15/10/2017 - 16:20

Thúc đẩy phát triển hệ thống logistics 

Phát triển dịch vụ logistics trở thành một yêu cầu tất yếu nhằm đưa hàng hóa đến nơi tiêu thụ với thời gian nhanh nhất, chi phí rẻ nhất. Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và góp phần thúc đẩy phát triển chung cho vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đang nỗ lực phát triển hệ thống dịch vụ logistics, kết nối với các địa phương trong vùng.

Tại TP Cần Thơ, hiện bước đầu đã có một số doanh nghiệp tham gia đầu tư làm ăn khá hiệu quả trong lĩnh vực logistics. Trong ảnh: Hàng hóa được đưa vào container  để chở đi xuất khẩu tại Tân Cảng Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. 

 

Còn “điểm nghẽn”

Ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế đóng vai trò quan trọng trong phát triển mạng lưới logistics của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hoạt động logistics tại thành phố nói riêng và cả vùng nói chung trong giai đoạn  đầu  của phát triển, chưa phát huy đầy đủ vai trò góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

Hệ thống hạ tầng giao thông và logistics của TP Cần Thơ còn tồn tại nhiều yếu kém. Nhiều cầu giao thông vượt sông rạch có độ tĩnh không thấp, trong khi các luồng sông dẫn vào các cảng thường xuyên bị bồi lắng phù sa, gây nhiều khó khăn cho vận tải thủy và rất tốn kém chi phí nạo vét. Các tuyến đường thủy cần tiếp tục được đầu tư  xây dựng để hoàn chỉnh theo Quy hoạch và phục vụ tốt việc vận chuyển hàng hóa.

Hiện TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL cũng chưa có hệ thống đường sắt. Sân bay quốc tế Cần Thơ chưa khai thác  hết công suất và còn rất ít tuyến bay. Hệ thống quốc lộ, đường giao thông qua địa bàn thành phố và hệ thống giao thông đường bộ  kết nối vùng đang dần được hoàn thiện theo quy hoạch, nhưng vẫn chưa đồng bộ. Nhiều cầu giao thông có tải trọng thấp, không đảm bảo cho vận hàng hàng hóa bằng xe container. Nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng phải trung chuyển qua các cảng ở TP Hồ Chí Minh (Cát Lái) và Bà Rịa Vũng Tàu (Cái Mép-Thị Vải) tốn thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa của vùng.

Một cản ngại nữa là nhận thức về logistics,  ứng dụng quản trị logistics, chuỗi cung ứng của nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế và chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Mặt khác, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố có quy mô còn nhỏ và còn thiếu sự gắn kết với nhau. Công tác thu hút đầu tư phát triển logistics của thành phố cũng còn chậm và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ông Nguyễn  Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ, cho biết: “Đã có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu và muốn đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Cần Thơ. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, định hướng, quy hoạch phát triển cụ thể, các địa phương khó mời gọi đầu tư, thúc đẩy thực hiện các dự án”. 

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, huyện có nhiều tiềm năng để phát triển các dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu mua bán, vận chuyển trái cây, lúa gạo và nhiều loại hàng hóa khác. Đã có nhiều doanh nghiệp đến địa bàn huyện đầu tư các kho chứa hàng rất lớn, nhất là cặp theo tuyến quốc lộ 61C. Tuy nhiên, hệ thống giao thông của huyện kết nối với các tuyến quốc lộ chưa đồng bộ, nhiều cầu giao thông có tải trọng thấp, không đảm bảo cho xe tải và xe container từ vài chục tấn lưu thông, nên chưa tạo được hấp lực lớn thu hút đầu tư quy mô lớn hơn.

Để phát huy lợi thế

Hiện nay, TP Cần Thơ có các điều kiện thuận lợi cả về vị trí địa lý tự nhiên và về mặt pháp lý để phát triển logistics. Vấn đề đặt ra là thành phố cần phải xây dựng các kế hoạch cụ thể  để phối hợp tốt giữa các bên liên quan và kịp thời nắm bắt thời cơ mời gọi đầu tư.

Để tạo thuận lợi phát triển logistics, thành phố cần tập trung đẩy nhanh hoàn thiện các kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, kết nối đồng bộ với các địa phương trong vùng ĐBSCL và cả nước. Phát huy hiệu quả khai thác sân bay Cần Thơ và kết nối các cụm cảng, khu công nghiệp, khu đô thị. Nhanh chóng xây dựng hoàn thành các tuyến đường và cầu giao thông tạo kết nối tốt theo cả trục dọc và trục ngang, tạo thuận lợi cho giao thông và vận chuyển hàng hóa.

 Theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg, ngày 3-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tại ĐBSCL có 2 trung tâm logistics hạng 2 đi vào hoạt động. Trong đó, một trung tâm logistics có quy mô tối thiểu 30ha vào năm 2020 và phát triển 70ha vào năm 2030 phục vụ TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau. Thời gian qua, các bộ ngành Trung ương  và địa phương vùng ĐBSCL thống nhất cao việc quy hoạch một trung tâm logistics hạng 2 tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ, với quy mô 74ha. Để đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư, UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Công thương xin điều chỉnh quy mô dự án xây dựng trung tâm logistics hạng 2 tại Cần Thơ từ  74ha lên 242,2ha và  đã được đồng ý.

Trên thực tế, thành phố cũng đã và đang triển khai xây dựng nhiều tuyến đường kết nối quan trọng như: đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đoạn từ Mỹ Khánh đến phong Điền, đường vành đai sân bay Cần Thơ kết nối đường Võ Văn Kiệt đến đường Lê Hồng Phong… Đến nay, tất cả 85 xã, phường thị trấn của thành phố đã có đường ô tô đến trung tâm và nhiều cầu giao thông đang được đầu tư nâng cấp tải trọng…

Ông Trịnh Ngọc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Giao Thông Vận tải TP Cần Thơ, cho biết: “Về đường bộ, hiện thành phố đã có nhiếu tuyến giao thông  kết nối với các cảng và các tỉnh trong vùng, đảm bảo xe container có thể lưu thông như: tuyến Quang Trung-Cái Cui và Nam Sông Hậu, quốc lộ 61C, quốc lộ 1A, quốc lộ 91 B, quốc lộ 80…Đường thủy cũng được đầu tư, nâng cấp cho tàu trọng tải lớn 20 ngàn tấn có thể lưu thông. Đường hàng không dự kiến tối đây sẽ mở thêm nhiều đường bay trong nước và quốc tế. Hiện Bộ GTVT cũng đã có quy hoạch phát triển đường sắt cho TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.”

Để phát triển logistics, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam yêu cầu Sở Công thương thành phố  chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, trình UBND thành phố xem xét thông qua để triển khai ngay. Sở Công thương nên có một nghiên cứu hết sức nghiêm túc, lắng nghe ý kiến các sở ngành, quận huyện, đơn vị có liên quan để xác định các công việc cần làm để hàng hóa đưa tới các cảng và nơi tiêu thụ nhanh nhất, với chi phí rẻ nhất. Ngoài việc nghiên cứu, thu hút đầu tư, phát triển trung tâm logistics cấp vùng tại quận Cái Răng, cần xem xét, quy hoạch phát triển các khu, cụm logistics phục vụ cho các quận, huyện, tránh tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư phát triển theo kiểu tự phát, dàn trải, thiếu sự kết nối với nhau.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG 

Chia sẻ bài viết