường… Cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền, HTX CN-TTCN cần tìm hướng đi mới, ứng dụng kỹ thuật mới để cải tiến mẫu mã sản phẩm đẹp và bền hơn. Chú trọng tạo ra nguồn hàng phong phú, tiếp cận khách hàng và khai thác thị trường mới, xây dựng và phát triển mối liên kết hiệu quả bền vững giữa các HTX với doanh nghiệp… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm CN-TTCN và thu nhập cho xã viên.

Bài, ảnh: M.HOA

Chia sẻ bài viết