12/02/2014 - 20:09

ĐỌC “CHỒM HỔM GIỮA CHỢ QUʔ

Thêm yêu món ăn dân dã

“Chồm hổm giữa chợ quê” là tuyển tập tạp văn gồm 42 bài viết về các món ăn dân dã của Nguyễn Hữu Tài. Mỗi bài viết không chỉ giới thiệu món ăn, sản vật quê nhà mà còn đong đầy cảm xúc về tình đất, tình người của người con xa xứ.

Sách do NXB Văn hóa – Văn nghệ phát hành quí IV- năm 2013.


Nguyễn Hữu Tài sinh ra và lớn lên ở Ninh Hòa – Khánh Hòa, định cư tại Mỹ hơn 13 năm. Thế nhưng, trong lòng người con xa xứ ấy luôn khắc khoải nỗi nhớ quê hương, đất nước và những tình cảm đó đã được chuyển tải trong các tác phẩm: “Những chuyến thiên di”, “Nỗi buồn rực rỡ”, “Cô đơn thẳng đứng” của anh. Đến “Chồm hổm giữa chợ quê” thì Nguyễn Hữu Tài thật sự tái hiện tất cả những ký ức về đất và người, đặc biệt là những món ngon dân dã của xứ Ninh Hòa vào gần 300 trang sách.

 

Tuổi thơ của tác giả gắn bó với con sông quê hương: sông Dinh. Con sông ấy “bồi đắp phù sa, cung cấp nước tưới tiêu cho những thửa ruộng bạt ngàn, xanh ngát, ấp ủ trong lòng nhiều loại tôm cá để cưu mang bao cuộc đời chất phác, nuôi lớn những ước mơ tròn méo ven sông” (“Chòng chành con sóng”- trang 25). Trên dòng sông, có người cha giỏi nghề thả lưới, cắm câu, miệt mài bắt từng con cá, nắm tôm về nuôi lớn đàn con. Qua tài chế biến của các bậc sinh thành, đã có những món ăn nhớ đời, lưu mãi trong ký ức của tác giả. Đó là món cá rô đâm xóc, cá chép chiên xù, cá trê kho tiêu, canh chua cá trầu (cá lóc), cá trắng tương gừng, cá chình nướng nghệ, ốc bươu hấp sả, ba ba xào với cà dĩa, khổ qua, cải chua… Cứ thế, lần lượt từng món ăn được chế biến từ sản vật sông Dinh gắn với những kỷ niệm thời thơ ấu được tác giả kể nhẹ nhàng nhưng không kém phần hấp dẫn trong những bài viết ở phần mở đầu của cuốn sách: “Ơi con sông Dinh”.

Ba phần còn lại, gồm: “Ra chợ mà coi”, “À ơi biển mặn”, “Món thương người nhớ” lần lượt giới thiệu với độc giả những món ăn ở chợ quê, những món được chế biến từ tôm cá của biển và những món ăn độc đáo do những con người bình dị nhưng không kém phần sáng tạo chế biến… Từng món ăn được tác giả miêu tả tỉ mỉ về nguồn gốc, cách chế biến, hương vị cùng tay nghề và tính cách của người làm ra. Tất cả những món ngon quê nhà cùng tình đất, tình người nơi đây đã góp phần nuôi lớn tính cách, tâm hồn của tác giả. Để rồi dù có đi xa trăm nẻo thì người con của xứ sở Ninh Hòa vẫn đều đặn về thăm nhà hằng năm để được sống lại những ký ức tuổi thơ, được thưởng thức những món ăn dân dã, được gặp lại “những người muôn năm cũ”… Nặng lòng với ký ức nên tác giả không khỏi bùi ngùi tiếc nuối khi cảnh vật hôm nay đã đổi thay, những món ăn quê kiểng ngày xưa dần biến mất; những dì Hai, dì Tư, bà Năm, bà Bì… người thì mất, người tóc bạc, lưng còng, bỏ nghề buôn gánh bán bưng mà lo cho con cháu; dòng sông Dinh trù phú xưa kia giờ không còn nhiều tôm cá…

Đặc biệt, tình cảm gia đình cùng những truyền thống của người Việt trong các dịp giỗ, Tết được tác giả thể hiện trọn vẹn trong những bài viết: “Chiều ba mươi”, “Bánh cúng ngày xuân”, “Bánh ngon cúng ngoại”, “Tháng bảy, Vu lan và má”… Để rồi người đọc lắng lòng cùng tâm sự của tác giả: “Giữa những ngày miên viễn xót xa, khi bữa cơm nhà là một món quà xa xỉ… hay những khi vác ba lô lang thang, ăn quán, ngủ đường, cùng trời cuối đất, bỗng buột miệng ước thầm, muốn đánh đổi tất cả những gì mình đang có để quay ngược thời gian, về bên cạnh má ba năm tháng khổ nghèo… Chỉ một lần thôi, sẽ không tiếc nuối, viển vông gì nữa hết. Nhưng ước mơ mãi chỉ là ước mơ, cứ mãi trêu ngươi” (“Về ăn cơm” – trang 285).

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết