12/11/2017 - 09:24

Thương hiệu công nghiệp giải trí Hàn Quốc 

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển, có thương hiệu đặc trưng. Đồng thời là đại diện hiếm hoi của châu Á vang danh quốc tế ở cả ba lĩnh vực truyền hình, điện ảnh, âm nhạc.

Sức hút của màn ảnh nhỏ

Trong hơn 30 năm qua, phim truyền hình Hàn Quốc không chỉ tạo chỗ đứng vững chắc ở châu Á, mà còn đang tấn công các thị trường Âu Mỹ. Những phim: “Love in the Moonlight”, “Descendants of the Sun”, “Guardian: The Lonely and Great God”… chiếm sóng ở các quốc gia: Mỹ, Brazil, Singapore, Hy Lạp, Trung Quốc, Sri Lanka, Anh… Cụ thể, phim truyền hình “Guardian: The Lonely and Great God” (lên sóng từ tháng 12-2016 đến cuối tháng 1-2017) có doanh thu 14 tỉ won từ tiền tác quyền. Đây là doanh thu lớn nhất mọi thời đại được xác lập trong lịch sử làm phim truyền hình của Hàn Quốc. Rating (tỷ suất người xem) quốc tế của phim đạt 18,68%, trở thành phim có rating quốc tế cao thứ hai của phim truyền hình Hàn, chỉ sau “Reply 1988” (2015-2016) với rating 18,8%.

“Guardian: The Lonely and Great God”.

Sự thành công của phim truyền hình Hàn còn ở tầm ảnh hưởng văn hóa. Tháng 2 vừa qua, KOCCA- Cục Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, đã đưa ra báo cáo nghiên cứu người xem phim Hàn ở Mỹ. Trong đó, cho thấy rằng hơn phân nửa người xem phim Hàn ở Mỹ coi trọng nội dung phim hơn các yếu tố khác (chiếm 52% trong tổng số trên 4.750 người được khảo sát), 35,7% ưu tiên diễn viên. Kết quả tương tự cũng được đưa ra sau cuộc khảo sát đối với người xem phim Hàn ở Brazil. Điều này cho thấy, kịch bản là yếu tố quyết định thành công của phim.

Quá trình phát triển phim truyền hình Hàn Quốc cho thấy nội dung đề tài luôn thay đổi: Từ những chuyện tình đẫm nước mắt, tình cảm gia đình đến những phim hài hước, có đề tài mở rộng về quân nhân, viễn tưởng, huyền ảo… Sự sáng tạo, không ngừng đổi mới trong kịch bản đã giúp phim Hàn ngày càng lan tỏa mạnh trên thị trường quốc tế. Ông Kwon Ho-young- nhà nghiên cứu tại KOCCA, cho rằng: “Để phát triển nền công nghiệp làm phim, việc nuôi dưỡng những tài năng biên kịch là điều bắt buộc. Các biên  kịch phải có góc nhìn sắc sảo, nhận ra những vấn đề xã hội đương đại để viết nên chuyện phim độc đáo”.

Những ông lớn trong nền công nghiệp giải trí Hàn đã sớm có những chương trình lựa chọn và đầu tư riêng dành cho biên kịch. Một công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc gần đây đã đầu tư 13 tỉ won để hỗ trợ các tài năng biên kịch trẻ từ nay cho tới năm 2020. Đơn vị này mở một trung tâm để đào tạo các biên kịch trẻ. Tại Hàn, biên kịch được xem trọng và mức lương có tỷ lệ tương đương với diễn viên ngôi sao. Đây là chuyện hiếm trong nền công nghiệp giải trí quốc tế.

Điện ảnh vươn tầm quốc tế

Những năm gần đây, điện ảnh Hàn Quốc đột phá, vượt lên cả Trung Quốc, Nhật Bản; để được danh xưng “con rồng” mới của điện ảnh châu Á. Xuất hiện liên tục tại các kỳ Liên hoan phim (LHP) quốc tế Cannes, Venice, Berlin, Toronto…, điện ảnh Hàn mang đến những thước phim nghệ thuật đậm bản sắc xứ sở kim chi. Lịch sử điện ảnh Hàn đã từng ghi nhận nhiều chiến thắng quốc tế. “Painted fire” (2002) của Im Kwon Taek chiến thắng Đạo diễn xuất sắc nhất ở LHP Cannes. Park Chan Wook ghi dấu với Giải thưởng lớn cho bộ phim “Oldboy” (2004) và giải của Ban giám khảo cho phim “Thirst” (2009) tại LHP Canne. Đạo diễn Lee Chang Dong chiến thắng Kịch bản xuất sắc nhất với “Poetry” (2010) tại LHP Cannes, Giải thưởng đặc biệt dành cho đạo diễn với “Oasis” (2002) tại LHP Venice. Kim Ki Duk được trao Sư tử vàng tại LHP Venice với “Pietà” (2012), Nhãn quan độc đáo tại LHP Cannes với “Arirang” (2011), còn “Samaritan Girl” (2004) mang về giải Gấu bạc Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Berlin.

Sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Hàn khiến quốc tế nể phục. Đơn cử “The Handmaiden” (2016) của đạo diễn Park Chan Wook, với đề tài tình cảm đồng tính nữ, đã nhận vô số lời khen từ các nhà chuyên môn tại LHP Cannes 2016. Phim không chỉ có đề cử Cành cọ vàng mà còn mang về trên 38 triệu USD doanh thu phòng vé trên toàn cầu. Đây còn là phim Hàn Quốc bán bản quyền phát hành nhiều nhất khi xuất khẩu sang hơn 170 quốc gia. Mới đây, “A Taxi Driver” (2017) của đạo diễn Jang Hoon đã phá hàng loạt kỷ lục phòng vé ở Hàn và cũng vừa chiến thắng Phim xuất sắc nhất tại LHP châu Á, trở thành đại diện của Hàn tranh đề cử Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar 2018.

Điện ảnh Hàn còn gây chú ý ở các kỳ hội chợ điện ảnh quốc tế, trở thành một trong những đối tác được săn đón nhiều nhất. “Along with the Gods: The Two Worlds” đã được 12 công ty phát hành phim tham quan Chợ phim châu Á tại LHP Busan mua quyền phát hành. Đại diện từ Lotte Entertainment- đơn vị phát hành “Along with the Gods: The Two Worlds”, cho biết: “Sau khi xem 12 phút trích đoạn của phim, phản ứng của mọi người rất tích cực. Họ nhận xét phim sáng tạo trong dàn dựng và hình ảnh”. Trong khi đó, “The Fortress” với sự tham gia của ngôi sao Lee Byung Hun, cũng đã thu hút 28 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Nhật, Singapore… mua bản quyền.

Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều cơ chế và chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện để phát triển công nghiệp giải trí, trong đó phải kể đến sự ra đời Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (The Korean Film Council- KOFIC). KOFIC huy động vốn, nghiên cứu, hỗ trợ quảng bá, tổ chức các liên hoan phim, tìm nhà đầu tư và đưa các dự án phim Hàn đến các kỳ hội chợ quốc tế.

Con đường định hình thương hiệu của nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc có sự hỗ trợ kịp thời từ chính phủ, doanh nghiệp và nỗ lực, tài năng của những người làm nghệ thuật.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Koreatimes, Inaglobal, Hollywoodreporter) 

Chia sẻ bài viết