23/02/2009 - 08:18

Thông luồng sông Hậu - Đòi hỏi bức bách

Theo Quyết định số 344/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển Giao thông vận tải (GTVT) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” thì đến năm 2010 trong vùng sẽ có 20 cảng biển với tổng năng lực thông qua 15-20 triệu tấn hàng hóa/năm, trong đó cảng Cần Thơ - Cái Cui là cảng trung tâm của vùng. Tuy nhiên, luồng sông Hậu vẫn chưa thông, tàu biển ra vào vẫn còn trắc trở?

TÀU HÀNG VÀO RA NGÀY CÀNG NHIỀU...

Tuy mấy năm qua, luồng sông Hậu bị cạn, các tàu biển lớn 5.000-10.000 tấn khó có thể ra vào, nhưng lượng tàu và hàng hóa vẫn tăng cao. Theo Cảng vụ hàng hải Cần Thơ, trong năm 2008 đã có 4.108 tàu ra vào, tăng gần 2 lần so với năm trước. 13 cảng trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long đã đạt sản lượng hàng hóa hơn 8,8 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm trước. Trong đó, các cảng có sản lượng hàng hóa cao nhất là cảng lương thực Trà Nóc (hơn 2,9 triệu tấn), cảng Cần Thơ (hơn 2,8 triệu tấn), cảng Cái Cui (hơn 2,5 triệu tấn)... Cảng vụ hàng hải Cần Thơ cho biết thêm, lượng tàu và hàng hóa tăng nhanh là do nhu cầu vận chuyển cát trung chuyển từ Campuchia sang Singapore càng nhiều. Luồng sông Hậu bị cạn nhưng các công ty vận tải khai thác vận chuyển hàng hóa bằng sà lan thay cho tàu biển nên vận chuyển hàng hóa ra vào dễ dàng...

Đầu năm 2009, lượng tàu cùng hàng hóa ra vào luồng sông Hậu vẫn tiếp tục tăng mạnh. Ông Phan Công Đức, Phó Giám đốc khai thác cảng Cần Thơ (Trà Nóc), cho biết trong tháng đầu năm 2009, cảng Cần Thơ đạt sản lượng 406.000 tấn hàng hóa, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 20% kế hoạch năm. Trong đó, cát xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 342.770 tấn. Năm 2008, cảng Cần Thơ đạt sản lượng hơn 2,8 triệu tấn hàng hóa, tăng gần gấp đôi so với năm trước.

 Tàu vào luồng sông Hậu.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ dự báo, trong tương lai khi mà nền kinh tế tăng trưởng, từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp và thương mại-dịch vụ, thì nhu cầu vận chuyển lại càng tăng nhanh hơn. Nếu tính theo tỷ lệ 1/1, tức tăng 1% GDP thì lượng hàng hóa vận chuyển cũng sẽ tăng lên 1%, thì đến năm 2015, ước tính lượng hàng hóa vận chuyển (cả đường bộ lẫn đường thủy) của khu vực ĐBSCL có thể lên đến 60 triệu tấn/năm. Còn theo định hướng phát triển GTVT vùng ĐBSCL thì đến năm 2010 sẽ có 15-20 triệu tấn hàng hóa thông qua các cảng. Dự báo đến năm 2020 sản lượng hàng hóa thông qua các cảng sẽ tăng lên 22-25 triệu tấn/năm. Điều đó cho thấy cùng với sự phát triển kinh tế của ĐBSCL trong thời gian tới, nhu cầu về vận tải hàng hóa qua cảng sẽ gia tăng.

THÔNG LUỒNG ĐANG BỨC XÚC

Ông Philippe Serence-một nhà đầu tư đến từ châu Âu, nhiều năm làm ăn tại ĐBSCL, cho rằng: Hiện nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đa số là của ĐBSCL được chuyển về TP Hồ Chí Minh rồi mới xuống tàu đi ra nước ngoài; trái cây thì chuyển ra Bắc đi Trung Quốc bị hao hụt 30%; gạo, thịt xuất khẩu cũng phải vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh. Tính ra mỗi năm hao hụt đến hàng trăm triệu USD.

Thực trạng trên là do luồng lạch bị cạn, tàu biển ra vào còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời chưa có một hệ thống hạ tầng cơ sở giúp khai thác tốt các tài nguyên dọc hệ thống sông Mekong; thiếu một hệ thống cụm cảng được xây dựng ở nơi hợp lý, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 5.000-10.000 tấn, để tạo cho doanh nghiệp khả năng khai thác tốt nhất lợi thế của vận chuyển đường thủy.

... Tập trung cải tạo nâng cấp cửa Định An, cửa Tiểu, luồng sông Hậu, sông Tiền, sông Cửa Lớn. Trong đó, cải tạo luồng Định An cho tàu 10.000-20.000 tấn, hoàn thành trước năm 2010. Trước mắt tiến hành nạo vét duy tu hàng năm mức độ chạy tàu hạn chế có lợi dụng thủy triều cho tàu đến 5.000-10.000 tấn, xây dựng luồng tàu qua kênh Quan Chánh Bố để các tàu có trọng tải tới 20.000 tấn ra vào luồng sông Hậu...

(Trích Quyết định số 344/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển GTVT ĐBSCL đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”).

Mặc dù tiềm năng vận chuyển đường thủy như vậy nhưng nhiều năm qua, kế hoạch nạo vét luồng Định An và khởi công đào kênh Quan Chánh Bố để thông luồng sông Hậu vẫn còn chậm và đầu tư nạo vét chưa đúng mức. Theo số liệu thống kê từ Cảng vụ hàng hải Cần Thơ, trong 10 năm qua, tổng đầu tư nạo vét cửa Định An chưa tới 100 tỉ đồng. Năm nhiều nhất được 14 tỉ đồng, năm ít nhất chỉ có 2 tỉ đồng. Luồng luôn bị cạn, độ sâu có lúc chỉ còn -2,5 mét, không tiếp nhận được tàu 5.000 tấn ra vào. Tháng 5-2008, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp cho tàu trọng tải lớn vào luồng Định An”. Tại cuộc hội thảo này, ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Cần Thơ, cho rằng dự án kênh Quan Chánh Bố có thể đến năm 2015 mới đưa vào sử dụng. Do đó, việc nạo vét cửa Định An trong giai đoạn hiện nay và duy tu để sử dụng lâu dài là rất cần thiết. Nếu luồng Quan Chánh Bố hoàn thành thì cũng không đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của khu vực.

Tháng 8-2008, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ, trong đó giao Bộ GTVT chỉ đạo nạo vét luồng Định An. Bộ GTVT đã có quyết định lập dự án đầu tư công trình nạo vét luồng tàu trọng tải 5.000-10.000 tấn qua cửa Định An vào sông Hậu. Trong Công văn 9476/BGTVT-KHĐT (ngày 26-12-2008) của Bộ GTVT gởi Thủ tướng Chính phủ, về việc xin chỉ định thầu tư vấn lập dự án nạo vét luồng tàu trọng tải 5.000-10.000 tấn qua cửa Định An vào sông Hậu, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho rằng: “Dự án nạo vét cho tàu 5.000-10.000 tấn có lợi dụng thủy triều qua cửa Định An ra vào sông Hậu thuộc dự án cấp bách, cần triển khai gấp...”.

Báo cáo mới đây (ngày 5-1-2009) của Bộ GTVT “Về tình hình thực hiện các công trình dự án trọng điểm ngành GTVT” cho biết, dự án xây dựng luồng cho tàu biển vào cảng sông Hậu, do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, đang được triển khai. Dự án kênh Quan Chánh Bố đang thực hiện khảo sát thiết kế kỹ thuật: giải pháp kỹ thuật kè cửa vào kênh Quan Chánh Bố và đê chắn cát, chắn sóng cửa ra kênh Quan Chánh Bố, đánh giá ảnh hưởng bồi lấp cửa Định An khi mở luồng kênh Quan Chánh Bố và đánh giá tác động môi trường. Cục Hàng hải Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công sớm. Dự án nạo vét luồng Định An, Bộ GTVT đã có quyết định chuẩn bị đầu tư. Cục Hàng hải Việt Nam đang chỉ đạo tư vấn khẩn trương hoàn thành dự án đầu tư xây dựng.

Song song với đầu tư của Cục Hàng hải, hiện nay, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Quang Vinh (TP Hồ Chí Minh) đang xúc tiến thủ tục đầu tư dự án nạo vét luồng Định An theo hình thức BOT, để tàu 10.000-20.000 tấn ra vào sông Hậu. Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc cảng Cần Thơ, nói: “Nếu luồng Định An được Cục Hàng hải và Công ty Quang Vinh đầu tư nạo vét trong năm nay xong thì tàu ra vào sông Hậu sẽ tấp nập. Tương lai, kênh Quan Chánh Bố được khởi công và hoàn thành thì chiến lược phát triển cụm cảng Cần Thơ (Cần Thơ, Cái Cui, Bình Minh, Hậu Giang, Ô Môn) sẽ phát huy tác dụng. Cụm cảng này, đồng thời phục vụ chung cho vùng Tây sông Hậu và tiểu vùng giữa sông Tiền với sông Hậu. Luồng tàu từ biển vào sông Hậu có độ sâu ổn định, cho tàu biển có trọng tải 20.000 tấn hoạt động quanh năm an toàn, sẽ đánh thức tiềm năng về xuất nhập khẩu nông, thủy hải sản, thúc đẩy phát triển công nghiệp... khai thác được lợi thế kinh tế của khu vực ĐBSCL, tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn tại đây. Những đặc sản tôm, cá, gạo, trái cây... của vùng ĐBSCL trù phú sẽ đủ sức trỗi dậy và vươn xa trên thị trường thế giới”.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết