Nhằm tận dụng cơ hội một số loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cùng thị trường các nước, tỉnh Tiền Giang quan tâm xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và kiểm soát an toàn thực phẩm xuất khẩu.

Chăm sóc sầu riêng ở xã Mỹ Tân.
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tỉnh Tiền Giang, cho biết: UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm soát an toàn thực phẩm. Qua đó, tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng nông sản tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của người dân trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại; tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản trên địa bàn tỉnh.
Tiền Giang hiện có 82.353ha diện tích vườn cây ăn trái với sản lượng 940.574 tấn cùng một số trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu tiêu dùng lớn, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong ngoài nước như thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc… Trong quý I-2025, tỉnh Tiền Giang đã xuất được 7.868 tấn, rau quả với kim ngạch đạt 18,73 triệu USD, trong đó, xuất khẩu sầu riêng qua thị trường Trung Quốc chiếm 34,23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh… Theo Sở NN&MT tỉnh Tiền Giang, đến đầu tháng 4-2025, toàn tỉnh hiện có 466 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu với tổng diện tích trên 28.406ha; trong đó có 155 mã số vùng trồng sầu riêng với gần 7.000ha, 97 mã số vùng trồng thanh long với 6.250,855ha, 68 mã số vùng trồng mít với 8.503,35ha… tạo vùng nguyên liệu nông sản được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cùng các quốc gia khác. Tại vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.600ha, diện tích thanh long đang cho trái là 5.545ha với sản lượng thu hoạch 180.000 tấn/năm. Trong số đó, diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200ha, theo tiêu chuẩn Global GAP trên 300ha.
Bà Nguyễn Thị Kim Hằng, Trưởng Phòng NN&MT huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Việc cấp mã số vùng trồng thanh long có vai trò quan trọng trong phục vụ xuất khẩu. Cán bộ kỹ thuật đã tích cực hướng dẫn cũng như khuyến cáo nhà vườn trồng thanh long tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong sản xuất để đáp ứng các yêu cầu của việc cấp mã số vùng trồng nhằm tạo điều kiện cho trái thanh long được xuất khẩu đi các nước thuận lợi hơn.
Vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo hiện đã được cấp 64 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 2.030ha (chiếm 30,7% diện tích thanh long của huyện), các mã số xuất khẩu đi thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand. Đây được coi là giấy thông hành quan trọng để thanh long Chợ Gạo nói riêng cũng như của tỉnh Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Ông Nguyễn Trung Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, cho biết, đến nay, Hợp tác xã đã được cấp 6 mã số vùng trồng để xuất khẩu trái thanh long đi các nước Mỹ, Trung Quốc, Úc và New Zealand. Trong đó có 5 mã số vùng trồng thanh long ruột đỏ cùng 1 mã số vùng trồng thanh long ruột trắng; riêng đối với thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản thì hợp tác xã đang hoàn tất hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng.
Sau khi được cấp mã số vùng trồng, Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát đã gặp thuận lợi hơn trong việc liên hệ với các khách hàng trong, ngoài nước để tìm đầu ra cho trái thanh long theo chuỗi cung cấp an toàn, bền vững, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho các xã viên cũng như nhà vườn trồng thanh long ở địa phương.
Đối với sầu riêng, Tiền Giang đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung ở các huyện, thị xã phía Tây của địa phương với khoảng 24.500ha sầu riêng ở huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy… Trong đó có 16.000ha đang cho thu hoạch cùng sản lượng trên 320.000 tấn trái/năm. Ông Ngô Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Địa bàn xã hiện có khoảng 2.000ha trồng sầu riêng. Cây sầu riêng hiện nay đang phát triển rất tốt vì phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Cụ thể là trong những năm qua, có những hộ thu hoạch trên 1ha trong một năm trên dưới khoảng 1 tỉ đồng. Về lâu dài, xã Mỹ Tân đã quy hoạch, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để làm mã số vùng trồng, có biện pháp canh tác phù hợp, theo hướng an toàn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất trái sầu riêng, phục vụ xuất khẩu lâu dài, bền vững.
Nhằm góp phần thúc đẩy ngành hàng trái cây của Tiền Giang xuất khẩu bền vững, Sở Công Thương tỉnh cùng các ngành chức năng đang chủ động đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản hàng hóa nói chung, mặt hàng trái cây nói riêng đi các nước, nhất là hướng đến thị trường Trung Quốc. Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần đặc biệt quan tâm tuân thủ quy trình canh tác sạch, an toàn theo hướng GAP, kiểm tra nghiêm ngặt các khâu sơ chế, bảo quản sau thu hoạch một cách khoa học, an toàn… Qua đó, tăng cường quản lý, nâng chất lượng nguồn nông sản xuất khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đáp ứng các tiêu chí cùng rào cản kỹ thuật từ phía các đối tác nhập khẩu, tạo tiền đề phát triển bền vững ngành Nông nghiệp địa phương.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Sở NN&MT đã tổ chức 2 Hội nghị “Phổ biến các quy định liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói và đề xuất giải pháp khắc phục, đảm bảo chất lượng trái cây tươi phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” với 160 lượt người tham dự. Đồng thời, trình UBND tỉnh dự thảo kế hoạch về triển khai công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2025. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tiền Giang đã cấp được 323 mã số đóng gói trái cây.
Phó Giám đốc Sở NN&MT tỉnh Tiền Giang - Trần Hoàng Nhật Nam trao đổi: Để việc cấp mã vùng trồng trái cây đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, tăng cường công tác thiết lập đăng ký, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói luôn được tỉnh quan tâm. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã cấp trên địa bàn tỉnh.
Sở NN&MT sẽ tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát duy trì các diện tích cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở rộng hoặc cấp mới mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu chính ngạch, tạo điều kiện cho ngành hàng trái cây xuất khẩu của địa phương phát triển một cách bền vững và căn cơ.
Bài, ảnh: HỮU CHÍ