23/04/2024 - 08:23

Thuận thiên để làm giàu 

Là vùng đất có thổ nhưỡng phèn mặn nên diện tích đất trồng lúa một số khu vực tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Ðặc biệt, do biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng nhiễm mặn vào mùa nắng hạn và ngọt khi mùa mưa về, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất. Những năm nay, nông dân nơi đây đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi; điển hình là thực hiện mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm, cua. Nhờ canh tác thích ứng mà đất phèn nhiễm mặn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.

Anh Nguyễn Phước Du (bìa phải) đang giới thiệu về mô hình canh tác của mình.

Thích ứng

Có hơn 6ha đất ruộng, anh Nguyễn Phước Du, ở Ấp Cảng, xã Hòa Ðiền, huyện Kiên Lương, cho biết: “Diện tích đất gia đình ban đầu thực hiện trồng lúa, nhưng do nhiễm mặn nặng nên bị thua lỗ, rồi tôi chuyển qua nuôi tôm. Thời gian đầu cũng không đạt hiệu quả, tôm bị hao hụt và chậm phát triển. Cách đây 3 năm, Nhà nước cho nạo vét các kênh mương nội đồng; Hội Nông dân địa phương hướng dẫn cho bà con thực hiện mô hình canh tác trồng lúa mùa nước ngọt và nuôi thủy sản khi nước mặn. Nhờ thực hiện theo cách này gia đình tôi và các hộ dân nơi đây thấy lợi ích kinh tế đạt khá cao”.

Ðối tượng thủy sản được nuôi trên đồng ruộng mà anh Nguyễn Phước Du nhắc đến đó chính là tôm và cua. Hằng năm, khoảng tháng 9 là bắt đầu sạ lúa, đến tháng 12 thu hoạch. Sau khi gặt lúa xong sẽ tiến hành cải tạo ao nuôi và thả tôm giống và cua giống. Nhờ được hướng dẫn thêm về kỹ thuật nuôi trồng, với 6ha canh tác, trừ các khoản chi phí, mức lợi nhuận trên đồng ruộng của anh Du đạt 200-300 triệu đồng/năm. Hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nhất là có thể thích ứng được tình trạng xâm nhặp mặn từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ðặc biệt, mô hình này được áp dụng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân thuốc hóa học, hạn chế chi phí sản xuất.

Cũng tại nơi đây, 12ha vuông nuôi của gia đình của ông Võ Hoàng Út đang thực hiện mô hình vụ lúa, vụ tôm, cua. Theo ông Út, trên nền đất trồng lúa đã thu hoạch, bơm nước vào rong tảo sẽ phát triển làm thức ăn cho vụ nuôi tôm, nhờ vậy tôm phát triển, không mầm bệnh, không cần thức ăn công nghiệp, giúp giảm chi phí. Ðồng thời, vụ lúa tiếp theo nhờ lớp bùn bã hữu cơ trong nuôi tôm giúp cây lúa phát triển mà không cần phân bón hóa học.

Ông Út cũng phấn khởi chia sẻ: “Lúa trồng ở đây không sử dụng phân bón hóa học, bởi nếu sử dụng phân hóa học nó sẽ ảnh hưởng đến vụ nuôi tôm, cua. Nhưng cũng có cái khó là về thị trường tiêu thụ giá nông, thủy sản còn thấp và khá bấp bênh. Mặt khác, bà con muốn vay vốn để cải tạo đất, cải tạo ao nuôi còn vướng các quy định, đặc biệt về đất thuê. Vì vậy, mong muốn Nhà nước hỗ trợ để bà con chúng tôi có đủ điều kiện để phát triển bền vững”. 

Cùng nhau làm giàu

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân tại xã Bình Trị, huyện Kiên Lương đang thực hiện mô hình tôm, lúa, cua đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình chị Bùi Thị Ðằng, ở ấp Núi Mây xã Bình Trị là một điển hình.

Chị Bùi Thị Ðằng, cho biết: Năm 1994 gia đình chị chuyển từ tỉnh Cà Mau đến lập nghiệp. Khi đến đây, chị mua được 5ha đất lúa để canh tác, nhưng vì đất còn phèn nhiều, chưa có kênh thoát lũ, xả phèn, nên không trồng lúa được. Những năm đầu đều bị thua lỗ, cao lắm cũng huề vốn. Hơn 5 năm trở lại đây, khi Nhà nước có chủ trương nạo vét và khai thông những đường kênh mới, đã tạo điều kiện cho gia đình chị cải tạo ao, xả phèn và lấy nước mới vào ao để thực hiện mô hình trồng lúa xen tôm, cua. “Gia đình tôi chọn mô hình lúa xen tôm, cua vì việc sản xuất này phù hợp với vùng đất nơi đây. Do nguồn nước chưa chủ động được nên sản xuất xen tôm, lúa, cua cho thu nhập cao hơn so với chuyên trồng lúa hoặc nuôi tôm, cua” - Chị Bùi Thị Ðằng, cho biết thêm.

Theo chị Ðằng, để nuôi trồng đạt hiệu quả, việc lựa chọn con giống đối với tôm, cua là rất quan trọng, phải lựa chọn được con giống tốt, khỏe mạnh, cộng với trong quá trình nuôi, người nuôi phải biết cải tạo ao, xử lý nước phù hợp với quá trình sinh trưởng của tôm, cua thì mới đạt năng suất cao. Chị chia sẻ: Ðể tôm, cua phát triển khỏe, đạt năng suất cao thì việc làm ao, xử lý được coi là khâu quan trọng nhất, quyết định đến sự thành công hay thất bại trong mô hình. Chính vì vậy, khi nuôi cần chú ý nhiều đến các yếu tố này.

Nhờ vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong nuôi trồng, cũng như tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật được học từ các buổi tập huấn do Hội cấp trên tổ chức vào sản xuất, nên đến nay mỗi năm gia đình chị Ðằng nuôi trồng đều có lãi, từ đó chị tiếp tục tích cóp tiền để mua thêm đất đầu tư sản xuất. Hiện nay gia đình chị đã có 20ha canh tác theo mô hình này, mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình chị thu lời trên 250 triệu đồng, cuộc sống gia đình dần ổn định và khấm khá hơn.

Chị Ðằng với vai trò là Chi Hội trưởng phụ nữ ấp nên khi gia đình làm ăn có hiệu quả, chị Ðằng còn tích cực vận động các thành viên trong ấp tham gia thực hiện theo. Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, mỗi khi có chị em hội viên trong ấp đến tìm hiểu, chị Ðằng đều nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn cũng như trao đổi kinh nghiệm hay trong sản xuất, giúp hội viên thấy được hiệu quả qua mô hình mình để học tập, làm theo; nhờ đó, mà kinh tế gia đình các hộ tại ấp Núi Mây ngày một tốt hơn.

Chị Trần Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trị, cho biết, từ hiệu quả của mô hình canh tác tôm, lúa, cua, của gia đình chị Bùi Thị Ðằng, hiện tại ấp Núi Mây đã có trên 10 hộ gia đình xung quanh đã và đang thực hiện theo mô hình này, ấp cũng thành lập được 1 tổ hợp tác sản xuất lúa - tôm với 5 thành viên. Hằng năm, các thành viên này nuôi trồng đều có lãi, qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho chị em hội viên tại địa phương. Riêng bản thân chị Ðằng được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và tỉnh nhiều năm liền.

Trợ lực

Hiện nay, để hướng đến việc canh tác bền vững, sự chủ động trong giá cả thị trường, giải quyết về bài toán giá trị gia tăng, huyện Kiên Lương đã triển khai Dự án “Phát triển sản xuất lúa cánh đồng lớn trên nền đất nuôi tôm tại xã Hòa Ðiền”. Từ đây, các tổ hợp tác và hợp tác xã tôm- lúa được thành lập với quy mô trên 140ha, có hơn 55 hộ tham gia. Nhờ vậy, bà con có ý thức liên kết sản xuất, ứng dụng kỹ thuật đồng loạt, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ theo xu hướng hội nhập. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để các hộ dân có đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp kết hợp xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ðồng chí Phạm Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ðiền, cho biết: Ðối với bà con thiếu vốn canh tác thì UBND xã đề nghị UBND huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho bà con vay vốn, mỗi suất đất là 200 triệu đồng để cải tạo trong sản xuất. Ngoài ra, xã cũng tìm các nguồn vốn khác để giúp đỡ bà con, chẳng hạn nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho hộ dân vượt khó sản xuất, mỗi hộ sẽ giải ngân 50 triệu đồng; triển khai các nguồn vốn từ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để có thể tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con...

“Ðối với mô hình tôm - lúa sản xuất theo hướng thuận thiên, canh tác theo phương pháp hữu cơ, địa phương xác định đây là mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững và có định hướng xây dựng chứng nhận đạt chuẩn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho các sản phẩm nông nghiệp từ mô hình này” - đồng chí Phạm Văn Ngoan cho biết thêm.

Lựa chọn cây trồng phù hợp với đối tượng nuôi để canh tác thuận theo tự nhiên sẽ là cơ sở để bà con tích hợp thêm nhiều giá trị, thêm thu nhập trên đồng ruộng. Ở đó, hạt lúa, con tôm, con cua hoàn toàn phát triển sinh trưởng tự nhiên không chịu tác động gì và cũng không tác động lại tự nhiên. Ðây chính là bước đầu cho việc sản xuất canh tác nông nghiệp sinh thái của bà con. Mặt khác, thực hiện mô hình đa canh, trồng lúa và nuôi thủy sản trên cùng một diện tích canh tác trong năm, chính là kết quả từ sự thay đổi tư duy sản xuất sang kinh tế sản xuất, mà người dân ở xã Hòa Ðiền, xã Bình Trị huyện Kiên Lương đã chủ động tiếp cận thực hiện có hiệu quả. Ðiều đó cho thấy, việc giảm chi phí sản xuất và tính đến giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo môi trường sinh thái đã được người dân quan tâm.l

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết