Phạm Trung
Tôi có dịp nói chuyện với Hiếu- sinh viên được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chọn ra thăm quân và dân quần đảo Trường Sa cuối tháng 4-2017. Hiếu nói đi Trường Sa về thấy yêu biển, đảo quê hương lắm. Ngày nào Hiếu cũng đem mấy vỏ ốc, vỏ sò nhặt được ở các đảo ra ngắm. Xong rồi Hiếu luyện giọng với mấy bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”, “Nụ cười Trường Sa”, “Mùa xuân DK”… “Lúc đầu, nghe em hát, các bạn ở chung phòng chưa quen, vài ngày sau, các bạn đều tập hát theo em. Em lại nhớ những buổi văn nghệ ở trên các đảo…”- Hiếu chia sẻ.
Tôi hiểu nỗi nhớ và trân trọng kỷ niệm đến Trường Sa của Hiếu. 7 năm trước, khi tôi bằng tuổi Hiếu bây giờ, đã được ra thăm Trường Sa. Tôi đã cùng mọi người đứng thành vòng tròn để hát với các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn. Ở đảo Cô Lin, tôi ngồi quây quần trong một không gian chật hẹp để lắng nghe khúc ca về biển. Chúng tôi đã hát trong tình yêu Tổ quốc vô bờ, với nước mắt và ánh mắt khắc khoải khi nhìn về phía Gạc Ma vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ hy sinh trong ngày 14-3-1988 để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Khi tàu rời đi, Quốc ca hùng hồn vẫn vang vọng khắp Trường Sa…
Trên con tàu HQ967 ngày đó, tôi nghe tiếng hát của Cương- vừa bước sang tuổi 23- hướng về quê nhà và những đứa em, với tình yêu đi qua nhiều năm tháng trong khoảng xa đất liền- hải đảo. Cương hát bài “Tâm tình người thủy thủ”, với những câu hát sâu lắng đến cháy lòng: “… Em ơi chớ hỏi anh nhiều. Em đừng hỏi rằng vì sao anh ra đi. Em ơi cũng đừng nên hỏi anh rằng. Ngoài khơi xa kia có những gì vẫy gọi anh… Nhưng em ơi nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió. Nếu có chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao. Có lẽ nào xứng với tình em…”. Cương nói rằng anh yêu biển như tình yêu dành cho cô bạn gần nhà. Yêu đồng đội và con tàu bốn ngàn tấn mà mấy năm qua anh xem như nhà thứ hai. Và thỉnh thoảng, Cương lại ra boong tàu đứng nhìn biển và hát. Biển nghe và chắc người cũng nghe.
Hằng năm, cứ vào tháng Bảy, tôi thường theo dõi hành trình của các cựu chiến binh trên mọi miền đất nước về huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang để tưởng nhớ đồng đội hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm nào, tôi cũng xúc động khi thấy hình ảnh cựu chiến binh Sư đoàn 356- nhạc sĩ Trương Quý Hải. Người đàn ông với mái tóc húi cua, bạc trắng, ôm đàn đứng hát giữa mênh mông bia mộ của đồng đội đã nằm lại trên mảnh đất Hà Giang. Nước mắt tôi không kìm được khi nghe tiếng ông hát qua video clip. “Về đây đồng đội ơi. Người chiến sĩ sư đoàn... Hà Giang đã ngưng chiến trận… Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau. Như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi…” (“Về đây đồng đội ơi”).
Tôi nhớ có lần trong hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cho biết vẫn còn nhiều liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đang nằm lại trên các cánh rừng, hốc núi, vực sâu… Việc tìm hài cốt của các anh rất khó khăn do địa hình thay đổi, sức người thiếu và sức của không nhiều. Ở Campuchia, còn nhiều liệt sĩ hy sinh trong những năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Việc tìm kiếm, đưa các anh về với đất mẹ vẫn đang tiến hành.
Những năm gần đây thành phố Cần Thơ đã tìm kiếm được 18 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhưng chỉ khoảng một phần ba số đó có thông tin về quê quán, đơn vị, nhân thân… Hình hài Tổ quốc đã được xây nên từ xương máu của cha anh. Cho nên ngoài những khúc ca chiến thắng vẫn có những nốt nhạc bi hùng sâu lắng! l