27/02/2011 - 20:51

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là xuất khẩu lao động - XKLĐ) là một trong những chỉ tiêu, nhiệm vụ được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cả nước triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch năm 2010. Đây cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành tiếp tục được giữ vững và góp phần tạo việc làm ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người lao động. Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, công tác này luôn được chú trọng, thực hiện nhiều giải pháp cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu đi XKLĐ...

Thành phố tiếp tục tổ chức các Điểm hẹn việc làm ở các xã, thị trấn, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận thông tin và đăng ký đi XKLĐ.

* Năm 2011, đưa 87.000 người đi XKLĐ

Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của Bộ LĐ-TB&XH mới đây, năm 2010, cả nước có 85.546 người đi XKLĐ sang các nước và vùng lãnh thổ, vượt 100% kế hoạch (tăng 16,4% so với thực hiện năm 2009). Trong đó, XKLĐ sang Đài Loan là 28.449 người, Malaysia 11.741 người, Hàn Quốc 8.628 người, Nhật Bản 4.913 người... và có 4.500 lao động thuộc các huyện nghèo (Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg). Tính chung từ năm 2006 đến nay, cả nước đưa được khoảng 409.000 người đi XKLĐ theo hợp đồng, trong đó có khoảng 30 tỉnh, thành phố mỗi năm có trên 1.000 người đi XKLĐ. Nhiều địa phương đưa trên 5.000 người đi XKLĐ, như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh...

Theo đánh giá của Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2006-2010, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng mở rộng. Năm 1995, chỉ có 15 nước tiếp nhận lao động Việt Nam, đến nay lao động Việt Nam đang làm việc trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, tập trung chủ yếu ở các nước và vùng lãnh thổ, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, khu vực Trung Đông... Chất lượng lao động được nâng cao, với trên 50% người đi XKLĐ được đào tạo nghề và trên 90% qua giáo dục định hướng. Từ năm 2006 đến nay, bên cạnh việc duy trì và ổn định thị trường Malaysia và Đài Loan, nước ta đã tăng được thị phần tại các thị trường có thu nhập cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc; mở thị trường mới ở Trung Đông, Macao, Singapore, Úc và Mỹ; xúc tiến mở thị trường ở Bắc và Đông Âu... Các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc vẫn tiếp nhận một số lượng lớn lao động Việt Nam (chiếm hơn 45% tổng số người đi XKLĐ). Song song đó, nước ta còn tăng cường quản lý lao động ở nước ngoài, quản lý nhà nước về XKLĐ, tập trung đào tạo nghề cho người có nhu cầu đi XKLĐ để tìm việc làm phù hợp với thu nhập ổn định, có thể tích lũy số vốn sau khi hết hợp đồng về nước.

Theo kế hoạch, năm 2011, cả nước đưa 87.000 người đi XKLĐ sang các nước và vùng lãnh thổ. Để đạt được yêu cầu này, nước ta tập trung mở rộng thị trường XKLĐ, nhất là thị trường uy tín, an toàn, có thu nhập cao cho người lao động. Song song đó, nâng cao năng lực các doanh nghiệp XKLĐ, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch; đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài để có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu về lao động có kỹ thuật, kỹ năng nghề. Theo dõi chặt chẽ tình hình lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ và phát huy lực lượng lao động này khi kết thúc hợp đồng về nước.

* Cần Thơ thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, trong tổng số 85 người ở TP Cần Thơ đi XKLĐ năm 2010, đa số làm việc ở thị trường Hàn Quốc. Đây là thị trường đang được lao động các quận, huyện chọn lựa vì các tiêu chuẩn khá phù hợp, mang lại đời sống kinh tế khá hơn cho gia đình và nguồn ngoại tệ đáng kể cho thành phố. Hầu hết số lao động làm việc ở Hàn Quốc sau khi hết hợp đồng lao động đều đăng ký gia hạn thêm thời gian lao động. Theo UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, từ nhiều điển hình thanh niên các ấp đi làm việc ở Hàn Quốc đạt hiệu quả kinh tế khá cao, hiện nay, địa phương tập trung hướng người lao động đăng ký đi làm việc ở thị trường này. Từ sự cố rủi ro về việc làm, thu nhập từ các năm trước, thị trường Malaysia không còn được lao động quan tâm, mặc dù đây là thị trường “dễ tính”, phù hợp với thực tế lao động các quận, huyện... Vì vậy, để có thể thu hút người lao động tham gia thị trường này, ngành chức năng cần giới thiệu điển hình thực tế về việc làm và thu nhập của một số lao động đang làm việc ở Malaysia với người lao động...

Năm 2011, TP Cần Thơ sẽ triển khai một số hoạt động trọng tâm nhằm thúc đẩy công tác XKLĐ. Theo đó, tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng và tổ chức 3 điểm giao dịch việc làm vệ tinh ở 2 huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt. Trong tháng 3-2011, thành phố sẽ tổ chức Hội nghị về XKLĐ có sự tham gia của đại diện các công ty XKLĐ, các ngành, đoàn thể chức năng để bàn tìm giải pháp thúc đẩy công tác này. Cùng thời gian này, Trung tâm GTVL kết hợp với Phòng LĐ-TB&XH và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các quận, huyện tổ chức 10 Điểm hẹn việc làm theo hình thức cụm liên phường, xã, thị trấn ở 2 quận Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Điền, mỗi điểm thu hút khoảng 300 lao động. Các công ty XKLĐ sẽ giới thiệu các thị trường đang có nhu cầu tuyển lao động và trực tiếp tư vấn, phỏng vấn sơ tuyển tại chỗ.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức ký kết hợp đồng 3 bên trong việc tạo nguồn lao động có tay nghề, ngoại ngữ cung ứng cho các thị trường XKLĐ có nhu cầu tuyển dụng tương ứng. Đó là hợp đồng giữa Trung tâm GTVL TP Cần Thơ, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ và Công ty XKLĐ Hiteco; Trung tâm GTVL TP Cần Thơ, huyện Cờ Đỏ và Công ty XKLĐ Suleco... Ngành chức năng thành phố tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện làm hồ sơ thủ tục, nguồn vốn vay, chọn thị trường lao động an toàn, ổn định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động...

Có thể nói, cánh cửa XKLĐ tiếp tục hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Vấn đề cần làm ngay là tăng cường tuyên truyền vận động để gia đình người lao động hiểu hơn về XKLĐ; chiêu sinh và trang bị tay nghề, đào tạo nguồn lao động kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu các thị trường lao động... để công tác XKLĐ của TP Cần Thơ khởi sắc hơn.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết