06/07/2008 - 20:59

Thị trường điện thoại di động trầm lắng

Gần đây, giá bán lẻ nhiều dòng máy điện thoại di động tại các cửa hàng, siêu thị điện thoại di động ở TP Cần Thơ đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, giá máy điện thoại di động tăng đúng vào những tháng kinh doanh thấp điểm nên sức tiêu thụ mặt hàng này hiện cũng đã giảm khoảng 30-40% so với trước.

* GIÁ TĂNG VÌ SAO?

Khảo sát tại một số siêu thị kinh doanh điện thoại di động lớn ở nội ô TP Cần Thơ như: Viettel, V Call Line, [IN] Store, Western Telecom, thegioididong... giá mặt hàng này hiện đã tăng từ 2-11% so với đầu tháng 5-2008. Biến động nhiều nhất vẫn là các dòng máy trung cấp và cao cấp của một số thương hiệu có tiếng trên thị trường như: Nokia, Samsung, Motorola, Sony Ericsson...

Nokia là một trong những thương hiệu có giá bán tăng mạnh nhất với trên 30 phiên bản, kế tiếp là Motorola, Samsung... Tuy nhiên, mức độ tăng giá chủ yếu là những dòng sản phẩm trung cấp và cao cấp. Trong đó, phiên bản N8800 Art của Nokia hiện đã tăng 2,2 triệu đồng/chiếc so với tháng 5-2008 lên mức 19,7 triệu đồng/chiếc. Các phiên bản N95-8GB, N95-1, E90 cũng đã tăng thêm từ 620.000-1.050.000 đồng/chiếc. Nhiều phiên bản khác của Motorola (V8-2GB, V8 Luxury, V8 Dark Pear Grey-512MB...), Samsung (F500, M160, J600 Pink...)... giá bán cũng đã tăng thêm từ 160.000-700.000 đồng/chiếc. Riêng các dòng máy cấp thấp có mức giá khoảng 2,5 triệu đồng trở xuống chỉ tăng từ 10.000-50.000 đồng/chiếc.

Khách hàng chọn mua  ĐTDĐ tại Siêu thị điện thoại hi-phone thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viễn thông Miền Tây (Western Telecom) chi nhánh Cần Thơ. 

Theo nhận định của ông Ngô Thanh Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH P&R Long Quân, thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng điện thoại di động đã được điều chỉnh tăng lên 8% thay cho mức thuế cũ từ 0-5%. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng mức thuế mới có hiệu lực (từ ngày 20-6-2008) nên lượng hàng nhập về trong thời gian này chưa nhiều. Đây chưa phải là nguyên nhân chính tác động đến thị trường điện thoại di động mà còn bởi áp lực cạnh tranh thị phần, lãi suất vốn vay, sự biến động của đồng đô-la Mỹ...

Hơn 1 tháng qua, đồng đô-la Mỹ liên tục tăng giá cộng thêm các khoản phí khác đã đội giá các lô hàng điện thoại di động nhập khẩu về trong thời gian gần đây tăng ít nhất là 9% so với trước. Đơn hàng nhập khẩu phải thanh toán theo giá đô-la Mỹ biến động trên thị trường (tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô-la Mỹ có thời điểm tăng trên dưới 17.800 đồng/USD) buộc các nhà phân phối phải tăng giá bán theo. Ngoài ra, mặt hàng điện thoại di động tăng giá còn do lãi suất vốn vay từ ngân hàng từ đầu năm đến nay liên tục tăng cao. Trong khi đó, từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, sức tiêu thụ thường giảm hoặc chững lại theo chu kỳ. Lượng hàng tồn kho vì vậy ngày càng tăng, nguồn vốn quay vòng chậm làm cho chi phí quản lý, lưu kho... tăng cao.

Từ đầu năm 2008 đến nay, trào lưu sắm mới hoặc đổi model của giới tiêu dùng trẻ không còn sôi động như vài năm trước. Áp lực cạnh tranh giữa các nhà phân phối và bán lẻ trên địa bàn thành phố ngày càng lớn đã tác động không nhỏ đến thị phần của từng cơ sở kinh doanh. “Ảnh hưởng chung của thị trường, lượng máy bán ra tại siêu thị điện thoại di động của Viettel Cần Thơ cũng đã giảm khoảng 30% so với 2 tháng trước đây”- ông Phạm Công Trợ, Trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh Cần Thơ, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), nói.

* THỊ TRƯỜNG SẼ BÌNH ỔN

Bà Trần Ngọc Tuyển, Trưởng phòng Đối ngoại, Công ty TNHH Phân phối FPT khu vực phía Nam thuộc Tập đoàn FPT, cho biết: Tại 4 Trung tâm Bán lẻ Thiết bị Công nghệ Di động [IN] của FPT tại thị trường Đà Nẵng, Biên Hòa (Đồng Nai), TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ, lượng hàng tồn kho trước thời điểm tăng giá của đồng đô-la Mỹ vẫn còn nhiều, nên giá bán hầu như không có biến động lớn. Các dòng máy tăng giá phần lớn thuộc về một số mẫu hàng cao cấp, mới nhập về, trong khi lượng hàng bán ra chủ lực vẫn là các dòng máy cấp thấp nên không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người tiêu dùng.

Cũng giống như các mặt hàng điện tử, điện máy khác, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và các ứng dụng giá trị gia tăng làm cho “vòng đời” của điện thoại di động diễn ra rất ngắn (khoảng 5-6 tháng là bị lỗi model). Việc tăng giá bán khiến sức mua giảm mạnh. Các nhà phân phối, bán lẻ không thể lưu kho lâu vì sẽ làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh thị phần nên có thể sẽ phải “xả hàng”, giải phóng hàng tồn trong một vài tháng tới.

Theo giới kinh doanh điện thoại di động, sau một thời gian sử dụng kiểm chứng, làn sóng chuộng điện thoại di động không chính hãng giá rẻ có nhiều tính năng giải trí đã giảm xuống rõ rệt. Không chỉ những khách hàng bình dân mà nhiều người có thu nhập khá cũng có xu hướng quay sang chọn máy giá rẻ, vì họ không cần sử dụng các tiện ích gia tăng như: chụp hình, quay phim, ghi âm... Lượng máy bán ra tại các siêu thị điện thoại di động chủ yếu tập trung ở những dòng máy chính hãng Nokia, Samsung, Motorola, Bavapen, Mobell, WellcoM... thuộc phân khúc giá rẻ từ 1,5 triệu đồng/chiếc trở xuống. Xu hướng chung hiện nay là giá bán các sản phẩm chính hãng ngày càng giảm, có nhiều chương trình khuyến mãi, tặng sim số có tài khoản lớn kèm và chế độ bảo hành chu đáo hơn.

“Nhu cầu sắm mới của người tiêu dùng trong thời điểm này đã hạ nhiệt. Doanh số bán ra tại hệ thống của V Call Line đã giảm mạnh theo chu kỳ hàng năm, nên giá tăng cũng không tạo ra biến động mạnh trên thị trường. Để vượt qua thời điểm khó khăn này, V Call Line đã cắt giảm một phần lợi nhuận, kìm hãm biến động tăng giá nhằm kích cầu, tập trung đến lợi ích của khách hàng nhiều hơn”-ông Ngô Thanh Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH P&R Long Quân cho biết.

Bài, ảnh: Triều Dâng

Chia sẻ bài viết