16/04/2010 - 08:36

Phiên họp 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12

Thực phẩm biến đối gien phải được ghi rõ "Biến đổi gien"

Chiều 15-4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khoá 12 tiếp tục chương trình phiên họp 30, cho ý kiến vào Dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và Luật an toàn thực phẩm.

UBTVQH cơ bản nhất trí với tên gọi của dự thảo Luật là “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả” và phạm vi điều chỉnh của Luật như quy định trong Điều 1 của dự thảo Luật. Theo đó, “Luật này quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.

Các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung vào tính khả thi của luật và những điều khoản liên quan đến “phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật, nhưng bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của Luật sau khi ban hành. Theo các đại biểu, phạm vi điều chỉnh của Luật quá rộng, gây khó khăn cho quá trình lập pháp và thực thi luật pháp trên thực tế. Điều 41 quy định về “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” cũng không nhận được sự đồng thuận khi các đại biểu cho rằng, Chương trình tuy rất cần thiết những chỉ là hoạt động hành pháp, thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Đặng Vũ Minh cho rằng , “năng lượng tái tạo” là một lĩnh vực chuyên môn hoàn toàn mới, có tính đặc thù so với các loại năng lượng truyền thống, năng lượng đang sử dụng, vì thế nên được điều chỉnh bằng một Luật riêng.

Về dự thảo Luật An toàn thực phẩm, các thành viên UBTVQH đặc biệt quan tâm đến các điều khoản trong Dự luật liên quan đến “thực phẩm biến đổi gien”. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, hiện nay vẫn chưa kết luận khoa học nào cho rằng thực phẩm biến đổi gien gây tác hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, nhưng không thể phủ nhận về mối quan ngại của xã hội đối với loại thực phẩm mới này. Trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật có những bước tiến bộ vượt bậc, việc đưa những quy định về “thực phẩm biến đổi gien” vào trong Luật là rất cần thiết, thể hiện tính dự báo, đảm bảo tính lâu dài của Luật trong đời sống. Đại biểu Mai cho rằng, Luật cần quy định các loại thực phẩm biến đổi gien phải được ghi rõ trên nhãn dòng chữ “Biến đổi gien” và Chính phủ quy định cụ thể việc ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gien, lộ trình thực hiện, loại thực phẩm biến đổi gien và mức tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gien. Ý kiến của bà Mai đã nhận được sự đồng tình của các thành viên UBTVQH về vấn đề này.

Theo các thành viên UBTVQH, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ còn phổ biến, liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng triệu hộ gia đình. Vì thế, để phù hợp với điều kiện thực tiễn và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật quy định việc quản lý an toàn thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, quy mô nhỏ lẻ được thực hiện theo quy định của Bộ chủ quản chuyên ngành, UBND cấp tỉnh. Qua thảo luận, thành viên UBTVQH cũng nhất trí về ý kiến quy định trong Luật rằng Thanh tra về an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra về an toàn thực phẩm được thực hiện theo luật Thanh tra.

XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết