09/07/2020 - 11:15

Thi đua làm giàu 

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) trên địa bàn xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, ngày càng có sức lan tỏa, thu hút nhiều nông dân tham gia. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều nông hộ biết khai thác, phát huy tiềm năng đất đai, nguồn lực để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Lãnh đạo HND xã Vĩnh Bình và huyện Vĩnh Thạnh thường xuyên đến thăm hỏi, khích lệ nông dân phát triển sản xuất.

Xác định phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào trọng tâm, Hội Nông dân (HND) xã Vĩnh Bình đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay,… nhằm khích lệ nông dân thi đua sản xuất. Nông dân Nguyễn Văn Phong, ngụ tại ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Bình có 1.500m2  đất canh tác. Nhiều năm trước, trồng lúa và hoa màu, kinh tế thiếu trước hụt sau, ông Phong quyết định đào ao thả cá, nhưng thu nhập cũng không cải thiện. Ðược HND cùng với Khuyến nông xã hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đồng thời, được tập huấn kỹ thuật, ông Phong chuyển 1.500m2 ao nuôi cá tạp sang nuôi ếch. Hiện nay, ông Phong đang nuôi 27 vèo ếch, mỗi vèo có diện tích 12m2  nuôi 3.000 con ếch giống. Bên ngoài vèo, ông nuôi kết hợp 4.000 con cá tra.

Theo ông Phong, ếch được nuôi theo kiểu gối đầu, thu hoạch luân phiên, cách vài tuần thu hoạch 3-4 vèo, rồi lại thả tiếp ếch giống trong vèo vừa thu hoạch. Thời gian nuôi 1 vụ ếch từ 2,5-3 tháng, đạt trọng lượng 4-5 con/kg. Vụ vừa qua, với giá 30.000 đồng/kg, ông Phong thu lãi 54 triệu đồng. Bình quân, mỗi năm với 4 vụ ếch, ông thu lãi trên 216 triệu đồng. Riêng 4.000 con cá tra, sau 10 tháng nuôi, ông thu được 6 tấn cá, lãi hơn 94 triệu đồng. Nhận thấy mô hình này hiệu quả, nhiều hộ nông dân đã thử sức. Hiện nay, ở ấp Vĩnh Hưng có 7 hội viên nông dân nuôi ếch kết hợp thả cá. Nhằm hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, HND xã đã thành lập mô hình Tổ hội nghề nghiệp nuôi ếch kết hợp với cá tra tại ấp.

Trên địa bàn xã Vĩnh Bình còn có nhiều tấm gương nông dân SXKDG, như: ông Huỳnh Thanh Bình (ấp Vĩnh Thọ), với mô hình nuôi cá tra xuất khẩu theo chuỗi liên kết, diện tích 3,2ha, thu nhập hơn 10 tỉ đồng/năm; ông Phan Văn Chúc (ấp Vĩnh Thọ), với mô hình trồng xoài và nuôi cá, diện tích 1,6ha, thu nhập hơn 330 triệu đồng/năm; ông Trần Văn Sữa (ấp Vĩnh Nhuận), với mô hình sản xuất 2 lúa-1 mè, diện tích 2,5ha thu nhập 345 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Thanh Hải (ấp Vĩnh Lộc) xây dựng mô hình nuôi cá trê, diện tích 0,7ha thu nhập 648 triệu đồng/năm; ông Trương Văn Hai (ấp Vĩnh Lộc) với  mô hình lúa và trồng hoa cúc trên diện tích 2ha thu nhập 380 triệu đồng/năm…

Theo ông Lê Văn Quí, Phó Chủ tịch HND xã Vĩnh Bình, chất lượng và hiệu quả Phong trào nông dân thi đua SXKDG trên địa bàn xã ngày càng nâng cao. Ðiểm nhấn trong Phong trào chính là sự liên kết, hình thành các khu vực chuyên canh, cánh đồng lớn... Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân. Ðồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Xã hiện có 2 hợp tác xã, 25 cánh đồng lớn với tổng diện tích 1.171,5ha, đạt 70,98% diện tích toàn xã và 55 tổ hợp tác sản xuất.

Hằng năm, HND xã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; vận động hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. HND xã đang quản lý 8 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, giúp nhiều hộ vay trên 8,9 tỉ đồng và 1 tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện với tổng số tiền vay trên 3 tỉ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hằng năm, Vĩnh Bình có khoảng 813 hộ hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu SXKDG các cấp, chiếm trên 82,45% tổng số hộ nông nghiệp toàn xã. Hiệu quả của phong trào đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: KIẾN QUỐC

Chia sẻ bài viết