13/09/2017 - 14:36

Thung lũng Silicon trước sức hút của công nghệ “truyền máu trẻ” 

Từ các kết quả thí nghiệm khả quan về liệu pháp “thay máu” trên động vật, giới lãnh đạo tại Thung lũng Silicon của Mỹ không ngần ngại chi hàng tỉ USD đầu tư cho lĩnh vực được kỳ vọng sẽ làm chậm hoặc đảo ngược quá trình lão hóa, thậm chí cải thiện khả năng bất tử ở con người.

Hai tỉ phú Peter Thiel và Jeff Bezos là những người tiên phong đầu tư vào công nghệ trẻ hóa con người.

Công cuộc tìm kiếm “suối nguồn tươi trẻ” của các ông chủ tập đoàn công nghệ Mỹ vốn dựa trên kỹ thuật parabiosis – truyền huyết tương từ máu người trẻ cho người già nhằm đảo ngược tiến trình lão hóa. Liệu pháp này đã được thử nghiệm lần đầu hồi những năm 1950, nhưng gần đây gây chú ý trở lại sau khi các thí nghiệm trên động vật cho thấy nó giúp đảo ngược dấu hiệu lão hóa.

Chẳng hạn, nghiên cứu của Đại học Cambridge hồi năm 2012 cho thấy việc truyền máu từ chuột trẻ có thể “cải tạo” lớp vỏ myelin – màng bọc bảo vệ sợi thần kinh trong vỏ não và tủy sống, giúp chống lại bệnh đa xơ cứng (MS) ở chuột già.

Nhưng nghiên cứu của Đại học Harvard công bố năm 2014 mới thực sự gây chú ý, sau khi họ phát hiện chuột già được tiêm huyết tương chiết tách từ máu chuột trẻ đã cải thiện trí nhớ và khả năng học hỏi. Ngược lại, chuột trẻ được tiêm huyết tương từ chuột già đã xuất hiện u bướu nhỏ.

Cộng đồng khoa học càng bất ngờ hơn với kết quả từ nghiên cứu của Ambrosia – một công ty mới khởi nghiệp ở California do bác sĩ Jesse Karmazin sáng lập. Các chuyên gia ở đây phát hiện kỹ thuật truyền máu trẻ đã làm nồng độ các kháng nguyên tiềm ẩn nguy cơ ung thư giảm khoảng 20%, khiến nồng độ amyloid – prôtêin liên quan đến ung thư và chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer), cũng giảm.

Theo bác sĩ Karmazin, huyết tương của người trẻ giàu prôtêin giúp cải thiện chức năng của tế bào, đồng thời thúc đẩy sản sinh loại prôtêin này trong cơ thể người nhận. Hiện tại, Ambrosia bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền huyết tương cho những người trên 35 tuổi với mức giá khoảng 8.000 USD cho mỗi gói trị liệu gồm 2 lít huyết tương. Nguồn huyết tương này chủ yếu lấy từ những người trẻ từ 16-25 tuổi. Đến nay, công ty đã có 600 khách hàng độ tuổi trung bình 60 đăng ký tham gia.

Nắm bắt xu hướng này, nhiều “đại gia” ở Thung lũng Silicon đổ xô chi hàng tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu “công nghệ trẻ hóa” ở người. Trong khi đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg góp 3 tỉ USD tài trợ cho các nghiên cứu y học hướng tới mục tiêu chữa khỏi tất cả các bệnh vào cuối thế kỷ này, các ông chủ khác của làng công nghệ đặt ra tham vọng lớn hơn, đó là hướng tới liệu pháp “cải lão hoàn đồng”, thậm chí gia tăng khả năng bất tử.

 Một trong những tỉ phú đầu tiên hứng thú với liệu pháp parabiosis là nhà đồng sáng lập Paypal – Peter Thiel, người đã đầu tư vào công ty Ambrosia từ năm ngoái. Cùng lấn sân sang lĩnh vực này còn có tỉ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Amazon.

“Ông trùm” lĩnh vực bán hàng trực tuyến đang đổ tiền vào công ty Unity chuyên nghiên cứu công nghệ ngăn chặn lão hóa bằng cách thanh lọc tế bào già nua của cơ thể. Tính đến tháng 10-2016, Unity đã huy động được gần 116 triệu USD vốn đầu tư. Một nhân vật “cộm cán” khác tại Thung lũng Silicon là Larry Ellison - đồng sáng lập tập đoàn phần mềm Oracle cũng đang rót vốn cho các công ty khởi nghiệp chuyên nghiên cứu “công nghệ trẻ hóa”.

Với việc tham gia lễ ra mắt Trung tâm nghiên cứu Grand Challenge in Health Longevity thuộc Viện hàn lâm Y học Quốc gia (NAM) hồi tháng 5, đồng sáng lập Google, Sergey Brin, đã chính thức bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu giúp kéo dài tuổi thọ con người.

Đến nay, NAM đã đầu tư gần 25 triệu USD cho các nghiên cứu với hy vọng chấm dứt sự lão hóa. Nhưng mạnh tay nhất phải kể đến Google, đơn vị đã đầu tư tới 1 tỉ USD cho dự án nghiên cứu giải pháp đảo ngược quá trình lão hóa ở người thông qua công ty con California Life Company (Calico). 

ĐƯỜNG THẤT (Theo Daily Mail, CNBC)

Chia sẻ bài viết