13/02/2021 - 10:13

Thực hiện nghị quyết “thuận thiên”

Thông điệp đáng mừng  

Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Chính phủ được xác định là “đòn bẩy” đột phá về đổi mới phát triển bền vững ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Mục tiêu của Nghị quyết 120 là đưa ĐBSCL từ một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH trở thành một trong những vùng đồng bằng thành công nhất trong ứng phó BĐKH...

Đoạn kè chống sạt lở sông Thốt Nốt xây dựng hoàn thành, ứng phó BĐKH, góp phần xây dựng đô thị văn minh, sạch, đẹp. 

Lòng dân phấn khởi 

Ðứng trước công trình xây dựng kè chống sạt lở, xâm nhập mặn, ứng phó BÐKH khu vực sông Cái Sơn đi qua địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy (TP Cần Thơ), ông Nguyễn Văn Tâm, người dân ở đây phấn khởi cho biết: “Sạt lở bờ sông tại khu vực này đã trầm trọng trong những năm gần đây. Cuối năm 2019, tuyến kè sông Cái Sơn khởi công xây dựng, đây là công trình đi vào lòng dân…”.

Kè chống sạt lở, xâm nhập mặn, ứng phó BÐKH khu vực sông Cái Sơn khởi công vào cuối năm 2019 và đến nay chuẩn bị hoàn thành gói thầu số 2 và số 3. Công trình có tổng chiều dài trên 2,8km, nối từ cầu Cái Sơn 1 (tỉnh lộ 923) đến cầu Sáu Bé (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy), với kết cấu kiên cố, có hệ thống lan can, thu gom và thoát nước thải, chiếu sáng công cộng, vỉa hè, đường giao thông rộng thoáng… Tổng kinh phí xây dựng trên 288,58 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương thuộc chương trình mục tiêu ứng phó BÐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 và vốn đối ứng của TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, cho biết: “Ðến nay, công trình thi công cơ bản hoàn thành gói thầu 2 và 3, đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu. Công trình được xây dựng với mục tiêu phòng, chống sạt lở, ổn định bờ sông Cái Sơn, bảo đảm an toàn cho người dân sống dọc theo hai bên bờ sông. Ðồng thời, công trình góp phần tạo thế chủ động trong việc ứng phó với BÐKH, ổn định mặt thoáng cho đô thị Cần Thơ nói chung và khu vực hai bên sông Cái Sơn nói riêng, tránh ngập lụt do triều cường, nước sông dâng cao vào mùa nước nổi…”.

TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều công trình, dự án ứng phó BÐKH, như: gia cố trên 3km kè chống sạt lở bằng các giải pháp truyền thống; xây dựng 10 công trình kè chống sạt lở và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài 18,476km, kinh phí thực hiện 2.639 tỉ đồng; 8 công trình kè chống sạt lở đang triển khai thực hiện với tổng chiều dài 21,12km, kinh phí thực hiện 2.345 tỉ đồng; 6 công trình kè chống sạt lở đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư, tổng chiều dài 5,735km, kinh phí thực hiện 681,61 tỉ đồng... Các công trình trên góp phần ổn định bờ sông, bảo đảm an toàn cho người dân và phát triển đô thị, ứng phó BÐKH. Hiện thành phố đang kiến nghị Trung ương đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với 8 công trình kè chống sạt lở, tổng chiều dài 11,218km, kinh phí thực hiện 1.904 tỉ đồng…

Kiên định mục tiêu...

Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, hơn 3 năm qua, các bộ, ngành Trung ương cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án ứng phó BÐKH phù hợp, nhằm tạo đà mạnh mẽ cho ÐBSCL phát triển bền vững, thích ứng kịp thời với BÐKH. Qua đó, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BÐKH và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BÐKH đã hỗ trợ vùng ÐBSCL 28 dự án (8 dự án liên quan đến xây dựng đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu, 20 dự án liên quan đến trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển). Chương trình mục tiêu ứng phó với BÐKH và tăng trưởng xanh hỗ trợ 20 dự án với tổng số kinh phí 3.700 tỉ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn để thực hiện nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, duy trì, bảo vệ và tôn tạo tự nhiên tại vùng ÐBSCL.

Bờ kè sông Cần Thơ (thuộc quận Ninh Kiều) đang được đầu tư xây dựng để phòng, chống sạt lở, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần chỉnh trang đô thị.

TP Cần Thơ đã xây dựng và xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 phải đảm bảo tính bền vững và thích ứng BÐKH. Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Trước hết thành phố tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng làm cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng và đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, liên vận quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với BÐKH. Xây dựng thành phố thông minh, tăng trưởng xanh và phát triển thương mại - dịch vụ đúng tầm là trung tâm vùng ÐBSCL ứng phó, thích nghi với BÐKH...”.

Ðể một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của BÐKH trở thành một trong những vùng đồng bằng thành công nhất trong ứng phó BÐKH và phát triển thịnh vượng và bền vững thì thời gian 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 là ngắn để tạo ra những chuyển biến đột phá. Tuy nhiên, những nỗ lực của TP Cần Thơ và các bộ, ngành, địa phương trong vùng với các giải pháp thực hiện Nghị quyết đã tạo ra nhiều kết quả tích cực.

Năm 2020, một chuyển động mới đáng mừng cho ÐBSCL là Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng ÐBSCL do lãnh đạo Chính phủ làm Chủ tịch. Hội đồng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, bao gồm cả phát triển vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL. Hoàn thiện nội dung về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam nhằm tăng cường hỗ trợ nguồn lực tốt hơn phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ cho ÐBSCL. Song song đó, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vùng như khuyến khích doanh nghiệp, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách về ưu đãi tín dụng; chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến; chính sách về xúc tiến thương mại; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao và các cơ chế, chính sách khác, nhằm giúp cơ cấu phát triển kinh tế toàn vùng ÐBSCL tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững trong thời kỳ BÐKH...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết