17/08/2016 - 20:52

Thúc đẩy chuyển giao khoa học và công nghệ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên sau nhiều năm ngành nông nghiệp của Việt Nam tăng trưởng âm 0,78% làm cho cả ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,18%. Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm này do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các điều kiện liên quan đến thời tiết bất thường. Trong đó, nước biển dâng là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo và nuôi trồng thủy sản. Dự báo, cuối thế kỷ 21, kịch bản nước biển dâng 100cm sẽ làm cho Hậu Giang và Kiên Giang ngập tương ứng 80,6% và 77% diện tích tự nhiên, trong khi các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có diện tích ngập trên 50%. Tính trên toàn vùng thì 16,8% diện tích vùng ĐBSCL có nguy cơ ngập. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và lĩnh vực cây trồng nói riêng là nền sản xuất mở, hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế. Trên 90% sản lượng cà phê, hồ tiêu, cao su, 20% gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác được xuất khẩu, nhưng chịu sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Đó là những thách thức cho ngành trồng trọt Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều giống lúa mới được nghiên cứu, chuyển giao thích ứng biến đổi khí hậu. (Trong ảnh: Triển lãm thành tựu khoa học công nghệ lĩnh vực trồng trọt tại TP Cần Thơ).

Để vượt qua thách thức, thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển, nhiều ý kiến cho rằng cần có 3 động lực cơ bản. Đó là: tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng sản xuất, chế biến sâu nông sản và đổi mới chính sách. Đặc biệt, trong bối cảnh nợ công tăng cao, các chính sách hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu mới của nền sản xuất hàng hóa cạnh tranh trong hội nhập, giải pháp khoa học và công nghệ dường như là giải pháp duy nhất.

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với 18 đơn vị thành viên có mặt ở hầu hết các vùng sinh thái trên phạm vi toàn quốc, thời gian qua đã đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật cây trồng phát huy hiệu quả cho từng vùng, miền. Giai đoạn 2013-2015, Viện đã có 50 giống được công nhận giống chính thức, 70 giống được công nhận sản xuất thử, trong đó đã chuyển nhượng bản quyền và ủy quyền kinh doanh 34 giống cây trồng với tổng giá trị trên 90 tỉ đồng (26 giống lúa vá 8 giống bắp) cho 12 doanh nghiệp. Đây là một tỷ lệ sản phẩm được thương mại hóa rất cao từ trước đến nay, nói lên tính định hướng theo "nhu cầu" được quan tâm và chất lượng nghiên cứu được cải thiện. Ngoài giống, các quy trình canh tác cũng được quan tâm như quy trình thâm canh, tái canh, cải tạo vườn cây ăn trái, cây công nghiệp; một số quy trình điển hình được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả, như: ghép cải tạo cây ăn quả, phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long… Các quy trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, canh tác tối thiểu, sử dụng phân bón hợp lý, sản xuất an toàn, xử lý môi trường cũng được đánh giá cao.

Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp, GS. TS Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Giai đoạn 2016-2020, Viện tập trung vào 6 định hướng nghiên cứu, phát triển cây trồng. Trong đó, thực hiện triệt để chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt trên cơ sở đa dạng hóa cây trồng, sản phẩm, phát huy lợi thế vùng, miền; đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng biến đổi khí hậu; chú trọng khâu công nghệ sau thu hoạch và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tập trung vào nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, theo yêu cầu thị trường, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường, như: hạn, úng, mặn, phèn và chống chịu sâu bệnh hại chính. Đồng thời phục hồi, khai thác và phát triển giống cây trồng bản địa đặc sản. Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất hiệu quả theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa để tiết kiệm chi phí vật tư, lao động, tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện quy trình nhân giống và sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, quy trình sản xuất rau quả an toàn. Bên cạnh đó, nghiên cứu giải pháp về tổ chức sản xuất, thể chế và chính sách để góp phần tái cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt hiệu quả, khai thác lợi thế vùng để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Duy trì hợp lý công tác nghiên cứu cơ bản, phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong việc tạo ra sản phẩm công nghệ hoàn thiện phục vụ sản xuất… để nâng cao hiệu quả ngành trồng trọt.

Bài, ảnh: L. Mẫn

Chia sẻ bài viết