12/02/2019 - 15:39

Thị trường âm nhạc trực tuyến tăng trưởng đột phá 

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tác động và làm thay đổi nền công nghiệp âm nhạc. Theo nhu cầu thị trường, album truyền thống đang sụt giảm mạnh, thay vào đó là thị trường âm nhạc trực tuyến không ngừng mở rộng.

Năm 2017, doanh thu từ việc người nghe nhạc trả tiền cho các dịch vụ trực tuyến như Spotify, Apple Music và Amazon Music đã tăng hơn 41%, lên 6,6 tỉ USD, chiếm hơn 38% tổng thị trường âm nhạc toàn cầu. Việc bán các sản phẩm âm nhạc có định dạng vật lý, chủ yếu là CD, giảm 5,4%, xuống còn 5,2 tỉ USD, chiếm 30% tổng thị trường âm nhạc toàn cầu. Mới đây, thống kê của BuzzAngle - đơn vị chuyên theo dõi mức tiêu thụ âm nhạc trên thế giới - cho thấy năm 2018 doanh số bán album giảm 18,2% so với năm trước và doanh số bài hát giảm 28,8%. Trong khi đó, tổng số nền tảng âm nhạc theo yêu cầu (trực tuyến có trả phí) gồm cả radio và video, đã tăng 35,4%. Các chuyên gia nhận định đây là xu hướng tất yếu khi các nền tảng công nghệ ngày càng phát triển, người dùng ưa chuộng các tiện ích, từ đó nền công nghiệp âm nhạc cũng phải thay đổi để bắt kịp xu thế.

Drake (ảnh, phải) và Ariana Grande, hai ngôi sao thành công nhất trong mảng nhạc trực tuyến năm 2018.

Trong tất cả bài hát mà người Mỹ đã nghe năm 2018 có 77% là thông qua các dịch vụ phát nhạc trực tuyến như Spotify, Apple Music; chỉ có 17,3% thông qua doanh số album và 5,7% thông qua doanh số của đĩa đơn. Những con số này trong năm 2017 lần lượt là 66%, 24,6% và 9,3%. Vì vậy, nhiều nghệ sĩ chuyển hướng đầu tư cho mảng trực tuyến. Ed Sheeran, Drake, Kendrick Lamar, Ariana Grande, Katy Perry, Rihanna, Taylor Swift… dẫn đầu ở các bảng xếp hạng của Spotify và Apple Music. Rất nhiều ca khúc của họ trước khi phát hành bản chính thức bằng album và đĩa đơn, đều sớm xuất hiện trên các trang trực tuyến. So với trước kia, việc này đang mang lại nhiều lợi ích cho các nghệ sĩ, bởi khi phát hành một sản phẩm âm nhạc trên các trang âm nhạc trực tuyến, nghệ sĩ nhận được tiền từ ngày đầu tiên phát hành, thay vì phải chờ đợi cho đến khi album (bản cứng truyền thống) được phát hành. Thêm vào đó việc chi trả bản quyền cho mỗi lượt nghe, tải về cũng giúp nghệ sĩ được lợi nhiều hơn. Với sự tích hợp theo từng bảng thể loại, yêu cầu, xu hướng… được phân chia trên các trang âm nhạc trực tuyến, nghệ sĩ có thể nhận được hàng chục triệu lượt nghe trong một tháng, giúp họ gia tăng tiền bản quyền. Việc này còn góp phần quảng bá cho album chính thức, đồng thời hạn chế việc ca khúc bị “rò rỉ” và vi phạm bản quyền. Chẳng hạn, Spotify hiện sở hữu hơn 71 triệu người sử dụng của hơn 60 quốc gia, giúp một ca khúc mới được phát hành trên Spotify có lợi rất nhiều. Cụ thể như “God’s Plan” (2018) của Drake ra mắt trong vòng 24h đã có trên chục triệu lượt nghe, lập nhiều kỷ lục. Đến nay, “God’s Plan” đã sở hữu tỷ lượt nghe, trở thành sản phẩm âm nhạc thành công nhất trong năm 2018 của Drake, ca khúc bán chạy thứ hai năm 2018.

Thị trường tiêu thụ âm nhạc trực tuyến đang tăng trưởng đột phá vì mang đến nhiều lợi ích cho nghệ sĩ lẫn người sử dụng. Các trang âm nhạc trực tuyến cũng đưa ra những mức giá khá cạnh tranh, trung bình khoảng 9,9 USD/tháng ở gói phổ thông và khoảng 14,9 USD/tháng gói gia đình (6 tài khoản). Khách hàng có thể thoải mái lựa chọn nhạc, nghệ sĩ theo sở thích ở bất kỳ đâu với các thiết bị điện tử hiện đại.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Rolling Stone, The Guardian)

Chia sẻ bài viết