06/08/2022 - 08:55

Thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục đại học, cao đẳng 

Bài, ảnh: B.KIÊN

Tại TP Cần Thơ, các trường đại học (ÐH), cao đẳng đã nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số (CÐS) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, quản trị nhà trường, góp phần tích cực vào quá trình CÐS quốc gia.

Giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ dạy thực hành bằng hình thức trực tuyến năm học 2021-2022.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu (quận Ninh Kiều) có con trai năm nay vừa thi tốt nghiệp THPT 2022, chọn đăng ký các nguyện vọng vào Trường ÐH Cần Thơ và Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Bà Thu cho biết việc đăng ký xét tuyển và tìm hiểu thông tin tuyển sinh, chương trình, thời gian đào tạo, học phí… rất thuận lợi trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cũng như trang web của các trường. 

TS Trương Minh Nhật Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết CÐS đã giúp nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của trường. Giảng viên tiếp cận phương tiện dạy học, bài giảng số hóa thuận tiện, bền vững, chất lượng; hoạt động đánh giá, khảo thí, phân loại, xếp loại minh bạch và công bằng. TS Trương Minh Nhật Quang nêu ví dụ: “Trước đây, chấm bài bằng hình thức truyền thống (giấy, viết) vẫn ít nhiều cảm tính, nhưng khi số hóa đưa vào hệ thống thông tin, kết quả đánh giá sát với năng lực sinh viên. Sinh viên khi được tiếp cận môi trường số, chất lượng học tập tốt hơn. Các em có thể trao đổi trực tiếp với lớp, với giảng viên qua phương tiện công nghệ một cách khoa học, nhanh chóng, đầy đủ”.

Thời gian qua, Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã sử dụng các phần mềm PMT Education, PMT HRM, Egov và e-Learning tự thiết kế. Ðồng thời rà soát, nâng cấp, cải tiến phần mềm đáp ứng thực tiễn giảng dạy. Trong thời gian dịch COVID-19 xảy đến vào năm học 2021-2022, toàn bộ hoạt động quản lý, giảng dạy của trường chuyển sang số hóa. Không chỉ trong giảng bài lý thuyết, giảng viên của trường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thực hành từ xa, đảm bảo vẫn điều khiển, vận hành các thiết bị trong phòng thí nghiệm. Giảng viên và sinh viên cùng nhau xây dựng các sản phẩm thuyết trình, tổ chức ngoại khóa trên không gian mạng; mở rộng ngân hàng đề thi đánh giá học phần với hình thức phong phú.

*   *   *

Hơn 10 năm trước, các trường ÐH ở TP Cần Thơ đã triển khai số hóa một số hoạt động quản lý, đào tạo. Ðơn cử như việc mở các lớp học từ xa tại Trung tâm ÐH Tại chức Cần Thơ (nay là Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ). Hay từ năm học 2006-2007, việc dạy và học trực tuyến được thử nghiệm tại Khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông, Trường ÐH Cần Thơ… Năm 2021, Ðảng ủy Trường ÐH Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-ÐU về “Ðẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Trường Ðại học Cần Thơ theo hướng đại học thông minh”. Trường đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác để thúc đẩy hoạt động CÐS, bao gồm tổ công tác về CÐS trong quản trị và điều hành, CÐS trong hoạt động đào tạo, CÐS trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế. Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông là một trong những khoa tiên phong về CÐS và đào tạo nguồn nhân lực CÐS. Bên cạnh 10 chuyên ngành đào tạo, khoa đã chủ động lồng ghép các học phần về CÐS vào khung chương trình đào tạo ở các bộ môn trực thuộc khoa. Tới đây, khoa sẽ mở thêm một số ngành học mới liên quan đến CÐS.

Ở các trường cao đẳng, hoạt động CÐS cũng được đẩy mạnh. Trường Cao đẳng Cần Thơ đã ứng dụng hiệu quả CÐS trong công tác tuyển sinh, dạy và học; thậm chí khi dịch COVID-19 căng thẳng trường đã tổ chức thi năng khiếu trực tuyến. Trong khi đó, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã thành lập Tổ Kỹ thuật - Truyền thông - Cải cách (thuộc Phòng Hành chánh tổ chức), với nhiệm vụ hỗ trợ các phòng, khoa, trung tâm thực hiện công tác chuyển đổi và số hóa dữ liệu chuyên môn. Ths Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ cho biết, từ năm 2018 Ðảng ủy trường đã có nghị quyết về tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, số hóa trong công tác quản lý, dạy và học. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ trường nhiệm kỳ 2020-2025 có 3 chủ đề đột phá, trong đó thực hiện có hiệu quả mô hình KOSEN, 5S và ứng dụng công nghệ 4.0. Hiện nay, các khoa chuyên môn triển khai các phần mềm dạy và học trực tuyến, tổ chức biên soạn, thành lập ngân hàng đề thi, giáo án điện tử, giáo trình, tài liệu tham khảo, sử dụng phần mềm bốc đề thi đảm bảo trung thực.

Ths Nguyễn Thành Long cho biết sự đồng thuận, nỗ lực học tập kiến thức và kỹ năng để CÐS của cán bộ, giảng viên là một trong những yếu tố góp phần CÐS tại trường. Hiện nay, gần như trường không còn sử dụng văn bản giấy (trừ hồ sơ lưu trữ theo quy định); việc quản lý hồ sơ của học sinh, sinh viên đã được số hóa hồ sơ song song với lưu trữ truyền thống. Tới đây, trường tăng cường CÐS 100% ở tất cả hoạt động. Còn TS Trương Minh Nhật Quang cho biết: “Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tiếp tục thực hiện CÐS hoạt động dạy học trên lớp, phương pháp dạy học; quản lý chuyên môn các khoa, bộ môn và hệ thống quản lý hành chánh chung. CÐS nhằm nâng cao chất lượng về đào tạo, quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng”.

Theo lãnh đạo các trường, CÐS là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Ðể CÐS thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhận thức, sự đồng thuận, nỗ lực của tập thể, cá nhân trong ứng dụng nền tảng công nghệ số; phải đi đầu trong đổi mới, thực hiện CÐS cũng như cơ sở hạ tầng để thực hiện CÐS.

Chia sẻ bài viết