16/07/2009 - 20:21

Du lịch sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long

Thế mạnh còn bỏ ngỏ...

Khách du lịch thích thú trong việc tìm hiểu đời sống văn hóa của người Nam bộ tại các khu du lịch sinh thái. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan làng du lịch Mỹ Khánh.
Ảnh: NAM HƯƠNG

Vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn có lợi thế về địa hình sông nước, thích hợp cho du lịch sinh thái. Đó là những cồn cát tự nhiên, nơi có những vườn cây ăn trái và nét riêng đặc trưng của văn hóa Nam bộ... Tuy nhiên, đến nay, việc khai thác mô hình du lịch sinh thái tại ĐBSCL còn khá sơ sài, chưa được đầu tư gia công để tạo dấu ấn trong bức tranh phát triển chung của ngành du lịch quốc gia...

HẤP DẪN MIỆT VƯỜN SÔNG NƯỚC CỬU LONG

Theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN) lữ hành, do tình hình dịch bệnh và khó khăn về kinh tế nên mùa du lịch năm nay lượng khách tham gia các tour nội địa nhiều hơn hẳn. Hiện đang là cao điểm của mùa du lịch hè, cùng với các tour nội địa đang thu hút khách thì các điểm du lịch sinh thái (DLST) của vùng ĐBSCL luôn là lựa chọn của nhiều du khách. Đặc biệt, do thuận tiện về giao thông khi sân bay Cần Thơ hoạt động, cầu Rạch Miễu hoàn thành... nên lượng du khách từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc đến ĐBSCL ngày càng nhiều.

Đến TP Cần Thơ, du khách có thể tham gia các tour sông nước như thăm quan chợ nổi Cái Răng, vườn cò Bằng Lăng, khu du lịch cồn Ấu, vườn du lịch Cái Sơn, làng du lịch Mỹ Khánh, khu du lịch Giáo Dương Phong Điền và rất nhiều các danh thắng như nhà cổ Bình Thủy, Bến Ninh Kiều, chợ cổ Cần Thơ... Gần đây, điểm được nhiều du khách chọn đến là làng du lịch Mỹ Khánh (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền). Tại đây, khách tham quan khu vườn sinh thái cùng với các loại trái cây đặc sản Nam bộ, ghé nhà cổ Nam bộ được xây dựng trên 100 năm, tham gia các trò chơi dân dã như xem đua heo, bơi thuyền, câu cá sấu hoặc nếu muốn khách có thể thử một ngày làm tá điền hay trở thành địa chủ ngày xưa...

Ông Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc Công ty TNHH sinh thái Mỹ Khánh, cho biết: “Để phục vụ cho nhu cầu du khách, chúng tôi không chỉ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà còn cả chất lượng hướng dẫn và nhân viên phục vụ. Năm nay, du khách tăng lên rất nhiều, so với hè năm ngoái. Đặc biệt, do thuận tiện giao thông (có thêm đường hàng không Cần Thơ - Hà Nội) nên lượng khách từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc đến rất nhiều, chiếm khoảng 70% tổng lượng khách”. Theo ông Sáng, hiện nay bình quân mỗi ngày khu du lịch này đón khoảng 200 khách, cao điểm có thể lên đến 500-600 khách/ngày.

Vừa sở hữu bờ biển dài hơn 56 km, các khu nuôi tôm công nghiệp, khu làm muối, các làng chài, các vườn nhãn đã gần 100 năm tuổi và các khu rừng sinh thái ngập mặn, Bạc Liêu cũng đồng sở hữu khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu. Những tài sản “rừng vàng biển bạc” ấy đã kiến tạo một tiểu vùng du lịch độc đáo cho Bạc Liêu. Ngoài vườn chim-biển - nhãn, Bạc Liêu còn nổi tiếng với những đại điền chủ giàu có nức tiếng Nam bộ thời Pháp thuộc với quần thể những khu nhà cổ. Đó là phủ thờ dòng họ Cao Triều theo kiến trúc cổ Á Đông nằm cạnh bờ kênh xáng Bạc Liêu, nơi còn lưu giữ 2 bộ trường kỷ bằng đá hoa cương nguyên khối, hai cặp hạc đội đèn bằng đồng. Và mỗi khi đến Bạc Liêu, du khách không thể không đến khu nhà Công tử Bạc Liêu với nét kiến trúc phương Tây kết hợp kiến trúc Á Đông mang vẻ cổ kính giữa lòng thị xã. Ngoài ra, còn có các điểm văn hóa hấp dẫn du khách như: khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, chùa Ông, chùa Bà, tháp cổ Vĩnh Hưng...

Tỉnh Bến Tre được biết đến với những cồn cát tự nhiên, một vựa trái cây của ĐBSCL với các loại trái ngon đặc sản như sầu riêng hạt lép, măng cụt, chôm chôm... Tính đến nay, tỉnh Bến Tre có 40 điểm du lịch sinh thái.

Lượng khách du lịch đến Bến Tre hằng năm đều tăng, nếu như năm 1995 chỉ có 91.000 lượt khách thì năm 2008 gần 415.000 lượt khách (trong đó khách nội địa trên 240.000 người, khách quốc tế gần 174.000 người). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2009, Bến Tre đón trên 243.000 lượt khách đến tham quan, tăng 11,4%; doanh thu đạt 105 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2008. Trong số này khách quốc tế là 101.000 lượt, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Thu nhập từ du lịch của tỉnh Bến Tre hằng năm cũng tăng vượt bậc, nếu năm 1995 doanh thu toàn ngành du lịch của tỉnh chỉ đạt 11 tỉ đồng thì năm 2005 tăng lên 83 tỉ đồng, năm 2008 đạt mức 158 tỉ đồng. Tính thu nhập của xã hội từ du lịch trong năm 2008 đạt 285 tỉ đồng.

TÌM HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Trưởng phòng Truyền thông Công ty lữ hành Vietravel, nhận định: “DLST đang là mô hình du lịch được nhiều khách du lịch quan tâm. Tuy nhiên, các tour DLST ở Tây Nam bộ vẫn chưa là điểm thu hút khách mạnh so với các điểm DLST khác trong nước. Tour về miền Tây chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng tour nội địa. Nguyên nhân các mô hình DLST trong vùng còn giống nhau, gây nhàm chán cho du khách, chủ yếu là khai thác du lịch vườn, còn các loại hình sinh thái đặc trưng khác như sinh thái biển, rừng... vẫn chưa được chú ý nhiều. Bên cạnh đó, các địa phương còn lúng túng, chưa tìm ra được bản sắc văn hóa riêng cho mình, cũng như chưa xác lập để đầu tư cho sản phẩm đặc trưng...”.

Vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo “Du lịch Bến Tre - Cơ hội đầu tư và phát triển”. Tại hội thảo các ý kiến cho rằng, hiện nay, đa số các điểm du lịch ở Bến Tre vẫn còn ở qui mô nhỏ, rời rạc, chưa có sự liên kết; kết cấu hạ tầng của tỉnh chưa đồng bộ; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú... Ông Triệu Công Tinh Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng: “Tỉnh Bến Tre được nhiều nơi biết đến là xứ dừa, vì vậy cần phải có sản phẩm thật đặc sắc từ dừa, để tạo nét riêng của mình. Mặt khác, ngành du lịch địa phương cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá nhiều hơn để thu hút du khách”. Nói về điểm nghỉ dưỡng, ông Sony Son, Tổng Giám đốc Anoasiss Resort, nhận định: “Mặc dù Bến Tre đang thu hút rất nhiều du khách, trong đó có lượng lớn khách quốc tế, nhưng mô hình resort lại chưa được đầu tư phát triển. Hiện không thể bố trí cho khách nghỉ ngơi tại một resort ở Bến Tre, mà phải xuống TP Cần Thơ hay phải ngược về TP Hồ Chí Minh...”

Bến Tre phát triển du lịch nhất thiết phải đặt trong mối quan hệ với các tỉnh, thành ĐBSCL, đặc biệt là mối quan hệ kết hợp chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ nhằm tạo thị trường qua lượng khách bền vững. Ông Nguyễn Thái Xây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định: “Tỉnh Bến Tre nhất quán và áp dụng ưu đãi ở mức tối đa trong các chính sách đã được Trung ương ban hành và thẩm quyền được phân cấp. Tỉnh sẽ tạo những điều kiện tốt nhất, dành những ưu đãi thiết thực cho những dự án đầu tư phát triển du lịch với quy mô phù hợp, tạo mặt bằng có sẵn cho các dự án trong lĩnh vực xã hội hóa; áp dụng khung giá thuê đất, miễn giảm tiền thuê đất ở mức tốt nhất cho nhà đầu tư vào du lịch... Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục đầu tư trên cơ sở một đầu mối, một cửa liên thông và hỗ trợ xuyên suốt cho nhà đầu tư từ khi có chủ trương đến triển khai thực hiện dự án”.

Phát triển du lịch kết hợp với các sự kiện đang được nhiều địa phương quan tâm để tạo điểm nhấn trong thu hút khách. Tại Bạc Liêu, nhân Lễ hội Dạ cổ hoài lang sắp diễn ra, ngành du lịch Bạc Liêu chuẩn bị chu đáo mọi mặt để đón du khách. Đó là việc chỉnh trang lại các khu du lịch, tăng cường đội ngũ hướng dẫn viên, xây dựng phong cách phục vụ văn minh, lịch thiệp... để sau lễ hội này du khách không chỉ biết đến Bạc Liêu với những điểm đến thú vị mà còn giữ chân được du khách bởi tính cách phóng khoáng, chân tình và hiếu khách.

Tại TP Cần Thơ, song song với việc khai thác, các DN du lịch cũng chú trọng vào đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ. Tại vườn du lịch Cái Sơn đã phát triển du lịch mô hình homestay bằng khu nhà nghỉ dạng nhà sàn lợp lá, mở rộng khu vườn cho khách có thể tham quan bằng xe đạp. Còn tại làng du lịch Mỹ Khánh, hiện đang xây dựng mở rộng để tạo mô hình khép kín bằng việc trùng tu khu nhà nghỉ trong vườn cây, xây dựng mới khu nhà hàng cổ phục vụ khoảng 200 khách đáp ứng cho nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng, hội họp tại chỗ của du khách...

DƯƠNG-TÂM-HƯƠNG

Khách du lịch thích thú trong việc tìm hiểu đời sống văn hóa của người Nam bộ tại các khu du lịch sinh thái. Trong ảnh:

Chia sẻ bài viết