25/02/2018 - 09:24

Thượng tướng Trần Văn Quang và nghĩa tình sâu nặng với Nam bộ 

Thượng tướng Trần Văn Quang là nhà cách mạng thuộc thế hệ tiền phong, từng sát cánh với các lãnh tụ từ những ngày đầu của cuộc cách mạng. Ông cũng là một trong những vị tướng trực tiếp chỉ huy Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Thượng tướng Trần Văn Quang.
Thượng tướng Trần Văn Quang.

Cuộc gặp gỡ bí mật Tổng Bí thư ở ga xép và lần đầu Nam tiến

Tháng 6-1938, ông Trần Văn Quang được Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ cử vào Sài Gòn. Theo lệnh, ông lên ga xe lửa Quán Hành ở Nghi Lộc gặp một cán bộ cao cấp từ Hà Nội vào. Đúng giờ hẹn, ông lên ga xép Quán Hành. Tàu lửa chỉ dừng lại vài phút. Người mà ông gặp, được biết tên là Lễ, đưa cho ông một chiếc vali đen, dặn nhỏ rằng khi vào Sài Gòn, đến nhà một thợ giặt ủi ở số 27 đường Quai de Belgique, nay là Chương Dương, gặp ông Ba Tri đưa giúp vali. Ba tuần sau ông Trần Văn Quang lên đường vào Nam. Đi xích lô tới điểm hẹn, ông giao vali tài liệu, được ông Ba Tri đưa đến nhà ông Năm thợ may ở ngã năm Chợ Lớn. Ông Lễ đã chờ sẵn ở đây và đặt bí danh cho ông Trần Văn Quang là Bảy Tiến, nhờ giúp một số công việc văn thư. Sau đó, ông Lễ viết thư giới thiệu ông Quang gặp chị Ba Bắc Kỳ để nhận nhiệm vụ Thành ủy viên Sài Gòn - Chợ Lớn, hoạt động trong phong trào công nhân. Năm đó vị Thượng tướng tương lai 21 tuổi.

Theo lời ông Lễ, bà Ba Bắc Kỳ là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Khi gặp ông Quang, bà đã nhận ra người quen cũ, vì bà là bạn học ở Vinh cùng với chị dâu của ông là bà Trần Thị Liên - vợ ông Trần Văn Cung. Ông Trần Văn Quang nhớ lại: “Tôi hay đi gặp gỡ anh em công nhân vào buổi tối. Ai hỏi thì tôi nói mình làm thợ điện. Lúc ấy, chị Ba Bắc Kỳ ở tận dưới Hóc Môn, vài tháng mới gặp nhau trong một cuộc họp, còn chỉ gặp bí mật thoáng qua. Dù vậy tình cảm chị em rất khắn khít”.

Ở tuổi đôi mươi, ông Trần Văn Quang hoạt động năng nổ trong phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn và lần lượt được tiếp xúc với các nhà cách mạng Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… mà khi ấy ông chỉ biết bí danh. “Tháng 10-1939, tôi được phân công về Nghệ An đón ông Lễ tại ga Quán Hành nhằm đánh lạc hướng mật thám, để sau đó ông Lễ tiếp tục ra Bắc. Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt giam, thì qua anh Võ Văn Tần - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, tôi mới biết đó chính là ông Lễ”. Thượng tướng Trần Văn Quang nói thêm: “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thông minh, năng động, quyết đoán và dễ gần. Tôi được anh giao chép tay bản Tình hình và nhiệm vụ, như một chỉ thị cho công tác Đảng. Tài liệu quan trọng này được anh đọc và sửa chữa rất kỹ. Nội dung Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 3 năm 1938 mà anh chủ trì, cũng như những vấn đề nêu ra trong tác phẩm Tự chỉ trích do anh viết sát đúng với thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi về gửi cho Đảng vào cuối tháng 7-1939”.

Nghĩa tình sâu nặng với Nam bộ

Về sau ông Trần Văn Quang mới biết bà Ba Bắc Kỳ tên thật là Nguyễn Thị Minh Khai, vợ của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong bấy giờ về hoạt động ở Sài Gòn.

Tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Thượng tướng Trần Văn Quang diễn tả lại với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về công tác chỉ huy trận đánh “chấn động địa cầu”, khi hai lão tướng về thăm lại chiến trường xưa năm 2004. Ảnh: TL

Tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Thượng tướng Trần Văn Quang diễn tả lại với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về công tác chỉ huy trận đánh “chấn động địa cầu”, khi hai lão tướng về thăm lại chiến trường xưa năm 2004. Ảnh: TL

Ông Quang nhớ lại, bà Nguyễn Thị Minh Khai đưa ông cùng các ông Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Linh… lên Bà Điểm gặp một cán bộ cao cấp ở nước ngoài về. Vị cán bộ này được giới thiệu là La Anh, nói chuyện rất hay về tình hình trong nước và thế giới. Ông nói: “Về sau tôi mới biết La Anh là Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, đã về nước từ cuối năm 1937. Sau khi anh Nguyễn Văn Cừ ra Bắc, anh Lê Hồng Phong đã chủ trì công tác Đảng trong Nam. Tôi được anh Lê Hồng Phong đề nghị trở về Nghệ An công tác. Nhưng khi tôi chưa kịp đi thì đã nghe tin anh bị bắt vào tháng 6-1939, do một đảng viên phản bội. Lúc đó tôi cũng mới biết chị Nguyễn Thị Minh Khai là vợ anh Lê Hồng Phong, đang mang bầu sắp sinh cháu Lê Hồng Minh. Hết hạn 6 tháng tù ở Sài Gòn, anh bị thực dân Pháp đưa về Nghệ An quản thúc, rồi bị bắt trở lại với án 5 năm tù đày ra Côn Đảo và hy sinh. Tôi có gặp lại anh một lần nữa ở nhà lao Vinh khi tôi cũng bị bắt giam ở đây”.

Cuối năm 1939, sau khi ông Lê Hồng Phong bị bắt, ông Lê Duẩn, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ đã được điều vào làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn triệu tập ông Trần Văn Quang đến gặp ông Lê Duẩn tại một địa điểm bí mật. Ông cho hay: “Anh Lê Duẩn hỏi về tình hình quần chúng ở địa bàn do tôi phụ trách. Tôi báo cáo: Thưa anh, ở đó tất cả quần chúng là của Đảng. Anh Lê Duẩn nhìn thẳng vào tôi chỉnh ngay: Đảng là của quần chúng chứ sao lại nói quần chúng là của Đảng”.

Lần thứ hai ông trở lại miền Nam khi đất nước bị chia cắt làm đôi. Đó là cuối năm 1961, Phó Tổng tham mưu trưởng Trần Văn Quang được cử làm Trưởng đoàn, cùng Chính ủy Trần Nam Trung - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, dẫn đầu đoàn cán bộ Phương Đông 1 bí mật vượt Trường Sơn hành quân vào căn cứ Tây Ninh ở miền Đông Nam bộ. Khi đó ông mang quân hàm Thiếu tướng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa III, được chỉ định tham gia Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, phụ trách quân sự, được xem là Tư lệnh đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam.

25 ngày đánh chiếm thành phố Huế

Thời chống Pháp, ông Trần Văn Quang đang là Chính ủy Liên khu 4 đã được cử vào làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Phân khu Bình Trị Thiên mới thành lập, thì sang thời đánh Mỹ giữa lúc ông đang là Tư lệnh Quân khu 4 lại được Bộ Tổng tư lệnh điều động vượt giới tuyến vào làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên cũng vừa thành lập, đồng thời còn giữ chức Bí thư Quân khu ủy, Bí thư Khu ủy. Ông nắm trọng trách cao nhất về chính trị lẫn quân sự của quân khu từ năm 1966 đến năm 1973.

Thời kỳ Thượng tướng Trần Văn Quang chỉ huy Quân khu Trị Thiên, một trong những chiến dịch lớn là Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Lúc bấy giờ Trị Thiên - Huế là hướng tấn công chiến lược trọng yếu thứ hai toàn miền Nam, được tổ chức thành hai chiến trường. Từ phía Nam Quảng Trị trở vào là chiến trường chiến tranh nhân dân địa phương của Quân khu Trị Thiên - B4. Mặt trận đường 9 - B5 là chiến trường tác chiến của quân chủ lực Bộ Tổng tư lệnh. Thượng tướng Trần Văn Quang cho biết: “Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho quân và dân Trị Thiên là tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt, tiêu diệt và làm chủ các căn cứ, vị trí quan trọng của địch, đánh chiếm thành phố Huế. Đồng thời phải chia cắt các trục đường giao thông, đánh chiếm sân bay, bến cảng và thành lập chính quyền cách mạng ở các địa phương. Trong khi đó, Mặt trận đường 9 thu hút và tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mỹ, khi có điều kiện thì phá vỡ tuyến phòng thủ McNamara để mở đường phát triển về hướng Nam. Cả B4 và B5 luôn phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau”.

Tư lệnh Trần Văn Quang lúc ấy mang quân hàm Thiếu tướng nắm quyền chỉ đạo chung toàn quân khu. Riêng cuộc tấn công mục tiêu chính là thành phố Huế đã thành lập một Ban Chỉ huy trực tiếp. Vào lúc 2 giờ 33 phút ngày 31-1-1968, pháo binh quân giải phóng đồng loạt bắn phá các mục tiêu của địch, mở đầu cho hai cánh quân ở phía Bắc - tả ngạn và phía Nam - hữu ngạn sông Hương cùng tấn công đánh chiếm 40 mục tiêu trong và ngoại thành Huế.

Gần 2 tháng tác chiến tạo thế, nghi binh và 25 ngày đêm chiếm giữ thành phố Huế xuân 1968, quân giải phóng đã chiến đấu quả cảm. Qua cơn choáng váng, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã nhanh chóng tổ chức lại lực lượng, phản kích ác liệt, nhiều vùng giải phóng bị đối phương tái chiếm. Ông Trần Văn Quang cho rằng: “Những khó khăn ấy không thể xóa được ý nghĩa và thành quả thắng lợi của Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Thực tế chiến trường đã chứng minh là chỉ một thời gian sau đó quân ta đã lấy lại được thế trận chủ động, giáng cho địch nhiều thất bại liên tiếp trong mùa khô năm 1971-1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris tháng 1 năm 1973, chấp nhận rút quân về nước”.

Thượng tướng Trần Văn Quang, bí danh Bảy Tiến, tên thật Trần Thúc Kính, sinh năm 1917 ở xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một đại gia đình trí thức yêu nước. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, thời chống Pháp làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Tiếp phòng quân, Chính ủy Quân khu 4, Tư lệnh kiêm Chính ủy Phân khu Bình Trị Thiên, Chính ủy Đại đoàn 304 trước khi về Bộ Tổng tư lệnh làm Cục trưởng Địch vận, rồi Cục trưởng Cục Tác chiến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng là một trong những vị tướng có mặt sớm nhất ở chiến trường Nam bộ thời kỳ đầu đánh Mỹ, với tư cách Phó Tổng tham mưu trưởng vào làm Ủy viên Trung ương Cục chuyên trách quân sự, rồi trở ra làm Tư lệnh Quân khu 4, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên. Từ năm 1978 đến 1981, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Văn Quang đã được cử sang làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Binh đoàn 678 Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào giúp nước bạn. Khi đã ở giữa tuổi thất thập, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong suốt 10 năm. Thượng tướng Trần Văn Quang được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng và nhiều huân huy chương cao quý khác. Ông từ trần vào ngày 3-11-2013 tại Hà Nội.

PHAN HOÀNG

Chia sẻ bài viết