24/04/2018 - 07:03

Tiêm chủng - chủ động phòng ngừa bệnh 

Trong 3 ngày đầu tháng, bất kể vào ngày nghỉ, ngày lễ, đồng loạt 85 trạm y tế trên địa bàn Cần Thơ thực hiện tiêm chủng mở rộng cho người dân. Việc tiêm chủng góp phần bảo vệ sức khỏe, thanh toán và phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em.

Duy trì thói quen tiêm chủng

Một ngày đầu tháng 4-2018, ghi nhận của PV tại Trạm y tế phường An Khánh, quận Ninh Kiều, từ sáng sớm đã có nhiều bậc cha mẹ đưa con đến trạm để tiêm ngừa. Chị Nguyễn Ngọc An Nhiên, ở khu vực 2, phường An Khánh, cho biết: “Con tôi được 4 tháng tuổi, hôm nay bé tiêm mũi 5 trong 1 (Quinvaxem). Lúc bé mới sinh đã tiêm viêm gan B, lao ở Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ. Khi tiêm xong các mũi chương trình mở rộng (tiêm miễn phí) ở trạm y tế, tôi cho bé tiêm thêm một số mũi tiêm dịch vụ ở Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ. Cả hai con của tôi đều tiêm phòng như vậy, nên ít bệnh tật”. Còn chị Thạch Thị Ánh Thơ, cũng ở phường An Khánh, đến ngày đầu tháng, chị đều đưa con đi tiêm chủng ở trạm y tế. Lịch tiêm chủng cố định nên vợ, chồng chị Thơ dễ dàng sắp xếp công việc.

Tiêm ngừa cho trẻ ở Trạm y tế An Khánh, quận Ninh Kiều. Ảnh: H.HOA
Tiêm ngừa cho trẻ ở Trạm y tế An Khánh, quận Ninh Kiều. Ảnh: H.HOA

Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết: “Chương trình tiêm chủng mở rộng ở TP Cần Thơ bắt đầu khoảng những năm 1980. Ban đầu, chương trình tiêm theo chiến dịch ở 3 tháng cuối năm. Sau đó, tiến dần đến tiêm thường xuyên ở tất cả các tháng trong năm. Lúc mới triển khai, cán bộ tiêm chủng đến từng cụm dân cư để tiêm, sau đó tiến dần đến tiêm chủng ở ấp, khu vực và tiến đến tiêm ở tất cả các trạm y tế xã, phường. Những năm gần đây, tiêm chủng ở Cần Thơ tổ chức tại trạm y tế với lịch cố định vào 3 ngày đầu tháng (hoặc 5 ngày với xã, phường có đông dân cư). Có khi lịch tiêm chủng rơi vào ngày lễ, ngày nghỉ, các trạm y tế cũng cố gắng thực hiện theo lịch cố định để duy trì thói quen cho người dân”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé Hiền, Trưởng Trạm Y tế phường An Khánh, trong 1 buổi, trạm chỉ tiêm 50 mũi để đảm bảo khám, tư vấn và tiêm an toàn cho người dân; đồng thời hạn chế tập trung đông, không để chờ đợi lâu. Trạm y tế cũng phân chia tiêm chủng theo ngày, ví dụ ngày 1 tiêm loại vắc- xin nào, khu vực nào cụ thể để ghi hẹn vào sổ tiêm ngừa của bé và thông báo tại trụ sở của trạm. Tất cả nhân viên của trạm đều được tập huấn và có chứng nhận tập huấn tiêm ngừa. Đến ngày tiêm, sáng sớm, trạm y tế cử cán bộ đến Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều để nhận vắc- xin (bảo quản bằng phích lạnh chuyên dụng) và đến chiều, nếu còn vắc- xin, sẽ trả lại cho Trung tâm để bảo quản trong dây chuyền lạnh. Trạm Y tế phường An Khánh tiến hành tiêm chủng cho cả khách vãng lai. Hiện nay, các trạm y tế có phần mềm tiêm chủng liên thông giữa các cơ sở y tế nên người dân không tiêm ở trạm y tế mà tiêm dịch vụ ở các cơ sở y tế khác thì trạm y tế vẫn nắm được để quản lý.

Bác sĩ Hà Thúc Nguyện, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, cho biết: “Trong ngày tiêm, Khoa phân công cán bộ giám sát các trạm y tế. Khi giám sát có phiếu giám sát cụ thể từng khâu, theo đúng quy trình của Bộ Y tế”. Việc giám sát này đảm bảo chất lượng tiêm chủng và hạn chế thấp nhất các biến chứng tiêm chủng.

Đảm bảo an toàn

Toàn tỉnh Hậu Giang trước đây và TP Cần Thơ hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm vắc- xin phòng 6 loại bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, lao) cho trẻ dưới 1 tuổi vào năm 1985. Đến năm 1987, bổ sung thêm vắc- xin phòng viêm gan siêu vi B, viêm não Nhật Bản, thương hàn và tả; năm 1997, đưa thêm vắc-xin HIB phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn HIB; và năm 2014, đưa thêm vắc-xin Rubella vào tiêm chủng mở rộng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết: “Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại bệnh cho trẻ dưới 1 tuổi hằng năm tại Cần Thơ luôn đạt trên 95% và trên 90% phụ nữ có thai được tiêm vắc- xin phòng uốn ván. Tiêm chủng là phương pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả tốt, ít tốn kém nhất trong các hoạt động y tế. Chương trình tiêm chủng đã góp phần thực hiện thành công việc chăm sóc sức khỏe trẻ em nói riêng và sức khỏe cộng đồng nói chung, đạt được các mục tiêu quan trọng, như: thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi, làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc, chết các bệnh ho gà, bạch hầu…”. 

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, đầu tháng 5-2018, Cần Thơ triển khai tiêm vắc- xin phòng bệnh sởi- rubella cho nhóm trẻ 18 tháng tuổi, các nhóm tuổi còn lại sẽ tiêm bổ sung sau. Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ đã nhận vắc-xin. Ngoài ra, dự kiến trong quý III và IV/2018, cùng với cả nước, Cần Thơ tiêm vắc-xin 5 trong 1 do Ấn Độ sản xuất (thay thế cho Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất) và bổ sung thêm 1 mũi tiêm phòng bệnh bại liệt cho trẻ 5 tháng tuổi.

Thách thức hiện nay của chương trình tiêm chủng mở rộng là giữ vững thành quả tiêm chủng trong bối cảnh một số phản ứng nặng sau tiêm, gây tâm lý lo ngại cho bà mẹ khi đưa trẻ đi tiêm và cả tâm lý dè dặt của cán bộ y tế khi chỉ định tiêm. Bên cạnh đó, tâm lý chờ vắc- xin dịch vụ làm cho trẻ tiêm trễ hoặc tiêm không đủ liều; tài trợ quốc tế giảm nhanh trong khi ngân sách từ Trung ương chưa đáp ứng được nhu cầu mua vắc- xin. Vì thế, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, cần tiếp tục tổ chức tốt, an toàn tuyệt đối trong tiêm chủng. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và địa phương cần tăng cường kinh phí cho tiêm chủng để bù đắp thiếu hụt do sự cắt giảm kinh phí của Trung ương, các tổ chức quốc tế.

H.HOA

Chia sẻ bài viết