23/08/2015 - 15:51

Đồng bằng sông Cửu Long

Thu hút đầu tư du lịch chưa xứng tiềm năng…

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế về du lịch. Một vùng đất có hệ sinh thái đa đạng và đặc sắc như sông nước, biển đảo, cù lao châu thổ, núi đồi, đất ngập nước, rừng ngập mặn, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…, đã từng được Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet bình chọn là điểm đến giá trị nhất trong top 10 điểm du lịch giá trị nhất. Năm nay, Tạp chí Rough Guides của Anh lại tiếp tục bình chọn ĐBSCL là top 10 điểm đến "giá trị nhất" năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay, du lịch ĐBSCL vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư…

Đầu tư trực tiếp nước ngoài còn ít…

ĐBSCL nổi tiếng sông nước miệt vườn, với những đồng ruộng thẳng cánh cò bay, những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả, cây lành trái ngọt, tôm cá đầy ghe, biển đảo Hà Tiên, Phú Quốc xinh đẹp, rừng tràm U Minh, rừng đước Cà Mau bạt ngàn xanh ngát... Thiên nhiên đã ban tặng cho ĐBSCL nhiều hệ sinh thái khó có nơi nào sánh được, với hệ thống sông rạch chằng chịt đã tạo nên những chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Ngã Năm, Long Xuyên, Cà Mau… độc đáo. Hàng năm, có gần 22,5 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế đến ĐBSCL.

Mặc dù có nhiều tiềm năng lợi thế như vậy nhưng hiện nay du lịch ĐBSCL chưa thực sự hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến tháng 6-2015, FDI vào du lịch vùng ĐBSCL chỉ có 30 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 200 triệu USD, chiếm 2,9% số dự án và 1,6% số vốn FDI vào ĐBSCL. Các dự án FDI trong lĩnh vực du lịch, chủ yếu là xây dựng, kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái (tập trung nhiều là ở Phú Quốc), chưa có các dự án về kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, dịch vụ cho du lịch… Ngoài ra, trong 5 năm (2010-2015), ĐBSCL thu hút được 80,4 triệu USD vốn ODA trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, chưa có dự án nào được đầu tư để phát triển tổng thể du lịch cho vùng ĐBSCL mà chỉ có một vài tỉnh trong vùng được thụ hưởng trong khuôn khổ các dự án dành cho các tỉnh nằm trên hành lang kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng.

Bãi biển Phú Quốc.

Tại "Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL năm 2015" được tổ chức tại TP. Cần Thơ đầu tháng 7-2015, các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã giới thiệu 62 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh của các địa phương trong vùng ĐBSCL chọn lựa giới thiệu, với tổng vốn đầu tư 11.862,5 tỉ đồng và 714,9 triệu USD. Tuy nhiên, chưa có dự án nào được doanh nghiệp FDI chọn lựa đầu tư.

Để hấp dẫn đầu tư hơn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết theo Quy hoạch phát triển du lịch quốc gia, để đạt tổng thể các chỉ tiêu phát triển đến năm 2030, tổng nhu cầu đầu tư phát triển toàn ngành du lịch Việt Nam ước cần 94,2 tỉ USD, tương đương với 1.931 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước ước chiếm 15-20%, bao gồm cả vốn ODA; nguồn vốn từ khu vực tư nhân ước chiếm 80-85% bao gồm cả vốn FDI. Theo đó, chính sách đầu tư có nhiều ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đến tận ranh giới quy hoạch của các khu du lịch, các điểm du lịch quốc gia và đối với các điểm du lịch tiềm năng ở vùng xa xôi hẻo lánh, hải đảo. Ưu tiên về vốn vay, hỗ trợ về bồi hoàn, tái định cư và hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với dự án phát triển sản phẩm du lịch "xanh" thân thiện môi trường. Áp dụng biện pháp ưu đãi về thuế, lệ phí, tiền sử dụng đất, cho vay vốn đối với các dự án trọng điểm ưu tiên đã được xác định trong quy hoạch. Đa dạng hóa các loại hình đầu tư, tạo cơ chế thuận lợi, áp dụng thông thoáng cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho các khu du lịch quốc gia thông qua hình thức BT, BOT… Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng: "Chúng tôi tin tưởng rằng du lịch ĐBSCL sẽ được hưởng lợi từ những chính sách mới có liên quan tới đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt du lịch xanh…".

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2030, để làm cơ sở mời gọi đầu tư. Vùng ĐBSCL được xác định là một trong bảy vùng du lịch quan trọng của du lịch Việt Nam, với những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù cao, có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao của du lịch Việt Nam.

Với nhiều tiềm năng lợi thế và vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam như vậy, kỳ vọng rằng, vùng ĐBSCL sẽ cải thiện môi trường đầu tư, có nhiều chính sách cơ chế mới thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, để đầu tư và khai thác các thế mạnh du lịch vùng ĐBSCL, xứng đáng là "Điểm đến giá trị nhất" như các tạp chí du lịch nổi tiếng của nước ngoài đã bình chọn.

HUỲNH BIỂN

Chia sẻ bài viết