Quản lý thị trường BÐS và phát triển nhà ở xã hội luôn là những vấn đề trọng tâm, cấp bách được Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhận thức rõ tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, TP Cần Thơ luôn nỗ lực thực thi chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường BÐS và phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để thúc đẩy thị trường bất động sản (BÐS) phát triển lành mạnh, bền vững, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc phát triển nhà ở xã hội, thành phố rất cần sự chung tay hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Dự án chung cư nhà ở xã hội Hồng Loan 5C.
Cơ hội đan xen thách thức
Trong giai đoạn 2015-2023, thị trường BÐS Cần Thơ đã có những bước phát triển vượt bậc. Nguồn cung sản phẩm nhà ở ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng. Nhiều dự án được triển khai, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và thu hút vốn đầu tư vào thành phố. Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện khá đồng bộ và vận dụng linh hoạt có hiệu quả cơ chế, chính sách và giải pháp của Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy thị trường BÐS phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững. Về phát triển nhà ở xã hội, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan đã được các cấp, các ngành của thành phố triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Trong giai đoạn này, thành phố đã chấp thuận đầu tư 38 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Trong đó, 11 dự án đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh với 1.358 sản phẩm bất động sản, góp phần tạo thêm nguồn cung nhà ở đa dạng cho người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã và đang triển khai 7 dự án nhà ở xã hội với tổng số 3.531 căn hộ, đạt 86,12% chỉ tiêu của đề án “Ðầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Theo ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, bên cạnh những kết quả đạt được các dự án BÐS trên địa bàn thành phố được triển khai thực hiện từ hơn 20 năm trở lại đây, phần lớn các dự án quy mô nhỏ, một số dự án triển khai kéo dài qua các thời kỳ, qua nhiều giai đoạn khác nhau. Cần Thơ tuy là trung tâm vùng nhưng thời gian dài thiếu tính kết nối với cả nước, khó khăn về hạ tầng đường bộ, hàng không, hệ thống cảng biển, do điều kiện địa chất nên hạn chế trong phát triển các dự án giao thông và công nghiệp. Các dự án đô thị thiếu hạ tầng kết nối lớn, khó thu hút nhà đầu tư lớn. Ðặc thù sản phẩm BÐS ở TP Cần Thơ là nhà ở riêng lẻ, phân khúc đất nền hấp thụ tốt nhất. Sản phẩm các dự án được tiêu thụ gần hết nhưng tỷ lệ xây dựng, lấp đầy về nhà ở ở các dự án chưa cao. Giai đoạn 2015-2023, với những vướng mắc chung về quy định của Luật Ðầu tư, Luật Ðất đai, Luật nhà ở, TP Cần Thơ cũng như các tỉnh khác trong cả nước khó triển khai các dự án về nhà ở, khu đô thị như mong muốn và kế hoạch đề ra. Các quy định pháp luật trong giai đoạn này còn có sự chồng chéo, vướng mắc ảnh hưởng đến các dự án đầu tư. Do đó, cần có giải pháp tập trung tháo gỡ pháp lý cho dự án BÐS, dự án nhà ở để tăng nguồn cung trong thời gian tới...
Gỡ điểm nghẽn cơ chế, chính sách
Mới đây, đoàn công tác số 3 thuộc Ðoàn Giám sát của Quốc hội đã đến làm việc với TP Cần Thơ về “Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BÐS (BÐS) và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. TP Cần Thơ cũng kiến nghị Ðoàn Giám sát xem xét, thống nhất báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc để đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý giữa lĩnh vực đất đai và xây dựng, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án nhà ở thương mại, hướng dẫn sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung thuộc dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, ban hành chính sách hỗ trợ cho phép các dự án trước đây quyết định chủ trương đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ðầu tư 2014 được tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định của Luật Ðất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BÐS 2023 và các quy định pháp luật khác có liên quan để sớm hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án theo quy định…
Ðồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ chia sẻ: Những năm qua, TP Cần Thơ không có dự án mới trên lĩnh vực BÐS. Ðây cũng là vấn đề băn khoăn của lãnh đạo thành phố. Trong đó có các vấn đề vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật. Hy vọng là khi các Luật mới ban hành sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, góp phần giúp TP Cần Thơ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Hiện nay một số dự án thành phố đang tập trung rà soát pháp lý và giao cho Ban Cán sự Ðảng UBND thành phố nghiên cứu đề xuất và có hướng xử lý. Ðối với những dự án đầy đủ pháp lý cho phép tiếp tục triển khai dự án. Một số dự án còn vướng những thủ tục pháp lý đơn giản phải có hướng tháo gỡ để tiếp tục thực hiện. Ðối với các dự án lựa chọn chỉ định nhà đầu tư liên quan đến khâu xác định giá trị đất để thực hiện các dự án thương mại quy mô lớn, giá trị cao, các địa phương cũng còn lúng túng cần được hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ cho các địa phương. Vì vậy mong Ðoàn giám sát quan tâm đề xuất tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để góp phần vào quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa cho TP Cần Thơ. Riêng về chương trình phát triển nhà ở xã hội, thành phố sẽ cố gắng đảm bảo chỉ tiêu Chính phủ giao, trên cơ sở đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư thực hiện thủ tục pháp lý, chọn lựa người thụ hưởng, kết nối với ngân hàng để giải ngân kịp thời.
Ðồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát, Trưởng đoàn công tác số 3, ghi nhận và đánh giá cao TP Cần Thơ khi quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường BÐS và nhà ở xã hội tương đối đầy đủ. Ðồng thời, yêu cầu TP Cần Thơ cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật để kiến nghị những nội dung vượt thẩm quyền và ban hành các quy định để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố. Nghiên cứu ban hành Nghị quyết, Kết luận, quyết định thuộc thẩm quyền của địa phương để tháo gỡ những vấn đề khó khăn. Tăng cường cải cách hành chính, thủ tục hành chính, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực thi công vụ, không để xảy ra tâm lý e ngại, né tránh, quyết liệt giải quyết các vấn đề vướng mắc. Ðối với các ý kiến của TP Cần Thơ, đoàn giám sát của Quốc hội sẽ ghi nhận, báo cáo Quốc hội xem xét nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BÐS và phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Ðối với những vấn đề vướng mắc liên quan đến các bộ, ngành, cần có sự quan tâm hỗ trợ tháo gỡ cho TP Cần Thơ nói riêng và các địa phương trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN