10/02/2019 - 10:46

Thương chiến Mỹ - Trung: Khó đoán! 

Cho rằng tình trạng thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ với các nước là biểu hiện quyền lực xứ cờ hoa suy giảm, Tổng thống Donald Trump đã liên tiếp tung đòn thuế nhập khẩu đối với nhiều nước, khơi mào cuộc chiến thương mại toàn cầu năm 2018.

Theo ông Trump, nhiều nước trên thế giới trong đó có Trung Quốc đã hành xử không công bằng với Mỹ, như đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ, công nghệ của người Mỹ, trợ cấp các ngành công nghiệp và bán phá giá sản phẩm. Và thuế nhập khẩu đã được nhà lãnh đạo này áp dụng để trừng phạt hoặc buộc các nước nhượng bộ, nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm lượng thâm hụt khổng lồ của Mỹ.

Hàng Trung Quốc ngày càng khó vào thị trường Mỹ.  Ảnh: AFP

Hàng Trung Quốc ngày càng khó vào thị trường Mỹ.  Ảnh: AFP

Tăng thuế nhập khẩu với cả đối thủ lẫn  đối tác

Đầu tiên, ông Trump áp thuế nhập khẩu lên pin năng lượng Mặt trời và máy giặt, sau đó áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm từ hàng loạt quốc gia, kể cả các đồng minh như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Các nền kinh tế này cũng đáp trả bằng cách áp thuế nhập khẩu lên hàng Mỹ.

Riêng với Trung Quốc (quốc gia thặng dư thương mại 375 tỉ USD với Mỹ năm 2017), Washington áp thuế những 3 lần lên số hàng hóa có tổng trị giá 250 tỉ USD và Tổng thống Trump nhiều lần đe dọa tăng thêm thuế với 267 tỉ USD hàng hóa còn lại, tức tương đương toàn bộ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ. Trung Quốc cũng đánh thuế trả đũa với 110 tỉ USD hàng Mỹ.

Trong lịch sử, Mỹ từng xung đột thương mại với nhiều quốc gia. Cuộc chiến thương mại nổi bật nhất thế kỷ 20 được kích hoạt bởi luật thuế Smoot-Hawley năm 1930, ảnh hưởng tới hơn 20.000 mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Dẫn đầu bởi Canada, các đối tác thương mại trả đũa khiến xuất khẩu của Mỹ giảm 61% giai đoạn 1929-1933. Luật thuế trên được bãi bỏ năm 1934. Vào năm 1981, khi làn sóng ô tô giá rẻ của Nhật Bản nổi lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hãng xe trong nước, Mỹ đã ép đối thủ ký thỏa thuận Tự nguyện hạn chế xuất khẩu. Trong thập kỷ tiếp theo, quan hệ hai bên xấu dần vì căng thẳng thuế quan đối với xe máy, thiết bị bán dẫn và hàng điện tử. Năm 2002, Mỹ áp thuế từ 8-30% lên hàng nhập khẩu từ 19 nước (so với mức 0-1% trước đó) nhằm vực dậy ngành thép trong nước. Nhưng động thái này lại khiến Mỹ mất thêm nhiều việc làm và còn bị châu Âu trả đũa lên mặt hàng cam xuất khẩu.

Hiện nay, mặc dù chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng chưa gây ra hậu quả rõ ràng, song cuộc “quyết đấu” giữa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đơn phương với chủ nghĩa đa phương, toàn cầu hóa kinh tế... đang đe dọa kinh tế thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 chỉ đạt 4,2%, thấp hơn gần 1% so với dự báo trước đó và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2019.

Nỗ lực thoát khỏi “bóng ma” bảo hộ mậu dịch

Trong nỗ lực đấu tranh chống chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch đang trỗi dậy, đồng thời duy trì chủ nghĩa đa phương cũng như thương mại tự do trong khu vực và trên thế giới, nhiều nước đã chủ động nâng cấp, ký kết hoặc đẩy nhanh tiến độ đàm phán các thỏa thuận song phương.

Sau 5 năm đàm phán, EU và Nhật Bản đã chính thức ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) vào tháng 7, tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Phát biểu sau khi ký hiệp định, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nêu rõ: “Chúng tôi gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi cùng phản đối chủ nghĩa bảo hộ”. Đến tháng 10, EU lại ký FTA với Singapore và đây là hiệp định thương mại đầu tiên giữa EU với một nước thành viên ASEAN. Trong khi đó, Singapore và Trung Quốc cũng quyết định nâng cấp thỏa thuận thương mại tự do, qua đó phát đi tín hiệu cam kết ủng hộ tự do hóa kinh tế…

Tuy phẫn nộ trước quyết định tăng thuế của Mỹ, nhưng các đối tác như EU, Canada, Mexico đều nỗ lực tìm kiếm giải pháp giảm thiểu “thương vong” do chiến tranh thương mại. Cụ thể, EU đã tìm cách đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại mới, trong khi Canada và Mexico buộc phải ngồi lại đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi sau khi ông Trump dọa rút khỏi cơ chế này. Kết quả, Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) thay cho NAFTA đã được ba nước ký kết vào cuối năm và được ông Trump ca ngợi là “tất cả các bên đều có lợi”.

Thỏa thuận USMCA có lợi cho Mỹ và phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm cô lập kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Global News

Thỏa thuận USMCA có lợi cho Mỹ và phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm cô lập kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Global News

Về đâu thương chiến Mỹ-Trung?

USMCA có một điều khoản đặc biệt gọi là “điều khoản thuốc độc”, theo đó cho phép ngăn chặn bất cứ thỏa thuận thương mại tự do nào giữa Mỹ-Mexico-Canada với một “nền kinh tế phi thị trường”, như Trung Quốc. Theo Reuters, điều khoản này phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm cô lập Bắc Kinh về mặt kinh tế, đồng thời ngăn khả năng các công ty của Trung Quốc sử dụng Canada và Mexico làm “cửa sau” để đưa hàng miễn thuế vào Mỹ.

Theo New York Times, USMCA quan trọng ở chỗ nó cho thấy ông Trump đang giải quyết một cách có hệ thống những tranh chấp thương mại do mình phát động để tập trung vào xử lý đối thủ duy nhất: Trung Quốc. Theo đó, Mỹ đã ký thỏa thuận thương mại sửa đổi với Hàn Quốc, nhất trí với Nhật Bản về việc tiến hành đàm phán FTA song phương. “Washington thấy không thể chiến thắng tất cả các cuộc chiến nên họ dàn xếp đa số những tranh chấp và tập trung vào Trung Quốc” - ông Gary Clyde Hufbauer, một chuyên gia về thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.

Về phía Bắc Kinh, tuy chê trách chính sách đơn phương và bảo hộ mậu dịch của Mỹ, song lãnh đạo nước này từng nhiều lần tuyên bố muốn đàm phán với Washington trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi để tìm ra lối thoát cho cuộc chiến hiện tại.

Xung đột thương mại Mỹ-Trung được cho tạm lắng sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt “thỏa thuận đình chiến” 90 ngày bên lề Thượng đỉnh G20 ở Argentina vào đầu tháng 12. Theo đó, Mỹ không tăng thuế từ 10% lên 25% với hơn 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1-1-2019 như dự định, đổi lại, Trung Quốc đồng ý “giảm và loại bỏ” một số loại thuế dưới mức 40% mà Bắc Kinh hiện đang áp dụng cho xe ô tô nhập từ Mỹ. Trong thời gian “đình chiến”, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiến hành đàm phán xung quanh các vấn đề chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, an ninh mạng, dịch vụ và nông nghiệp.

Dù vậy, giới phân tích nhận định hai nước khó mà dàn xếp ổn thỏa mọi bất đồng trong vòng 3 tháng, đặc biệt sau vụ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Mỹ để điều tra việc Huawei vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Các chuyên gia cho rằng ông Trump đang có ý mở rộng thương chiến sang mặt trận mới là công nghệ, một lĩnh vực rất quan trọng bởi hàng điện tử và linh kiện chiếm phần lớn trong danh mục hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, trong bối cảnh Washington muốn kìm hãm chiến lược phát triển với trọng tâm thúc đẩy công nghệ cao mang tên “Made in China 2025” của Bắc Kinh.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết