12/05/2009 - 20:00

Nước mặn xâm nhập vào các tỉnh Sóc Trăng-Bạc Liêu-Hậu Giang

Thiếu sự phối hợp giữa các địa phương

Hơn 10.000 ha lúa hè thu của huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng bị thiếu nước tưới đang chết dần, hàng ngàn ha khác chưa thể xuống giống và có nguy cơ bị bỏ hoang do nước mặn xâm nhập. Chưa hết, dòng nước mặn từ Bạc Liêu còn lấn sâu đến địa bàn tỉnh Hậu Giang, “uy hiếp” 18.000 ha lúa hè thu, làm mặn hóa nguồn nước mặt sử dụng cho sinh hoạt của người dân ở thị xã Vị Thanh. Mới đây, tại Sóc Trăng, Cục Thủy lợi, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) đã có cuộc họp với ngành chức năng 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang để bàn cách khắc phục...

Lúa chết dần vì nước mặn

Nhìn ruộng lúa hè thu hơn 1ha của mình bị rụi tàn vì không có nước tưới, anh Quách Văn Oai ở ấp Vĩnh Tiền, xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm, thở dài: “Lúa mới được 7-8 ngày tuổi chưa kịp bón phân thì nước mặn ập tới lúc nào không hay. Nguồn nước dự trữ bên trong đập thời vụ chỉ đủ bơm tưới 1-2 ngày, nên đành nhìn cây lúa rụi dần mà không biết phải làm sao. Vụ này coi như thất trắng rồi, không biết kiếm giống đâu ra để gieo sạ lại khi nước mặn rút”. Không riêng gì ruộng lúa của anh Oai, cả cánh đồng hơn 2.500ha của xã Vĩnh Biên cũng đang điêu đứng vì nước mặn. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Biên - Phạm Khắc Điệp, bức xúc nói: “Chúng tôi không kịp trở tay vì không được ai thông báo trước, nên toàn xã đều bị mặn. Bây giờ nước dưới kênh vẫn còn độ mặn khá cao, trong khi 2.500ha lúa hè thu của xã mới được 15 - 30 ngày tuổi, rất dễ bị thiệt hại nếu không có nước ngọt kịp thời. Mọi năm cũng có mặn từ Bạc Liêu qua, nhưng đều được thông báo trước và độ mặn phổ biến chỉ từ 3 - 4‰ là cùng. Năm nay có lúc mặn lên đến 7-8‰. Hiện mực nước rất bình, chảy yếu, nên chắc chắn thời gian mặn sẽ kéo dài. Thời gian gần đây xuất hiện mưa nên một số diện tích còn cầm cự nhưng không biết đến bao lâu”.

Nước mặn xâm nhập khiến hàng ngàn ha lúa hè thu ở Sóc Trăng có nguy cơ mất trắng. 

Vĩnh Biên và Vĩnh Quới là 2 xã của huyện Ngã Năm giáp với địa bàn Bạc Liêu nên ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn. Anh Nguyễn Văn Tiên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngã Năm, cho biết: “Đợt mặn vừa qua chúng tôi không được thông báo trước, nên không thể thông tin kịp thời cho người dân đối phó. Đợt mặn này rất cao và xâm nhập sâu đến tận xã Long Tân (giáp huyện Long Mỹ-Hậu Giang) với độ mặn đo được là 2,4‰. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, toàn huyện có khoảng 10.000 ha lúa hè thu đã xuống giống bị ảnh hưởng đợt mặn này. Trong đó có 4.000ha bị ảnh hưởng nặng, lúa đang bị chết từng chòm vì thiếu nước và không thể bón phân kịp thời. Mặt khác, hiện còn khoảng 5.000 ha của xã Mỹ Quới và Mỹ Bình không thể xuống giống được, có khả năng phải bỏ hoang vụ này vì độ mặn trên hệ thống kênh khu vực đo được khoảng 6‰. Nhưng chúng tôi cũng đã tính đến phương án chuẩn bị lúa giống hỗ trợ cho người dân gieo sạ lại kịp thời vụ”.

Do xâm nhập sâu và độ mặn cao nên không chỉ có Sóc Trăng mà cả phía Hậu Giang cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đợt mặn từ ngày 20-4 đến nay. Ông Nguyễn Văn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho biết: “23 năm nay thị xã Vị Thanh mới lại bị mặn nên cả thị xã hết sức hoang mang lo lắng và tỉnh đã thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng chống xâm nhập mặn. Khu vực Vị Thanh mặn lên đến 5,8‰ đã làm tê liệt hoàn toàn hệ thống cấp nước thị xã trong nhiều ngày, buộc tỉnh phải huy động tất cả phương tiện có thể để lấy nước từ nơi khác về phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Hiện nay, địa bàn chúng tôi có 18.000 ha bị ảnh hưởng mặn từ 1,8‰ trở lên và trong số này có khoảng 8.000 ha đã xuống giống trong vùng mặn 4-10‰ chỉ biết trông cậy vào mưa thôi”. Không riêng Sóc Trăng và Hậu Giang, ngay tại nơi khởi phát xâm nhập mặn là Bạc Liêu, mặn đã làm chết trắng 25ha lúa hè thu và đang uy hiếp gần 5.000 ha vì độ mặn hiện thời trên hệ thống kênh nội đồng vẫn còn đến 9‰.

Thiếu sự phối hợp đồng bộ

Tại cuộc họp giữa 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang dưới sự chủ trì của Cục phó Cục Thủy lợi Đỗ Hồng Hải nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến xâm nhập mặn để có giải pháp khắc phục phù hợp, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác thủy nông Bạc Liêu, giải thích: “Trong thời điểm chúng tôi đưa nước vào chuẩn bị cho nuôi tôm thì gặp ngay thời điểm triều biển Tây lên cao qua hệ thống sông Cái Lớn, làm cho mặn xâm nhập sâu lên tận phía Hậu Giang qua trục kênh Quản lộ Phụng Hiệp. Trong khi đó, 2 trong số 3 cửa cống Giá Rai đang bị hư nên chỉ mở được một cửa để xổ nước mặn, nên không thoát nước mặn kịp thời gây xâm nhập mặn sâu và kéo dài”. Ông Minh còn dẫn ra các số liệu độ mặn và mực triều biển Tây để giải thích thêm về nguyên nhân gây mặn.

Không đồng tình với cách giải thích của ông Minh, ông Dương Quốc Việt, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, cho rằng: “Trước đây, giai đoạn từ năm 1997-2000, trục kênh Quản lộ Phụng Hiệp ngọt hóa đến tận giáp ranh sông Cái Lớn của Bạc Liêu, nên có thể nói tác động từ mực triều biển Tây là không có. Từ năm 2000-2006, khi Bạc Liêu đưa vùng Ninh Quới vào nuôi tôm sú thì chuyện xâm nhập mặn bắt đầu xảy ra, nhưng chưa ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt, từ năm 2008 và 2009 này tình hình xâm nhập mặn từ phía Bạc Liêu ngày càng trở nên gay gắt hơn, gây thiệt hại nhiều hơn cho sản xuất của tỉnh Sóc Trăng. Từ đây cho thấy, công tác vận hành hệ thống cống của phía Bạc Liêu chưa phù hợp. Với cách vận hành như hiện nay thì dù dự án phân ranh mặn ngọt có hình thành cũng không hiệu quả, nếu không muốn nói sẽ trở nên nguy hiểm hơn, vì khi đó mặn có vào mà không có ra”.

Ông Nguyễn Văn Đại, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cũng chứng minh rằng, mặn xâm nhập vào Hậu Giang là phía Nam chứ không phải từ hướng Tây. Ông Đại nói: “So sánh tại các điểm như: Cái Tư-Kinh Lầu giáp Kiên Giang và Ngan Dừa giáp Bạc Liêu từ ngày 31-3 đến nay, độ mặn đo được tại Ngan Dừa luôn cao hơn gần gấp đôi so với khu vực Cái Tư-Kinh Lầu. Cụ thể, trong cao điểm mặn từ 20 đến 27- 4, độ mặn tại khu vực Cái Tư-Kinh Lầu chỉ dao động 4,2-4,8‰, trong khi đó, tại Ngan Dừa độ mặn 8,2-8,7‰. Đặc biệt, tại UBND xã Lương Nghĩa, độ mặn đo được ngày 25-4 đến 10,9‰”.

Ông Đỗ Hồng Hải, Cục phó Cục Thủy lợi, khẳng định: “Mực triều biển Tây lên cao là có xảy ra. Nhưng chuyện mặn xâm nhập sâu còn có một phần do quá trình lấy nước vào và xả nước ra của Bạc Liêu chưa thật sự phù hợp. Khi con nước triều biển Tây lên cao thì trước đó, phía Bạc Liêu phải tháo bớt nước ra vì lúc này mực triều trên trục Quản lộ Phụng Hiệp rất thấp, không đủ để đẩy nước ngọt về phía biển. Phía Bạc Liêu cần nhanh chóng tháo bớt nước ra và rà soát lại qui trình vận hành cống để đảm bảo giảm độ mặn trên sông rạch cho các tỉnh lân cận, đảm bảo sản xuất cho người dân”. Từ ý kiến của các địa phương, Cục Thủy lợi sẽ sớm trình Bộ NN&PTNT để có các giải pháp tháo gỡ căn cơ. Tuy nhiên, trước mắt ông Hải chỉ đạo, các ngành chức năng của các tỉnh cần tập trung phối hợp với nhau để đảm bảo quá trình sản xuất của các địa phương được hiệu quả.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết