08/03/2024 - 08:40

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp thành phố 

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đã có nhiều đổi mới và không ngừng phát triển. Giá trị sản xuất và thu nhập của nhiều hộ dân trên cùng một diện tích đất canh tác đã nâng cao nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả...

Cây ăn trái được trồng tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Chuyển biến tích cực

Dù đất phục vụ sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm, nhưng năng suất và sản lượng lúa và nhiều loại cây trồng vật nuôi vẫn tăng. Ngành Nông nghiệp thành phố đã quan tâm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa lớn và nhân rộng các mô hình hiệu quả, nhất là mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các loại nông sản. Chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và có giá trị cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thành phố có hơn 114.160ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó hiện có 75.000ha đất canh tác lúa, 25.000ha trồng cây ăn trái, hơn 1.700ha trồng rau màu và 10.000ha nuôi trồng thủy sản... Trong giai đoạn từ 2021-2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố đạt mức tăng bình quân 2,81%, riêng trong năm 2023 đạt mức tăng 3,22%, đây cũng là mức tăng cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Thành phố đã phát triển được 140 cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, với diện tích 36.000ha, trong đó có 1.100ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung chuyên canh với diện tích khoảng 12.000ha, với nhiều loại cây ăn trái có giá trị cao (như sầu riêng, nhãn, vú sữa, xoài...), trong đó có 600ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh vùng nuôi cá tra có diện tích trên 900ha, thành phố từng bước phát triển các vùng chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung quy mô lớn...

Dù vậy việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nguyên nhân do tác động của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và xu hướng tiêu dùng mới đòi hỏi chất lượng nông sản ngày càng cao và phải minh bạch trong sản xuất, cũng như đòi hỏi sản xuất phải có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Ða phần các hộ dân có diện tích đất sản xuất ít và chưa liên kết chặt với nhau và với các bên liên quan nên việc sản xuất nhiều loại cây trồng vật nuôi còn manh mún nhỏ lẻ, khâu bảo quản chế biến sản phẩm còn yếu, giá trị gia tăng còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp TP Cần Thơ còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...

Cần phát triển dịch vụ nông nghiệp

Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cao thu nhập cho nông dân, nhiều ý kiến cho rằng, tới đây ngành Nông nghiệp thành phố và các cơ quan chức năng cần quan tâm có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra. Ðồng thời, cần tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số và đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Ðặc biệt, cần chú ý phát triển sản xuất giống và các dịch vụ nông nghiệp, cũng như phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản để nâng cao giá trị gia tăng. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế từng địa phương gắn với phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả và chuyển bớt lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp...

Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho rằng: "Cần Thơ cần ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Tập trung phát triển các dịch vụ trong nông nghiệp, nhất là dịch vụ về giống để cung ứng cho cả vùng ÐBSCL. Ðồng thời, thu hút đầu tư, phát triển các nhà máy chế biến nông sản, cũng như các đơn vị, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ, công nghệ phục vụ cho ngành Nông nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng cao. Chú ý phát triển nông nghiệp gắn với du lịch".

Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, Cần Thơ được định hướng, quy hoạch trở thành trung tâm thương mại dịch vụ của vùng ÐBSCL. Hơn nữa, thành phố cũng không có nhiều đất phục vụ sản xuất nông nghiệp như nhiều địa phương khác ở ÐBSCL. Do vậy, Cần Thơ cần ưu tiên các diện tích đất để làm dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao và các dịch vụ khác, qua đó giúp nâng cao được thu nhập cho người dân. Ðồng thời, cần soát xét lại các vùng sản xuất nông sản tập trung để tạo gắn kết chặt giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đặc biệt là đưa sản phẩm đi xuất khẩu để đảm bảo có giá cả đầu ra tốt.

Mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đã có buổi làm việc với Ban cán sự Ðảng UBND TP Cần Thơ cùng Ban Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ và các sở, ngành hữu quan về lĩnh vực phát triển nông nghiệp của thành phố. Qua trao đổi, làm rõ các kết quả và những khó khăn, hạn chế còn tồn tại nhằm kịp thời tháo gỡ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp thành phố và nâng cao đời sống người dân. Ðồng chí Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu Ban cán sự Ðảng UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ và các sở, ngành chức năng kịp thời nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp nhằm tạo "đòn bẩy", thúc đẩy sự chuyển đổi, phát triển nông nghiệp của thành phố. Tăng cường phối hợp các viện, trường và đơn vị có liên quan để sớm đưa Cần Thơ trở thành "trung tâm" về giống của vùng ÐBSCL. Xây dựng thương hiệu cho lúa gạo và các loại nông sản của Cần Thơ để tạo giá trị gia tăng cao. Kết nối giữa ngân hàng với các doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy và tạo điều kiện để trên địa bàn thành phố ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các nhà máy chế biến nông sản. Mặt khác, tiếp tục quan tâm phát triển sản phẩm OCOP. Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp. Sớm có website chuyên về quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Cần Thơ...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết