08/12/2007 - 22:19

Xung quanh vụ một số lãnh đạo xã Trường Xuân A (huyện Cờ Đỏ) sai phạm trong điều hành ngân sách

Thượng bất chính, hạ tắc loạn

Thời gian qua, nhiều người dân có đơn phản ánh về tình trạng lãnh đạo xã Trường Xuân A (huyện Cờ Đỏ) lợi dụng chức quyền chỉ đạo cấp dưới làm khống chứng từ để thanh toán nợ bên ngoài sai nguyên tắc; lấy tiền lương của cán bộ để chi sử dụng vào mục đích khác, không đúng quy định pháp luật. Vì những việc làm sai trái đó, mới đây, Chủ tịch và một Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân A đã bị xử lý kỷ luật.

CẤP, PHÁT LƯƠNG CHO CÁN BỘ KHÔNG ĐẦY ĐỦ, KỊP THỜI!

Khoảng tháng 6-2007, ông Nguyễn Trọng Cần, nguyên Kế toán Ngân sách xã Trường Xuân A, có tường trình gởi đến các cơ quan chức năng phản ánh: Trong 2 năm (2005 và 2006), bà Nguyễn Thị Lý Duyên, Thủ quỹ Ngân sách xã đã lạm dụng tiền lương (hơn 30 triệu đồng) của cán bộ, với hình thức là rút tiền ở Kho bạc Nhà nước huyện về, nhưng lại không chi trả cho cán bộ đầy đủ mà tự ý giữ lại để chi xài cá nhân.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 2 năm (2005 và 2006), tổng số tiền chưa có ký nhận trên bảng lương chính hơn 40 triệu đồng (trong đó, năm 2005 là 32.220.000 đồng và năm 2006 là 7.791.000 đồng). Số tiền này bao gồm tiền truy lãnh trợ cấp sinh hoạt phí đoàn thể của 10 ấp trong xã như: Trung Thành; Trung Hóa; Thới Thanh A; Thanh Bình; Trường Ninh; Trường Ninh 1; Trường Ninh 2; Trường Thuận; Trường Khương A và Trường Khương B. Mỗi ấp có 7 cán bộ phụ trách công tác đoàn thể gồm: Mặt trận Tổ quốc; Nông dân; Phụ nữ; Thanh niên; Cựu chiến binh; Chữ thập đỏ và Hội người cao tuổi. Số tiền chênh lệch được truy lãnh thấp nhất là 50.000 đồng/tháng và cao nhất là 270.000 đồng/tháng/người. Tổng số tiền truy lãnh 2 tháng trợ cấp sinh hoạt phí đoàn thể ở 10 ấp là: 13.400.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay nhiều cán bộ đoàn thể ở các ấp vẫn chưa nhận được số tiền truy lãnh này?Vì sao như vậy?

Bà Nguyễn Thị Lý Duyên lý giải: “Hàng tháng, do tập hợp bảng lương chính giao cho kế toán để báo cáo quyết toán và do một số cán bộ ở ấp xa không đến nhận lương kịp. Do đó, khi cán bộ đến nhận lương thì thủ quỹ cho ký nhận vào bảng lương phôtô hoặc là ký nhận vào sổ tay”.

Qua kiểm tra sổ sách kế toán và xác minh thực tế, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Cờ Đỏ kết luận: Do công tác quản lý chi ngân sách chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, để cho cán bộ thủ quỹ bà Nguyễn Thị Lý Duyên, trong 2 năm (2005 và 2006) không cấp lương đầy đủ cho cán bộ, với tổng số tiền là 28.196.000 đồng. UBND xã Trường Xuân A chỉ đạo sử dụng số tiền trên chi tạm ứng cho các ngành là 14.506.000 đồng; số còn lại 13.690.000 đồng, theo bà Nguyễn Thị Lý Duyên tường trình với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện là đã cấp đủ, nhưng do sai sót trong khâu ký nhận. Tuy nhiên, khi làm việc với UBKT Huyện ủy Cờ Đỏ, bà Nguyễn Thị Lý Duyên lại cho rằng: Số tiền 13.690.000 đồng UBND xã chỉ đạo giữ lại để dành chi tạm ứng cho các ngành khi có lý do đột xuất. Hiện, số tiền trên bà còn đang giữ.

KÊ KHỐNG CHỨNG TỪ VÀ NGƯỜI ĐƯỢC HƯỞNG LƯƠNG

Cuối năm 2006, do cán bộ Tài chính - Kế toán, ông Nguyễn Trọng Cần không thanh toán chứng từ kịp thời với Kho bạc Nhà nước huyện Cờ Đỏ, tiền hoạt động phí tháng 12-2006 không rút được. Vì thế, chứng từ của các ban ngành đã tồn đọng. Lợi dụng lúc này, ông Lê Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân A, chỉ đạo cho ông Trần Việt Cường, Cán bộ Văn phòng Thống kê và ông Hồ Chí Tính, Cán bộ Giao thông thủy lợi của xã làm khống chứng từ để thanh toán, với số tiền là 9.972.000 đồng. Tuy nhiên, vụ việc bị phát hiện kịp thời nên số chứng từ trên vẫn chưa chi.

Sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Đầu năm 2005, có chủ trương mỗi ấp có thêm một chức danh công an viên, với mức phụ cấp sinh hoạt phí là 260.000 đồng/tháng. Thế là, trong danh sách lương do UBND xã lập, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2005 lại xuất hiện nhiều công an viên “hữu danh, vô thực” ở các ấp như: Trường Khương A; Trường Ninh; Trường Ninh 2; Trung Thành và ấp Thanh Bình,... Điển hình như trường hợp của ông Trương Hoàng Nam, từ tháng 1 đến tháng 5-2005, có tên trong danh sách hưởng lương hàng tháng. Thế nhưng, trên thực tế, ông Nam không một ngày làm công an ở ấp Trường Ninh.

NGUỒN THU ĐỂ NGOÀI NGÂN SÁCH!

Khoảng tháng 11-2006, Ban Quản lý Dự án 419 (thuộc tiểu dự án thuộc dự án Ô Môn - Xà No) thi công cống Cây Cang, tháo dỡ cây cầu cũ nên có hợp đồng với ông Trần Việt Cường, Cán bộ Văn phòng Thống kê, đại diện UBND xã Trường Xuân A đưa đò qua lại. Sau đó, ông Trần Việt Cường, đại diện UBND xã tiếp tục ký hợp đồng thuê bà Lê Kim Hạnh (ở ấp Trường Khương A) đưa đò. Nhưng bà Hạnh không tổ chức đưa đò mà chỉ nối 2 chiếc trẹt qua con kinh (rộng khoảng 10m), rồi lót ván phía trên, để người và phương tiện lưu thông qua lại.

Theo kết luận của UBKT Huyện ủy Cờ Đỏ, Ban Quản lý Dự án 419 ký hợp đồng đưa đò với UBND xã Trường Xuân A, mỗi tháng 15 triệu đồng. Sau đó, UBND xã ký hợp đồng thuê lại bà Lê Kim Hạnh, mỗi tháng 10 triệu đồng. 5 triệu đồng chênh lệch, UBND xã Trường Xuân A hưởng (được tính từ ngày 20-11-2006 đến tháng 5-2007 là 7 tháng). Như vậy, UBND xã được hưởng số tiền chênh lệch, để ngoài ngân sách là 35 triệu đồng. Số tiền chênh lệch này Ban Chấp hành Đảng bộ xã tự chi cho các ngành trực Tết mà không nộp vào ngân sách Nhà nước là sai nguyên tắc.

KẾT QUẢ XỬ LÝ

Theo UBKT Huyện ủy, nguyên nhân của những sai phạm là do trong việc điều hành ngân sách, UBND xã thiếu kiểm tra chặt chẽ để cho cán bộ làm khống chứng từ và sau đó, Thường trực có cuộc họp đồng ý cho thanh toán. UBND xã điều hành ngân sách xã không đúng quy định, đã sử dụng tiền lương của cán bộ để chi cho các nội dung khác. Từ đó, dẫn đến việc thủ quỹ xã cấp lương không đầy đủ, kịp thời cho cán bộ trong 2 năm qua... Đồng chí Chiêm Hồng Tâm, Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Cờ Đỏ, kiến nghị: “UBND xã phải thu số tiền tạm ứng từ tiền lương chưa cấp và tiếp tục chi cho cán bộ chưa nhận, với số tiền còn lại là 14.506.000 đồng. Thu hồi 35 triệu đồng từ nguồn chênh lệch bến đò đưa vào ngân sách Nhà nước, do thu và chi sai nguyên tắc. UBKT Huyện ủy cũng đề nghị có hình thức kỷ luật đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã; buộc bà Nguyễn Thị Lý Duyên phải nộp trả số tiền lương của cán bộ trong năm 2005, 2006 chưa chi là: 13.690.000 đồng về ngân sách xã. Đồng thời, Đảng ủy - UBND xã phải có hình thức kỷ luật thích đáng đối với bà Nguyễn Thị Lý Duyên do vi phạm trong việc quản lý tiền mặt ngân sách Nhà nước”.

Ông Lê Văn Phấn, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân A, cho biết: “Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cờ Đỏ đã ban hành 2 quyết định kỷ luật Đảng, với hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Giữ, Chủ tịch UBND xã và ông Lê Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân A. Về chính quyền, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cũng đã ký 2 quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với 2 ông Nguyễn Văn Giữ và ông Lê Tuấn Nhân. Riêng, trường hợp bà Nguyễn Thị Lý Duyên, chúng tôi cũng đã có hình thức xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Chúng tôi xem đây là một bài học để rút kinh nghiệm về sau”.

Từ khi thực hiện Luật Ngân sách năm 2002 đến nay, việc quản lý thu, chi ngân sách đã được chấn chỉnh, đưa vào nề nếp, nhưng ở một số nơi, cán bộ quản lý vẫn cố tình vi phạm để tùy tiện chi xài sai mục đích, cần phải được xử lý nghiêm. Dư luận cho rằng lãnh đạo xã Trường Xuân A không thể đổ lỗi cho việc thiếu hiểu biết về công tác quản lý điều hành, dẫn đến sai sót mà đây là tình trạng “thượng bất nghiêm, hạ tắc loạn”: Cấp trên không gương mẫu, cấp dưới làm càn. Thiết nghĩ, đây cũng là bài học không chỉ riêng cho lãnh đạo xã Trường Xuân A.

NHÓM PV XH - PL

Chia sẻ bài viết