13/10/2010 - 22:17

CÁC CẤP HỘI NÔNG DÂN THÀNH PHỐ

Tích cực hỗ trợ nông dân vươn lên khá, giàu

TP Cần Thơ đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng hiện nay tỉ trọng nông nghiệp vẫn còn cao trong cơ cấu kinh tế, với trên 124.000 nông hộ. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm đầu tư về nhiều mặt của Đảng và Nhà nước, các cấp Hội Nông dân (ND) thành phố đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp, tăng cường vận động, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, giúp nhiều nông hộ thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn...

Cách nay hơn 4 năm, ông Đặng Văn Quang, ở ấp Định Mỹ, xã Định Môn, huyện Thới Lai vẫn còn ở trong căn nhà xập xệ, do thu nhập từ 6 công ruộng không đủ chi tiêu cho gia đình có 6 miệng ăn. Ông Đặng Văn Quang cho biết: Một năm làm 2 vụ lúa, vất vả mà cũng chỉ đủ lúa ăn. Trong khi đó, cuộc sống còn nhiều thứ phải lo toan từ chuyện học hành của con, cháu, đến đám tiệc,... Chính vì vậy, 3 con trai của ông lần lượt rời quê, tha phương, làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm 2006, trong lúc gia đình đang khó khăn thì Hội ND xã Định Môn đến vận động ông gia nhập Hội. Không chỉ tận tình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, Hội còn bảo lãnh cho gia đình ông vay vốn 2 đợt với tổng số tiền là 11 triệu đồng. Ông Đặng Văn Quang kể: “Vào Hội ND, tôi được tham quan học tập nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trao đổi kinh nghiệm sản xuất,... Với số vốn được vay, tôi đắp bờ bao, lên luống toàn bộ 6 công ruộng để trồng dưa hấu. Ban đầu, vợ và các con tôi cũng lo lắng bởi trồng lúa tuy thu nhập thấp, nhưng còn có lúa để ăn, còn trồng dưa hấu, nếu không thành công, không biết bao giờ mới trả hết nợ cho Nhà nước... Nhờ cán bộ Hội ND ấp, xã tận tình giúp đỡ khoa học - kỹ thuật và chịu khó chăm sóc, vụ dưa hấu năm đó gia đình tôi “trúng đậm”, lời hơn 5,5 triệu đồng”. “Nghề dạy nghề”, việc sản xuất, kinh doanh của gia đình thêm thuận lợi, 3 đứa con của ông cũng quay trở về quê phụ ông trồng dưa hấu. Hiện nay, mỗi năm ông trồng 3 vụ dưa hấu, lãi khoảng 6-7 triệu đồng/vụ. Ông mới cất căn nhà khang trang trị giá trên 200 triệu đồng. Ông Đặng Văn Quang, tâm sự: “Tôi có được ngày hôm nay cũng nhờ các anh, em ở Hội ND ấp và xã nhiệt tình giúp đỡ. Trong quá trình trồng dưa hấu, nếu có vướng mắc gì về kỹ thuật, tôi liên hệ là được các anh Hội ND và Câu lạc bộ Khuyến nông chỉ dẫn tận tình”. Anh Huỳnh Thanh Tuấn, ở ấp Định Khánh C, xã Định Môn cũng là một trong nhiều hội viên được Hội ND hỗ trợ để có cuộc sống tốt hơn. Gia đình anh Thanh Tuấn tuy không thuộc diện hộ nghèo, nhưng thu nhập quanh năm chỉ dựa vào 2 vụ lúa, nên cũng không dư dả. Cách đây 5 năm, anh được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm do Hội ND tổ chức và áp dụng sản xuất trên chính khoảnh sân nhà anh. Anh Tuấn nói: “Ban đầu tôi chỉ định làm thử để cải thiện bữa ăn cho gia đình, nhưng thấy trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao nên mở rộng sản xuất để bán”. Hiện nay, mỗi năm anh trồng 3 vụ nấm rơm xen kẽ 3 vụ lúa. Theo anh Tuấn, trồng nấm rơm chỉ là nghề tay trái, kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Dù vậy, mỗi vụ anh cũng thu được khoảng 2-3 triệu đồng tiền lãi, đủ trang trải cho đám tiệc của gia đình và lo chuyện học hành của các con.

Trồng nấm rơm góp phần tăng thu nhập cho nông dân ngoài thành.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội ND xã Định Môn, cho biết: “Đi đôi với đẩy mạnh phát triển hội viên, xây dựng các chi hội vững mạnh, chúng tôi xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ nông dân sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất là một trong những nhiệm vụ chính của Hội ND xã”. Theo ông Trung, cách tuyên truyền, vận động nông dân hiệu quả nhất là chỉ cho nông hộ thấy được hiệu quả của các mô hình sản xuất phù hợp với tập quán, điều kiện của địa phương. Do đó, bên cạnh việc phối hợp với Hội ND, Trạm khuyến nông huyện để tổ chức tập huấn kỹ thuật, Hội ND xã thường xuyên tổ chức cho các Chi hội ND, các ấp và bà con nông dân tham quan, học tập các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài xã để bà con ứng dụng vào thực tế sản xuất. Ngoài ra, Hội ND xã còn tín chấp cho 570 hộ nông dân trong xã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm,... với tổng dư nợ tính đến cuối tháng 9-2010 lên tới 3,2 tỉ đồng. Hội ND xã cũng đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình để có sự hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, đối với hộ nghèo có đất thì hỗ trợ kỹ thuật, tín chấp cho hộ vay vốn, hoặc hỗ trợ cây, con giống; đối với các hộ thiếu đất sản xuất thì Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể khác lo đào tạo nghề, giải quyết việc làm;... Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, Hội ND xã đã góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của xã Định Môn từ 15,55% vào năm 2007 xuống còn 10,32% vào năm 2009. Năm 2010, dự kiến có thêm 70 hộ thoát nghèo.

Không chỉ phối hợp hỗ trợ các hội viên về khoa học- kỹ thuật, Hội ND thành phố còn quản lý các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Trong số đó có dự án “Nâng cao đời sống cho người dân tộc Khmer và dân nghèo vùng nông thôn Cần Thơ” (Dự án Trias), do Vương quốc Bỉ tài trợ. Dự án Trias nhằm hỗ trợ phát triển các hoạt động kinh doanh phi nông nghiệp; hoạt động khuyến nông, giúp nông dân tiết giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản; cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính hỗ trợ sản xuất... Ông Nguyễn Thành Khoa, nông dân ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Trước khi tham gia dự án Trias, tôi có đất sản xuất, nhưng vì thiếu kinh nghiệm và vốn đầu tư sản xuất, dẫn đến phải cầm cố đất trả nợ”. Năm 2004, tôi tham gia dự án Trias và được cho vay 7 triệu đồng, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Ngoài ra, thành viên Ban quản lý dự án Trias còn hướng dẫn lập sổ cân đối thu-chi tài chính của gia đình. Tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng 2 công màu với các loại cây trồng xen canh, như: Đậu đũa, khổ qua, dưa leo, bắp,... nên thu nhập của gia đình được cải thiện đáng kể”. Với nguồn thu nhập ổn định, 3 năm sau, ông Khoa đã chuộc lại được 5 công ruộng. Từ đó, hằng năm sau khi trừ chi phí gia đình ông còn lãi hàng chục triệu đồng. Gia đình bà Nguyễn Thị Sáu ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ cũng nhờ sự hỗ trợ của dự án Trias mà thoát nghèo. Trước năm 2004, gia đình bà là hộ nghèo có sổ ở xã, mọi chi tiêu trong nhà dựa vào 3 công ruộng. Sau đó, bà được dự án Trias hỗ trợ không hoàn lại 2,5 triệu đồng và chọn gia đình bà làm điểm trình diễn mô hình nuôi bò, trùn quế, cá. Bà cho biết: “Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Hội ND mà tôi biết cách thức chăm sóc, tiết kiệm chi phí nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn”. Dù thu nhập chưa cao nhưng với số tiền lãi khoảng 10 triệu đồng/năm, gia đình bà đã thoát nghèo...

Theo ông Mai Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội ND thành phố, trong những năm gần đây, Hội ND thành phố luôn chọn các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” làm phong trào trung tâm, nhằm góp phần đưa nông nghiệp phát triển toàn diện, tạo ra sản phẩm, chất lượng hàng hóa cao; giúp hội viên tăng thu nhập và lợi nhuận. Để thực hiện tốt phong trào này, Hội ND thành phố đã tập trung củng cố tổ chức Hội các cấp vững mạnh, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ Hội và thực hiện đổi mới, nội dung phương thức hoạt động theo hướng gần dân, vì dân. Ngoài ra, trong giai đoạn 2005-2009, các cấp Hội ND thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức gần 8.000 lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, đào tạo nghề, hội thảo đầu bờ, tham quan các mô hình thực tế,... cho gần 240.000 lượt cán bộ, hội viên. Ngoài ra, Hội ND các cấp còn phối hợp với các ngân hàng tín chấp cho nông dân vay vốn sản xuất. Tính đến cuối tháng 6-2010, toàn thành phố có 40.537 hộ nông dân được hỗ trợ từ các nguồn vốn vay ưu đãi với tổng dư nợ trên 303 tỉ đồng. Qua đó, việc sản xuất của người dân ngày càng hiệu quả hơn, trung bình hằng năm có khoảng 56% tổng số hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Khi cuộc sống no đủ hơn, thì phong trào tương trợ giúp nhau thoát nghèo tại các Chi, tổ hội cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Từ năm 2004 đến nay, các cấp Hội ND thành phố đã vận động hội viên giúp hàng chục ngàn cây, con giống các loại cho 9.537 lượt hộ nghèo. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp cũng đã vận động xây dựng, sửa chữa 1.363 km mặt cứng đường giao thông, 2.408 cây cầu bê tông, 1.123 nhà tình thương;... với kinh phí đóng góp trên 223,5 tỉ đồng. Những việc làm thiết thực của các cấp Hội ND thành phố đã góp phần củng cố thêm niềm tin của nông dân vào tổ chức Hội ND, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.

Theo ông Mai Văn Sáu, nhìn chung, đời sống nông dân đã có nhiều thay đổi, nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận nông dân vẫn còn khó khăn. Do đó, thời gian tới, Hội ND thành phố sẽ đẩy mạnh việc củng cố tổ chức Hội, liên kết chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công; tổ chức các dịch vụ nông nghiệp, cây con giống; hỗ trợ vốn vay; tăng cường dạy nghề, giải quyết việc làm; thực hiện tốt việc liên kết “bốn nhà”;... góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông dân.

QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết