26/06/2016 - 15:12

Tỉ phú từ mô hình sản xuất lúa giống

Đến khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, hỏi thăm ông Trần Thanh Liêm (tên thường gọi là Hai Liêm) sản xuất lúa giống, người dân khu vực ai cũng biết. Bằng sự cần cù và cách làm sáng tạo trong lao động, lão nông đã thành lập cơ sở sản xuất lúa giống Hai Liêm cung cấp trên 600 tấn lúa giống ra thị trường với doanh thu trên 5 tỉ đồng/năm. Với những thành công trong sản xuất nông nghiệp và cống hiến cho phong trào ở địa phương, năm 2015, ông Hai Liêm được Trung ương Hội Nông dân tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và được UBND thành phố tặng Bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2016".

Những năm qua, tình hình giá lúa hàng hóa bấp bênh theo kiểu "được mùa, mất giá", nhiều nông dân khu vực Lân Thạnh 2 chủ động chuyển đổi hướng canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Trong đó, mô hình sản xuất lúa giống của ông Hai Liêm bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hai Liêm cho biết: "Nhờ dự các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, tham dự các lớp IPM, kỹ năng chọn và nhân giống cộng đồng... do Trạm Khuyến nông quận Thốt Nốt tổ chức, tôi đứng ra tuyên truyền, vận động người dân thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, áp dụng một số chương trình canh tác trên cây lúa như "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng" để ứng dụng trồng lúa giống năng suất cao và cung ứng ra thị trường". Ông Hai Liêm kể lại, trước đây, gia đình có 1ha đất trồng lúa thương phẩm, hạn chế ứng dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2000 đến nay, ông Hai Liêm mạnh dạn chuyển sang trồng lúa giống. Công việc làm ăn thuận lợi, qua hơn 10 năm sản xuất, ông Hai Liêm đã tích cóp mua thêm 5 ha đất, nâng tổng diện tích sản xuất lúa gia đình lên 6 ha.

Ông Trần Thanh Liêm bên 6 ha sản xuất lúa giống của gia đình.

Là người nhạy bén trong kinh doanh, khi nhu cầu lúa giống ngày càng nhiều, diện tích đất sản xuất của gia đình không đủ đáp ứng thị trường, năm 2012, ông Hai Liêm thành lập cơ sở sản xuất lúa giống Hai Liêm và liên kết với nông dân sản xuất trên 50 ha lúa giống. Ông Hai Liêm, cho biết: "Kỹ thuật canh tác trồng lúa giống phức tạp hơn lúa hàng hóa. Nhờ cán bộ kỹ thuật theo sát, bà con nông dân không biết chỗ nào thì hỏi ngay. Trước khi xuống giống, chúng tôi được tập huấn từ khâu làm đất, gieo sạ. Đến ngày bón phân, phun thuốc trừ sâu có cán bộ kỹ thuật nhắc nhở, hướng dẫn trực tiếp". Ông Hồ Văn Tòng, thành viên cơ sở sản xuất lúa giống Hai Liêm, nói: "Từ khi trồng lúa giống cho cơ sở, bà con được bao tiêu sản phẩm và giá cao hơn thị trường từ 600 đến 1.000 đồng/1kg lúa". Hợp đồng với cơ sở, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa theo mô hình "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng" nên giảm chi phí đầu vào, năng suất và chất lượng được nâng cao.

Qua 6 năm đi vào hoạt động, đến nay cơ sở sản xuất lúa giống Hai Liêm đã đầu trên 1,5 tỉ đồng để xây dựng kho chứa hơn 700 tấn, 2 lò sấy lúa, 2 máy tách hạt và thiết bị đóng bao để hoàn thiện quy trình sản xuất lúa giống cung cấp ra thị trường. Hiện tại, cơ sở cung cấp các giống lúa chủ lực như: Jasmine, OM 4218, OM 5451... Trung bình, 1 kg lúa giống xác nhận có giá từ 8.000 đến 9.000 đồng. Hằng năm, cơ sở bán ra thị trường trên 600 tấn lúa giống, doanh thu trên 5 tỉ đồng/năm. Không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Hai Liêm còn giúp đỡ nhiều nông dân bằng cách bán lúa giống trả chậm không tính lãi, tận tình hỗ trợ về kỹ thuật. Nhờ đó, nhiều bà con nông dân và khách hàng gần xa khen ngợi cơ sở cung cấp lúa giống chất lượng cao và cách phục vụ rất nhiệt tình, chu đáo. Anh Trần Văn Thu, một người dân địa phương cho biết: "Nhờ anh Hai Liêm bán lúa giống trả chậm mà bà con giảm bớt phần khó khăn trong sản xuất. 3 năm nay tôi đều mua lúa giống trả chậm của anh Hai Liêm, vì giống ở đây nẩy mầm khỏe, nhẹ phân, ít sâu bệnh... cho năng suất cao. Mỗi khi có gút mắt về kỹ thuật, bà con trong khu vực thường đến nhà anh Hai Liêm nhờ giúp đỡ, anh chỉ dẫn tường tận cách chăm sóc, loại thuốc cần phun xịt...". Nhắc tới những lời khen tặng của bà con, ông Hai Liêm bộc bạch: "Tôi từng trải qua những năm tháng nghèo khó nên rất hiểu tâm trạng lo lắng của bà con, hễ làm được gì cho bà con là mình làm ngay. Đây cũng là cách làm của riêng tôi trong quá trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ".

Ông Võ Văn Nhạn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Trung Kiên, cho biết: "Cơ sở sản xuất lúa giống của anh Hai Liêm đã giải quyết việc làm cho 15 lao động làm việc quanh năm và hàng chục nhân công làm việc theo thời vụ tại địa phương. Anh Hai Liêm còn là mạnh thường quân tích cực trong nhiều phong trào của địa phương, từ đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình thương, đến giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Bên cạnh làm kinh tế giỏi, anh Hai Liêm còn giúp nhiều nông dân khấm khá lên nhờ mô hình sản xuất lúa giống. Anh là một trong những tấm gương nông dân điển hình trong Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Bài, ảnh: THANH THƯ

Chia sẻ bài viết