31/01/2012 - 08:29

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự khánh thành nhiều công trình có ý nghĩa lớn tại Cà Mau

(CT)- Sau 3 năm thi công, sáng 30-1, cầu Đầm Cùng bắc ngang sông Bảy Háp, nối liền bờ Bắc và Nam giữa hai huyện Cái Nước và Năm Căn chính thức thông xe kỹ thuật và làm lễ khánh thành. Về dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và đại diện một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL...

Cầu Đầm Cùng có chiều dài toàn tuyến 2.050m, trong đó phần cầu dài 668m và đường dẫn hai đầu cầu hơn 1.380 m. Vốn đầu tư công trình trên 350 tỉ đồng được huy động từ nguồn trái phiếu chính phủ. Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật đường dẫn hai đầu cầu là cấp III đồng bằng, hai làn xe.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho biết: Công trình này nằm trong tổng thể các dự án thành phần giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh, có ý nghĩa to lớn đối với tỉnh Cà Mau và khu vực miền Tây Nam Bộ. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Đầm Cùng không chỉ giúp nhân dân địa phương đi lại thuận tiện mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa được nhanh chóng, giảm chi phí sản xuất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm Bác Hồ tại Cà Mau. 

Rời cầu Đầm Cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đến khu công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau mừng Nhà máy đạm Cà Mau hoàn thành và cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên sau 43 tháng kể từ ngày công trình này khởi công xây dựng. Dự án nhà máy sản xuất phân đạm Cà Mau là một trong các dự án thành phần của Cụm công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau được Chính phủ phê duyệt đầu tư nhằm mục đích bảo đảm cung cấp ổn định phân đạm cho phát triển đất nước đến năm 2025. Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm quốc gia nằm trong chiến lược phát triển của ngành dầu khí đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025.

Nhà máy Đạm Cà Mau được khởi công từ cuối tháng 7-2008, xây dựng trên diện tích khoảng 62ha, tọa lạc tại xã Khánh An (huyện U Minh, Cà Mau) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, thi công bởi Liên doanh nhà thầu Công ty Thiết kế Vũ Hán và Tổng công ty Xuất nhập khẩu máy Trung Quốc. Nhà máy có công suất thiết kế 800.000 tấn urea/năm, tổng mức đầu tư gần 800 triệu USD. Nhà máy Đạm Cà Mau được sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới: công nghệ sản xuất amôniắc của Haldor Topsoe (Đan Mạch), công nghệ sản xuất Urê của Snamprogetty (Italia); được tư vấn SNC Lavalin hỗ trợ quản lý và giám sát, và được Bureau Veritas cấp chứng chỉ quốc tế. Sản phẩm chính của Nhà máy là phân đạm chất lượng cao, dạng viên vê; khí CO2 tinh khiết phục vụ đời sống, sản xuất công nghiệp và công nghệ thực phẩm...Cùng với nhà máy khí và nhà máy điện đã được đưa vào hoạt động, công trình này sẽ tạo thành một cụm liên hoàn Khí - Điện - Đạm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực cho khu vực và cả nước.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, nhà thầu cùng các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan... đã tạo điều kiện thuận lợi để công trình hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh: Việc hoàn thành Nhà máy đạm Cà Mau có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó không chỉ là nỗ lực mà còn là thành công lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Nhà máy Đạm Cà Mau hoàn thành cũng đồng nghĩa công trình xây dựng Cụm công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau hoàn thành sau 10 năm phấn đấu. Với tầm quan trọng ấy, thay mặt Chính phủ tôi đề nghị những người có trách nhiệm phải quản lý, vận hành có hiệu quả, an toàn công trình này để làm lợi cho đất nước.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự khánh thành Khu tưởng niệm Bác Hồ tại Công viên Văn hóa Cà Mau.

Khu tưởng niệm được khởi công ngày 22-6-2011, tổng kinh phí 30 tỉ đồng do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tài trợ. Trên nền tảng nhà sàn, ao cá được xây dựng trước đó, công trình sau khi trùng tu được mở rộng đến 2 ha, bổ sung thêm nhiều hạng mục công trình mới như: nhà trưng bày các hiện vật về Bác Hồ, nhà chiếu phim, khu vực hành lễ... cùng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ khác.

Sau khi cắt băng khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm.

Tin, ảnh: HỮU TÙNG

Chia sẻ bài viết