04/04/2018 - 09:13

Các cấp Hội Nông dân Thành phố

Thiết thực hỗ trợ nông dân nâng cao đời sống 

Các cấp Hội Nông dân (HND) thành phố có đã có những giải pháp hỗ trợ thiết thực về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, khoa học kỹ thuật… giúp nhiều nông hộ vươn lên ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế- xã hội thành phố phát triển.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Đinh Văn Son, ấp Trường Khương A, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Thanh Thư

Năm 2017, được hỗ trợ 36 triệu đồng và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, ông Nguyễn Văn Sang ở khu vực Tràng Thọ 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt đầu tư xây dựng 500m2 nhà lưới và hệ thống tưới tự động để trồng rau sạch. Hiện nay, hằng tháng, ông cung cấp cho thị trường 2-3 tấn rau cải các loại, giá từ 7.000- 12.000 đồng/kg. Khoản thu nhập này giúp gia đình ông có cuộc sống sung túc hơn. Ông Nguyễn Văn Sang chỉ là một trong những người được HND và các ngành chức năng hỗ trợ để phát triển kinh tế. Theo ông Đoàn Văn Quân, Chủ tịch HND quận Thốt Nốt, riêng năm 2017, bên cạnh nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách- Xã hội (3.833 hộ vay, dư nợ 74,7 tỉ đồng), Quỹ hỗ trợ nông dân quận đã giải ngân hơn 2,2 tỉ đồng cho 223 hộ vay sản xuất, chăn nuôi. Ông Đoàn Văn Quân cho biết: “Các nguồn vốn hỗ trợ kịp thời đến từng hội viên có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Nhờ đó, năm qua, 36 hộ nông dân quận được thoát nghèo bền vững”.

Các cấp HND huyện Vĩnh Thạnh cũng đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách-Xã hội cho 5.184 hộ vay 100,45 tỉ đồng trong năm 2017 và giới thiệu 172 hộ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 55, 33 tỉ đồng để phát triển sản xuất. Đồng thời, phát vay 2,72 tỉ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân cho 192 hộ vay phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp HND huyện Vĩnh Thạnh tập trung vận động nông dân sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện đã thành lập được 29 hợp tác xã nông nghiệp, với 977 xã viên và 278 tổ hợp tác (THT), với 13.996 thành viên, 67 cánh đồng lớn, với diện tích 10,45ha. Ông Võ Văn Bảy, Chủ tịch HND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hầu hết các hợp tác xã và THT đều hoạt động hiệu quả. Các xã viên hợp tác xã và thành viên THT có việc làm và thu nhập ổn định”.

Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân được các cấp HND thành phố quan tâm thực hiện. Riêng năm 2017, theo HND thành phố, các cấp HND trong thành phố đã phối hợp tổ chức 657 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc lúa, hoa màu, cây ăn trái,… cho trên 22.000 lượt nông dân. HND các địa phương còn làm “cầu nối” để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lúa giống bao tiêu lúa của nông dân… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và nỗ lực của nông dân, năm 2017, thành phố có 48.561 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

 Theo ông Lê Bá Phước, Chủ tịch HND thành phố, đến nay, sản xuất nông nghiệp của thành phố được chuyển dịch theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi, phù hợp với từng địa bàn, mang lại hiệu quả thiết thực. Hội viên, nông dân thành phố đã tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất. Từ đó, có nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình sản xuất lúa giống, kinh doanh vật tư nông nghiệp của ông Tiêu Ngọc Lợi, xã Thạnh Lộc và mô hình nuôi cá tra, trồng cam xoàn, nhãn Ido của ông Hà Tấn Tâm ở phường Thới An có lợi nhuận trên 4 tỉ đồng/năm; mô hình sản xuất lúa giống theo tiêu chuẩn từng cấp giống của ông Trần Thanh Liêm ở phường Trung Kiên có lợi nhuận 3 tỉ đồng/năm; mô hình trồng hoa kiểng, cây giống của ông Nguyễn Văn Dành ở phường Long Hòa lợi nhuận 1,5 tỉ đồng/năm;… Nhiều THT hoạt động hiệu quả cao, như: THT trồng hoa kiểng phường Thốt Nốt; THT trồng cam xoàn phường Thới An; THT trồng chuối cấy mô xã Thới Hưng…

Mặc dù vậy, tình hình sản xuất và đời sống của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Võ Văn Bảy, Chủ tịch HND huyện Vĩnh Thạnh, một trong những khó khăn hiện nay là sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia tăng giá trị sản xuất còn chậm, mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch… Cũng có ý kiến đánh giá, hiện nay, sản xuất của nông dân thành phố còn nhỏ lẻ, việc liên kết mới dừng ở khâu sản xuất nên hiệu quả kinh tế chưa cao; việc nhân rộng các mô hình hiệu quả chưa được chú trọng; đặc biệt là giá cả nông sản hàng hóa còn bấp bênh...

Để tiếp tục nâng cao đời sống nông dân, theo ông Lê Bá Phước, Chủ tịch HND thành phố, bên cạnh việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tìm đầu ra cho nông sản, các ngành chức năng cần phối hợp với HND tăng cường dạy nghề nông nghiệp chuyên sâu và các nghề phi nông nghiệp; tạo điều kiện cho nông dân kết hợp mô hình vườn cây ăn trái gắn với du lịch để tăng thu nhập. Xúc tiến mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp ở các huyện để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo nghề nhằm chuyển dịch lao động sang phi nông nghiệp. Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra các cửa hàng, đại lý, cơ sở sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… giúp nông dân hạn chế thiệt hại do sử dụng nhầm hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến sản xuất…

Thụy Khuê

Chia sẻ bài viết