13/01/2014 - 21:21

Thức dậy Cồn Sơn…

Phó trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy Nguyễn Ngọc Vinh kể: "Hôm Cồn Sơn có điện, ở bến đò Cô Bắc thật vui. Bà con Cồn Sơn mua quạt máy, ti-vi, bếp điện… đủ thứ. Người kể con mua cho cái ti-vi màu thứ "xịn". Người nói có điện là mừng quá rồi, dù chỉ xài ti-vi trắng đen, cũng chịu… Tôi có thể hình dung bối cảnh lúc ấy. Bởi, đã từng đến Cồn Sơn một lần độ hai chục năm qua, nay tin Cồn Sơn có điện cũng khiến lòng tôi vui không kém người Cồn Sơn "chính hiệu"…

CHUYỆN KÉO ĐƯỜNG ĐIỆN NGẦM

Anh Võ Văn Tho (phải) và người kỹ thuật viên K+. 

Ông Nguyễn Ngọc Út, Trưởng phòng tổ chức Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (SOUTHVINA), hồi tưởng: Hưởng ứng chủ trương vận động xã hội hóa của TP Cần Thơ và quận Bình Thủy, với quyết tâm đưa điện về Cồn Sơn vừa phục vụ việc sản xuất của công ty, vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội ở Cồn Sơn, giữa tháng 10-2012, SOUTHVINA làm lễ khởi công kéo đường điện ngầm qua Cồn Sơn. Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 75 ngày, song cuối cùng thì sau 14 tháng thi công, dòng điện mới sáng bừng trên mảnh đất Cồn Sơn, làm òa vỡ niềm vui của không chỉ riêng bà con nơi đây, mà hầu như của tất cả mọi người quan tâm vùng đất này!

Trong quá trình thực hiện, nhà thầu thi công (Cty liên danh THIBIDI - DELTATECH) gồm 2 đơn vị: một phụ trách khoan đường ngầm; một lắp điện trên bờ. Việc "trên bờ" chẳng có gì trục trặc, hoàn thành đúng tiến độ. Còn việc "dưới nước" phải đương đầu 21 sự cố trong lòng đất (lại nằm dưới đáy sông), dẫn đến nhiều hệ lụy, tới nỗi có lúc công trình nằm ỳ 3-4 tháng liền, tưởng phải "thay ngựa giữa dòng". Từ công đoạn khoan đường hầm, bị vướng chướng ngại vật, đã 2-3 lần gãy mũi khoan. Mỗi lần như thế phải rút mũi khoan về, tính toán, tìm đường hầm mới, lại vướng… nhà thầu phải "bỏ đó", đi học hỏi, nghiên cứu cách xử lý! Đến công đoạn kéo ống sắt, rồi luồn ống nhựa trong lòng ống sắt, cuối cùng là kéo dây cáp trong lòng ống nhựa - cũng không ít lần bị đứt ống, v.v… Thời gian này, lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố và cả cấp quận đều tập trung chỉ đạo, hỗ trợ quyết liệt cho SOUTHVINA, để công trình được hoàn thành, đem lại niềm vui lớn cho người dân Cồn Sơn (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa), thiết thực kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương và 10 năm thành lập quận Bình Thủy!

Cho đến 17 giờ ngày 30-11-2013 - thời khắc "đóng điện", đồng chí Chủ tịch quận Bình Thủy Lê Tâm Niệm cũng có mặt, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn…

CỒN SƠN CHUYỂN MÌNH…

Theo chân ông Lê Văn Điền (Tám Điền), Trưởng ban công tác Mặt trận Khu vực 1 (Cồn Sơn), tôi vào nhà anh Võ Văn Tho. Chiếc ti-vi siêu mỏng 40 inches treo trên giá, cùng chiếc tủ đông đặt ngay phía dưới ti-vi - đập ngay vào mắt bất cứ ai vừa bước vào căn nhà khá to, đẹp này. Với nụ cười, ánh mắt rạng rỡ, vợ anh Tho khoe với tôi: "Hồi đó đi chợ về, em phải lo làm đồ ăn liền. Bây giờ có tủ đông, rau cải em đưa vào ngăn mát, thịt cá đưa vô ngăn đông, chừng nào muốn nấu thì lôi ra nấu, thiệt là tiện lợi. Còn nồi cơm điện, bắc lên cứ để đó làm chuyện khác, cơm chín tự bật, không cần canh củi lửa…!". Theo lời chị, trước đây xài bình, sau đó xài điện nhà hàng xóm (có máy phát điện), nhà cửa vẫn tù mù, không sáng sủa như hiện nay. Không chỉ nhà chị, cả Cồn Sơn này đều "no" điện. Trước, chị không thể đi giao gạo cho khách hàng vào ban đêm; nay, dẫu hơn 7 giờ tối, nếu khách hàng yêu cầu, chị vẫn có thể đưa gạo xuống ghe đem giao tận nơi. Vui chuyện, anh Tho không giấu giếm ý định sẽ sắm thêm máy giặt, giàn karaoke… Cả chuyện "tính toán" đưa ra qui định sao cho hai đứa con (trai học cấp 3, gái học cấp 2) không "bị" mê truyền hình, ảnh hưởng chuyện học hành!

Sau lễ khánh thành công trình điện Cồn Sơn (18-12-2013) khoảng chục ngày, tôi đã sang đây. Trong Nhà thông tin khang trang của khu vực với đầy đủ bàn ghế dành hội họp, Tám Điền cho tôi biết: Hồi Cồn Sơn chưa có điện, bà con phải dùng bình ắc quy để thắp sáng, xem ti-vi, nhưng chỉ là ti-vi trắng đen và xài đèn bóng nhỏ. Sau đó là thời kỳ sử dụng bình 100A (mỗi bình có tuổi thọ chỉ độ 2 năm); mỗi tuần phải qua Bình Thủy "sạc", cũng không sử dụng được cho việc bơm nước tưới cây. Đến thời kỳ sử dụng năng lượng mặt trời, càng "khá" hơn… Và đến nay Cồn Sơn có điện, con cái có điều kiện học hành tốt hơn, có đèn sáng, có quạt máy, không bị muỗi cắn… Bên cạnh đó, là có thể bật ti-vi xem tin tức thời sự thường xuyên hơn và được xem thoải mái các loại hình giải trí khác. Ngoài ra, bà con còn sắm mô-tơ, máy bơm để tưới vườn. Riêng Tám Điền thì sắm mô-tơ để bơm nước nuôi cá… Không chỉ vậy, một số hộ còn tính toán mở ra nhiều con đường làm ăn, như: mở trại cưa, đóng tủ bàn ghế, sửa chữa tàu bè (nhỏ), "làm" du lịch sinh thái… Thật ra, trước đây đã có hộ Mai Trúc Giang sớm xắn tay vào loại hình du lịch sinh thái ở Cồn Sơn, nhưng do chi phí cao, đã tạm ngưng hoạt động, nay sắp khôi phục lại!

Tám Điền đã đưa tôi đến thăm cơ sở du lịch sinh thái của anh Trúc Giang. Đúng là chủ cơ sở đang tiến hành sửa chữa, chuẩn bị cho kế hoạch trở lại hoạt động dịp đầu năm Giáp Ngọ. Trúc Giang là một trong 12 người con của bà Nguyễn Thị Thành, 83 tuổi, quê gốc Xẻo Môn (Long Thạnh, Phụng Hiệp - Hậu Giang). Gia đình bà Thành là gia đình cách mạng, cả bà và ông đều có Huy chương kháng chiến (bà còn có cả Huân chương kháng chiến hạng III). Qua câu chuyện, tôi thấy rõ niềm tự hào của bà là đã cùng ông nuôi dạy cả 12 người con trưởng thành, cống hiến cho cách mạng - người làm bộ đội, người công an, người công tác cơ quan Đảng, Mặt trận, Thanh niên, v.v… - "và tất cả đều không "hư"" - nói theo cách của bà! Niềm vui sướng không kém hiện nay của bà, là chuyện Cồn Sơn có điện. "Hồi đó nhà tối thui, đi dễ đụng, té, còn không coi được thời sự thường xuyên... "Cái quán" của thằng Giang làm 5 - 6 năm nay, phải mua máy phát điện vừa mắc tiền, vừa dễ trục trặc, đến lúc hư thành đống sắt vụn, phải ngưng hoạt động… Nay, Cồn Sơn có điện, tới đây người dân làm gì cũng dễ dàng, chuyện làm ăn chắc chắn sẽ đi lên" - bà Thành tâm sự.

* * *

Lúc chúng tôi đang ở nhà anh Tho, thấy có "thợ" đến chỉnh "mạng" K+ cho ti-vi… mới hay đang có trận bóng đá mở màn giải Nutifood cup. Nghe Tho háo hức đón xem trận đấu kế tiếp giữa U19 Việt Nam với đội AS Roma, tôi đành bỏ ý định chứng kiến "Đêm Cồn Sơn sau khi có điện", bởi không muốn ông Tám Điền bỏ lỡ trận đấu do phải đưa tôi qua sông… Và, khi tôi viết bài này, kết quả thắng cuộc đã thuộc về đội khách. Ắt hẳn anh Tho, ông Tám Điền hay bất cứ ai ở Cồn Sơn có lòng yêu bóng đá, yêu U19 Việt Nam đều không khỏi tiếc nuối về niềm vui không được nhân đôi. Tuy nhiên, như nhiều bài báo đã đưa vào sáng hôm sau (7-1-2014), U19 Việt Nam đã chiếm được cảm tình trọn vẹn của người hâm mộ về lối chơi kỹ thuật, đầy triển vọng…

Đường điện ngầm vượt sông Hậu sang Cồn Sơn đang góp phần làm thức dậy Cồn Sơn. Tương lai không xa, với sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ của các cấp ủy đảng bộ, chính quyền, từ thành phố đến quận, phường - trước mắt, trong năm 2014, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, một đoạn đường giao thông nông thôn làm thí điểm sẽ được hoàn thành. Và, người dân Cồn Sơn sẽ còn thỏa được bao ước mơ, dự định phát triển kinh tế gia đình, sau khi Cồn Sơn có điện!

Tôi nghĩ, "công" đầu thuộc về SOUTHVINA. Bởi, công trình điện ngầm qua Cồn Sơn - bố trí 2 máy, một cho nhà máy thuộc công ty; và một cho dân (do Nhà nước đầu tư, khoảng 1 tỉ đồng) -không chỉ đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của riêng SOUTHVINA, mà còn đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, phát triển kinh tế của một vùng đất thưa dân - chỉ 73 hộ, với khoảng 400 nhân khẩu …

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết