Bài, ảnh: MỸ THANH
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hội Nữ doanh nhân TP Cần Thơ tổ chức diễn đàn Tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ. Diễn đàn nhằm tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ tại địa phương thông qua kết nối trực tiếp các ngân hàng thương mại và các DNNVV do phụ nữ làm chủ trên địa bàn.

Tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh là mong muốn của nhiều DNVVV do phụ nữ làm chủ. Trong ảnh: Bà Ðoàn Thị Hồng Thắm (bìa trái), Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie & Panacee quảng bá sản phẩm tại một sự kiện.
Thông tin công bố tại diễn đàn cho thấy, giai đoạn 2017-2021, TP Cần Thơ cấp mới đăng ký kinh doanh cho trên 6.000 doanh nghiệp các loại hình, với tổng vốn đăng ký gần 40.000 tỉ đồng. Nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 12.000 doanh nghiệp. Trong đó, các DNNVV do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 26% tổng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Ðiều này cho thấy, lực lượng doanh nhân nữ đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển của DNNVV do phụ nữ làm chủ gặp nhiều cản ngại: quy mô nhỏ; sức cạnh tranh thấp; năng lực quản trị, tiếp cận thông tin, công nghệ còn hạn chế. Ðặc biệt, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp còn gặp nhiều áp lực do phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình; định kiến về giới trong gia đình và kinh doanh. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh không thuận lợi do dịch COVID-19 những năm qua đã làm DNNVV do phụ nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp nữ, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn để phục hồi, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh là hết sức cần thiết,
cấp bách.
Bà Chu Hồng Minh, Cán bộ Tài chính cao cấp ADB, cho biết: Diễn đàn hôm nay nằm trong khuôn khổ thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy chương trình cải cách bình đẳng giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do ADB thực hiện từ nguồn vốn Sáng kiến tài trợ doanh nhân nữ. Việc tăng cường kết nối các giải pháp tài chính tại diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới.
Thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ có khó khăn về tài chính trong giai đoạn COVID-19, ADB còn triển khai dự án Giảm thiểu tác động của COVID-19 đến các DNNVV với tổng giá trị lên đến 5 triệu USD từ tháng 4-2021 với cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 5 ngân hàng tham gia thực hiện (BIDV, SHB, ACB, TPB, VPBank). Ðồng thời, các DNNVV do phụ nữ làm chủ cũng được tham gia các khóa tư vấn kinh doanh trực tiếp, thiết kế theo nhu cầu riêng của doanh nghiệp cũng như có cơ hội tham gia các khóa học online nhằm nâng cao năng lực quản lý kinh doanh, vượt qua khó khăn do đại dịch và định hướng phát triển kinh doanh bền vững.
Thông tin tại diễn đàn, bà Lê Thị Thuyền Quyên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Tại Cần Thơ, ngành Ngân hàng luôn xác định DNNVV, trong đó có DNNVV do phụ nữ làm chủ là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngành Ngân hàng tích cực triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ðáng chú ý là các biện pháp hỗ trợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước và chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NÐ-CP của Chính phủ. Ðồng thời, nỗ lực thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, duy trì hoạt động của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn thành phố để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Nhờ đó, vốn tín dụng ngân hàng đầu tư cho khu vực DNNVV, DNNVV do phụ nữ làm chủ đều tăng trưởng qua các năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, tính đến cuối tháng 10-2021, tín dụng cho vay hỗ trợ DNNVV của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 31.659 tỉ đồng, tăng 9,44% so với cuối năm 2021 và tăng 20,84% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 22,8% tổng dư nợ, với 2.738 DNNVV còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay DNNVV do phụ nữ làm chủ đạt 6.221 tỉ đồng, cho 615 khách hàng doanh nghiệp, chiếm 19,65% tổng dư nợ DNNVV, tăng 18,88% so với cuối năm 2021. Ðây là mức tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên toàn địa bàn (15,14%).

Ðể tăng cường nhận thức cho DNNVV do phụ nữ làm chủ về các chương trình, chính sách tín dụng và các hỗ trợ hiện hành, các bài tham luận tại diễn đàn còn tập trung vào các nội dung: chính sách và định hướng hỗ trợ tài chính nhằm tăng cường tiếp cận tài chính cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ; tiếp cận tài chính của DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: quan điểm bên cung và bên cầu; chính sách tín dụng, sản phẩm, quy trình và các hỗ trợ dành cho DNNVV và DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Ngân hàng BIDV, SHBank, Agribank…
Bà Tạ Thị Thu, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP Cần Thơ, chia sẻ: “Nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh luôn cấp thiết đối với các hội viên, song quá trình tiếp cận thường vướng rào cản thủ tục. Thông qua kết nối trực tiếp các ngân hàng thương mại và các DNNVV do phụ nữ làm chủ hôm nay giúp đôi bên hiểu rõ nhu cầu của nhau hơn. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ có những buổi làm việc với ngân hàng, hội viên để cụ thể hóa các chương trình hỗ trợ để các chị em tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn”.
Có thể thấy, ngành Ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ thời gian qua đã có nhiều sản phẩm, dịch vụ, chương trình hỗ trợ tín dụng cho DNNVV, DNNVV do phụ nữ làm chủ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Cùng với đó, các dự án, chương trình triển khai kịp thời sẽ mở thêm cơ hội để DNNVV, DNNVV do phụ nữ làm chủ duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.