08/09/2019 - 10:21

Thú vị “Tài tử miền sông nước” 

“Tài tử miền sông nước” là chương trình truyền hình về đờn ca tài tử (ĐCTT) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Đài PT-TH TP Cần Thơ thực hiện, phát sóng lúc 16 giờ 50 phút, ngày thứ bảy tuần thứ 2 của tháng trên kênh THTPCT. Phóng viên báo Cần Thơ đã có dịp đi cùng những người thực hiện để khám phá những điều thú vị của chương trình.

NNƯT Kiều Nga và NNƯT Hoàng Lưỡng tập luyện cho các em học sinh trước khi ghi hình “Tài tử miền sông nước”.

NNƯT Kiều Nga và NNƯT Hoàng Lưỡng tập luyện cho các em học sinh trước khi ghi hình “Tài tử miền sông nước”.

Chương trình “Tài tử miền sông nước” đã qua 2 kỳ phát sóng và tạo được sức hấp dẫn trong giới tài tử Cần Thơ và khu vực ĐBSCL. Khác với các chương trình về ĐCTT thường thấy trên truyền hình nặng về yếu tố diễn giải, hàn lâm và biểu diễn chuyên nghiệp, “Tài tử miền sông nước” gần gũi và đi vào những vấn đề cụ thể của ĐCTT.

Mỗi kỳ phát sóng, chương trình gồm 3 phần xoay quanh chủ đề xuyên suốt là một bài bản thuộc 20 bài bản Tổ của ĐCTT. Phần đầu là “Thử sức cùng tài tử”, các nghệ nhân đang sinh hoạt tại các câu lạc bộ ĐCTT của TP Cần Thơ cùng tập dợt bài bản đó. Phần “Kiến thức tài tử”, chương trình giao lưu với một nghệ nhân am tường về ĐCTT để chia sẻ về bài bản đang trình bày. Cuối cùng là phần “Hát cùng nghệ nhân”, với phần trình bày mẫu của nghệ nhân. Qua 2 chương trình đã phát, kiến thức và cách hát 8 câu Nam Xuân và 8 câu Nam Ai trong ĐCTT đã được thể hiện khúc chiết, dễ xem và dễ học. Mục tiêu của chương trình là mang đến cho khán giả những thước phim về ĐCTT gần gũi, hấp dẫn, lan tỏa giá trị của ĐCTT một cách tự nhiên nhất.

Chương trình có sự tham gia của hầu hết các nghệ nhân tài tử từ gạo cội đến mầm non ở Cần Thơ, nên được xem là cú huých cho phong trào. Như trong buổi ghi hình tập 1 với chủ đề 8 câu Nam Xuân, các bạn nhỏ đến từ chương trình “Sân khấu học đường” năm 2019 đã rất hào hứng khi được Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Kiều Nga dạy kỹ cách ca, lấy hơi, giữ nhịp cho bài bản này. Các em đang là học sinh trung học cơ sở, rất đam mê cổ nhạc, chăm chú nghe cô dạy rồi hào hứng thử sức. Trần Ngọc Yến Nhi, học sinh ở quận Ninh Kiều, nói: “Lúc đầu nghe thì thấy khó, canh để vô bài ca cũng khó, nhưng cô Nga dạy rất dễ hiểu nên em đã ca được”. Còn với Bùi Quốc Dương, học sinh ở huyện Phong Điền, vốn là “con nhà nòi” nên “Tài tử miền sông nước” khơi gợi cho em nhiều cảm hứng khi tham gia sinh hoạt ĐCTT, cải lương.

Với chương trình chủ đề 8 câu Nam Ai, câu lạc bộ ĐCTT phường Thới An Đông, quận Bình Thủy là “vai chính”. Buổi sinh hoạt trong vườn trái cây xanh mát với những giọng ca ngọt lịm, chân chất miệt vườn mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc. Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Thơm (Ba Thơm), câu lạc bộ ĐCTT phường Thới An Đông, nói: “Những chương trình như thế này rất hay, cổ vũ cho ĐCTT phát triển thêm nữa”.

Trong phần kiến thức về ĐCTT, các nghệ nhân như NNƯT Minh Thơ, NSƯT Trúc Linh… đã trình bày về điệu thức, nhịp nhàng, cách hát các bài bản một cách cụ thể với những kinh nghiệm đời người của mình. Ví như khi NNƯT Minh Thơ đúc kết cách ca Nam Xuân: “Khi ca phải nắm vững nhịp nhàng, giọng điệu, tính chất của bài Nam Xuân. Người ca cũng phải nắm rõ nội dung, tình cảm của bài ca để nhập tâm, ca cho biểu cảm. Nhưng để ca hay, mỗi người cần có một lối sáng tạo riêng cho giọng ca của mình”. Chương trình khép lại bằng những giọng ca tài tử tài năng của Cần Thơ như NNƯT Thanh Tùng, NNƯT Kiều Nga, NNƯT Như Nguyệt… thị phạm bằng một bài ca chuẩn.

Thời gian gần đây, Cần Thơ có rất nhiều cách làm hay trong bảo tồn và quảng bá ĐCTT. Có thể kể đến như các lớp truyền nghề do Trung tâm Văn hóa thành phố thực hiện; chương trình ĐCTT ở cầu đi bộ, chợ nổi Cái Răng; biểu diễn ĐCTT phục vụ du lịch; nâng chất các câu lạc bộ ĐCTT trong thành phố… Và chương trình “Tài tử miền sông nước” lại là một cách làm hay để lan tỏa ĐCTT Cần Thơ. Điều này cũng tạo tiền đề cho thành công của Liên hoan ĐCTT quốc gia được tổ chức tại Cần Thơ vào năm 2020.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết